(LSO) - Trộn bê tông trong hố đất khiến bề mặt công trình bị bong, rỗ do lẫn tạp chất; hệ thống hơn 8km đường vừa hoàn thiện chạy dọc chân núi không có rãnh thoát nước, lan can bảo hộ... nhưng công trình đường giao thông xã Bản Sen vẫn được đánh giá là đảm bảo chất lượng?
Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường trung tâm xã Bản Sen (đoạn từ cảng Hòn Hai đến thôn Bản Sen), được duyệt với quy mô chiều dài 12,6km, rộng 6,5m, mặt đường bê tông dày 20cm, với tổng mức đầu tư 89,29 tỷ đồng (sau đó điều chỉnh lên 125,182 tỷ đồng).
Để thực hiện dự án, UBND huyện Vân Đồn giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Vân Đồn làm chủ đầu tư. Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Đại An là nhà thầu thi công với giá trúng thầu với giá 77,634 tỷ đồng (lên 105,994 tỷ đồng sau điều chỉnh), thời gian thi công từ 19/11/2018 – 31/12/2020.
Phương pháp thi công "mới"
Đến thời điểm hiện tại, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Đại An vẫn đang thi công và đã hoàn thiện hơn 8km đường trên tổng số 12,6km quy mô dự án, nhưng đã có nhiều phản ánh của người dân nơi đây bày tỏ lo ngại về chất lượng công trình.
Theo người dân, chỉ sau vài trận mưa trên tuyến đường đã thi công xong có nhiều cục đất lớn lẫn với lớp bê tông của mặt đường, có những cục to bằng nắm tay. Khi gặp mưa, đất bị trôi đi để lại những lỗ to nhỏ lỗ chỗ trên mặt đường bê tông.
Cho rằng Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Đại An thi công kém chất lượng, có dấu hiệu rút ruột công trình, người dân đã quay lại toàn bộ sự việc.
Nguyên nhân bê tông có lẫn những cục đất được cho là xuất phát từ khâu trộn bê tông, mà cụ thể là từ phương pháp trộn khác biệt của nhà thầu, đó là trộn bê tông trong hố đất. Theo đó, nhà thầu đào một hố đất, đổ đá, xi măng xuống rồi dùng máy rung, xe gầu để trộn. Trong quá trình này có thể đất cát, chất bẩn, phế thải dễ dàng trộn lẫn với bê tông thành phẩm được sử dụng để đổ bê tông mặt đường.
Sau khi biết được sự cố, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Đại An đã cho tiến hành khắc phục bằng cách cho công nhân dùng bê tông vá lại những chỗ rỗ trên mặt đường. Việc khắc phục được diễn ra… trong đêm?.
Ngoài ra, chất lượng thi công công trình còn đáng lo ngại ở chỗ mặt đường đã hoàn thành hơn 8km nhưng phần lớn không hề có hệ thống mương, cống thoát nước. Do đặc điểm địa hình đồi núi, chỉ sau một trận mưa lớn, dòng nước chảy mạnh từ trên cao xói thẳng vào chân móng đường, tạo nên những khe hở “hàm ếch”, thậm chí khoét vào bên trong nền móng.
Ngoài ra, trên toàn bộ đoạn đường đã hoàn thành dù nhiều đoạn đi qua vách núi, vực thẳm, sông suối hoặc những khúc cua gấp nhưng không hề có biển báo, rào chắn ven đường. Đây thực sự là mối hiểm họa tiềm ẩn cho người dân khi tham gia giao thông. UBND xã Bản Sen đã nhiều lần yêu cầu nhà thầu thực hiện cắm biển cảnh báo nguy hiểm, làm rào chắn để đảm bảo an toàn nhưng nhà thầu không thực hiện.
Về chất lượng công trình, theo một chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng cầu đường cho biết, việc nhà thầu sáng tạo ra phương pháp trộn bê tông trong hố đất được đào tạm bợ là một phương pháp “mới lạ”, đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc bê tông bị lẫn đất, tạp chất khiến chất lượng công trình không đảm bảo.
Vị này cũng cho rằng, việc nhà thầu cho “vá víu” những chỗ “rỗ tổ ong” trên mặt đường chỉ là biện pháp khắc phục tình thế, dùng xi măng đem vá với bê tông mặt đường dù thế nào chăng nữa cũng sẽ không tạo độ kết dính tốt như bê tông liền khối ban đầu. Đơn vị thi công cần tuân thủ thiết kế công trình, mọi thay đổi thiết kế đều phải được chủ đầu tư phê duyệt.
Có đảm bảo kỹ thuật?
Trước sự việc trên, ngày 14/8/2020, UBND huyện Vân Đồn có Công văn số 1954/UBND-VP chỉ đạo Phòng Kinh tế - Hạ tầng chủ trì, kết hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng, UBND xã Bản Sen, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Đại An, Công ty Cổ phần đầu tư An Qúy Phát – LAS – XD 1752 (được mời) tổ chức làm việc tại hiện trường thi công dự án để lấy mẫu đối chứng, kiểm định chất lượng, thí nghiệm khả năng chịu lực của kết cấu công trình.
Kết quả kiểm tra hiện trạng, tại 2 vị trí mà người dân nghi ngờ về chất lượng cho thấy kích thước dài rộng, độ dày lớp bê tông phủ mặt đường và mác bê tông (khoan thử lấy mẫu – có kết quả thí nghiệm xác định cường độ chịu nén bê tông của LAS – XD 1752) cao hơn so với yêu cầu thiết kế được phê duyệt.
Từ kết quả kiểm tra trên, đoàn liên ngành của UBND huyện Vân Đồn xác định: “Quy mô kích thước chiều rộng, chiều dày mặt đường và chất lượng bê tông mặt đường đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật theo hồ sơ thiết kế đã phê duyệt”.
Ngoài ra, theo Biên bản làm việc ngày 21/8/2020, Công ty CP đầu tư An Qúy Phát (được mời) không có người đại diện, không ký Biên bản làm việc nhưng lại phát hành “Kết quả thí nghiệm xác định cường độ chịu nén bê tông số 01/25/8/2020” với nhận xét cường độ chịu nén bê tông đạt mác thiết kế?.
Thậm chí, Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và tư vấn giám sát giao thông Quảng Ninh là đơn vị tư vấn thiết kế có trách nhiệm giám sát thi công công trình nhưng không có trong Biên bản tổ chức lấy mẫu xét nghiệm.
Trước nghi ngờ về chất lượng Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường trung tâm xã Bản Sen (từ cảng Hòn Hai đến thôn Bản Sen) tại xã Bản Sen, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc kiểm tra, xác minh làm rõ.
Kiểm định chất lượng công trình giao thông như thế nào? Theo quy định hiện hành, việc kiểm định chất lượng công trình giao thông được thực hiện theo Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng; Thông tư số 26/2016/TT-BXD ngày 26/10/2016 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng; Thông tư số 04/2019/TT-BXD ngày 16/8/2019 (sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2016/TT-BXD) và những văn bản pháp lý liên quan. |
PV