Loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người thi hành mệnh lệnh cấp trên theo quy định của Bộ luật Hình sự

21/06/2021 16:37 | 3 năm trước

(LSVN) – Điều 26 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người thực hiện hành vi gây thiệt hại trong khi thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên trong lực lượng vũ trang nhân dân để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh nếu đã thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh nhưng người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành mệnh lệnh đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Ảnh minh họa. 

Loại trừ trách nhiệm hình sự  là những trường hợp được quy định trong các điều của Bộ luật Hình sự về việc gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho xã hội, khi có đủ các căn cứ do pháp luật hình sự quy định, việc gây thiệt hại về mặt pháp lý hình sự, nhưng không bị coi là tội phạm và người thực hiện hành vi nguy hiểm đó không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) dành một chương riêng (Chương IV) quy định về các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự. Theo đó, những trường hợp gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm hình sự hoặc không phải là tội phạm bao gồm: Sự kiện bất ngờ (Điều 20); Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự (Điều 21); Phòng vệ chính đáng (Điều 22); Tình thế cấp thiết (Điều 23); Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội (Điều 24); Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ (Điều 25); Thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên (Điều 26). Trong phạm vi bài viết, tác giả phân tích trường hợp thi hành mệnh lệnh của chỉ huy hoặc cấp trên, qua đó chỉ ra những quy định còn vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện pháp luật.

Cụ thể, Điều 26 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về việc thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên thuộc một trong những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự. Theo đó, người thực hiện hành vi gây thiệt hại trong khi thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên trong lực lượng vũ trang nhân dân để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh nếu đã thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh nhưng người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành mệnh lệnh đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này người ra mệnh lệnh phải chịu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, quy định này không áp dụng đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 421, khoản 2 Điều 422 và khoản 2 Điều 423 của Bộ luật này.

Điều kiện áp dụng loại trừ trách nhiệm hình sự

Theo quy định trên, điều kiện để được loại trừ trách nhiệm hình sự trong trường hợp thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên phải thỏa mãn các dấu hiệu:

Thứ nhất, chỉ những người trong lực lượng vũ trang mới là đối tượng được hưởng chế định này. Theo đó, Điều 23 Luật Quốc phòng năm 2018 thì lực lượng vũ trang bao gồm Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và Dân quân tự vệ.

Thứ hai, mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên phải là mệnh lệnh nhằm thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng được quy định trong Luật Quốc phòng năm 2018, Luật An ninh quốc gia năm 2004.

Thứ ba, người được loại trừ trách nhiệm hình sự khi đã báo cáo người ra mệnh lệnh về nguy cơ gây thiệt hại nếu chấp hành mệnh lệnh nhưng người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành. Trong trường hợp này, người ra mệnh lệnh phải chịu trách nhiệm hình sự.

Đối với các hành vi phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại khoản 2 các Điều 421, 422, 423 Bộ luật Hình sư 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì người thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc cấp trên không được loại trừ trách nhiệm hình sự.

Một số bất cập 

Về “quy trình báo cáo” giữa người thi hành mệnh lệnh với người ra mệnh lệnh điều luật quy định “… nếu đã thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh nhưng người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành mệnh lệnh đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này người ra mệnh lệnh phải chịu trách nhiệm hình sự”.

Vấn đề đặt ra là việc thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo như điều luật quy định chưa cụ thể, chưa rõ ràng, bởi vì quy trình báo cáo có thể thực hiện bằng văn bản hoặc thực hiện bằng lời nói trực tiếp. Trong trường hợp thực hiện quy trình báo cáo bằng lời nói trực tiếp, không có văn bản chứng minh sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người thi hành mệnh lệnh.

Ví dụ, trong khi thực hiện nhiệm vụ đột xuất, cấp bách bắt buộc phải thực hiện ngay. Người thi hành mệnh lệnh đã nhanh chóng báo cáo người chỉ huy ra mệnh lệnh nhưng không có người chứng kiến sự việc báo cáo đó. Giả thiết trong một vụ việc cụ thể, khi sự việc xảy ra, người ra mệnh lệnh không nhận trách nhiệm về mình và quy trách nhiệm cho rằng người thi hành mệnh lệnh chưa báo cáo mà đã tự ý thi hành mệnh lệnh thì trách nhiệm hình sự thuộc về người thi hành mệnh lệnh nếu họ không chứng minh được sự việc báo cáo giữa họ với người chỉ huy. Từ giả thiết nêu trên cho thấy vướng mắc, bất cập của quy định pháp luật.

Ngoài ra, tìm hiểu về chế định trên, theo quy định của Bộ luật Hình sự, đối với trường hợp người thi hành mệnh lệnh không biết việc thi hành mệnh lệnh của chỉ huy giao sẽ gây ra thiệt hại nên đã không thực hiện quy trình báo cáo, mặc dù có thể thấy hoặc buộc phải biết trước hành vi đó sẽ gây ra thiệt hại thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, theo vẫn có những trường hợp ngoại lệ đặc biệt khác.

Ví dụ, thực hiện nhiệm vụ trong tình hình căng thẳng, áp lực nên họ không biết được sẽ gây ra thiệt hại mặc dù có thể thấy trước hoặc buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó? Vậy, xuất phát từ ngành nghề đặc thù trong khi thực hiện nhiệm vụ, những trường hợp đặc biệt này có thể có quy định riêng để được loại trừ trách nhiệm hình sự không nếu không thuộc trường hợp “Sự kiện bất ngờ” theo Điều 20 Bộ luật Hình sự.

Nhằm bảo đảm tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc phục tùng đối với mệnh lệnh, quyết định trong lực lượng vũ trang nhân dân, bảo đảm tính kỷ luật, sức mạnh của lực lượng vũ trang, đồng thời cũng loại trừ trách nhiệm hình sự. Bộ luật hình sự đã quy định trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự khi thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên. Qua nghiên cứu, từ những phân tích trên, tác giả thấy rằng quy định này còn tồn tại những vướng mắc nhất định. Chính vì vậy, trong thời gian tới, cơ quan có thẩm quyền cần ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng cụ thể.

              PHÙNG VĂN HOÀNG

                                  Tòa án quân sự Quân khu 1

Pháp luật về xử lý tài chính khi tái cấu trúc ngân hàng thương mại thông qua hoạt động mua bán và sáp nhập