/ Luật sư - Bạn đọc
/ Quay phim khi đang thực hiện giãn cách xã hội: Có vi phạm Chỉ thị số 16 của Chính phủ?

Quay phim khi đang thực hiện giãn cách xã hội: Có vi phạm Chỉ thị số 16 của Chính phủ?

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Nếu đối chiếu với các quy định của pháp luật hiện hành và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Công thương; quyết định của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội thì rõ ràng hoạt động tập trung trên 2 người ở nơi công cộng để đóng phim trong thời gian giãn cách là không phù hợp.

Phim ảnh nói chung là một món ăn tinh thần có giá trị cao, là hình thức giải trí hữu hiệu cho khán giả. Thời quan gần đây, trên truyền hình đang chiếu những bộ phim như “Hương vị tình thân”, “Ngày mai bình yên”, “Những ngày không quên” không chỉ có giá trị giải trí mà nó mang đến nhiều bài học ý nghĩa về cuộc sống khi mà xoay quanh những mối quan hệ gia đình, hôn nhân, tình yêu trong xã hội hiện đại. 

Qua tìm hiểu được biết, số lượng đoàn làm phim mỗi lần đi quay hiện nay khoảng 30 thành viên, thậm chí có đoàn hơn 50 thành viên, đây là số lượng người không nhỏ khi mà TP. Hà Nội đang thực hiện việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Quay phim không phải là hoạt động cấp thiết

Luật sư Nguyễn Tiến Trung, Giám đốc Công ty Luật Trung Nguyễn cho biết, tại Văn bản số 2601/VPCP-KGVX (Văn bản 2601) ngày 03/4/2020 của Văn phòng Chính phủ hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 16 cũng quy định cụ thể những hoạt động nào là cấp thiết, trong đó không bao gồm hoạt động về quay phim.

Như vậy, hoạt động quay phim không phải là hoạt động cấp thiết khi mà TP. Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 17/CT-UBND (Chỉ thị 17) của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội và Chỉ thị số 16/CT-TTg (Chỉ thị 16) của Thủ tướng Chính phủ.

Luật sư Nguyễn Tiến Trung, Giám đốc Công ty Luật Trung Nguyễn. 

Cũng theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ và Văn bản số 2601 nêu trên thì mọi người dân ở tại nhà… không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện, tại nơi công cộng và hoạt động quay phim không phải là hoạt động cấp thiết.

Do vậy, khi đoàn làm phim thực hiện hoạt động đóng phim tại địa phương đang trong thời gian giãn cách xã hội mà chưa được sự chấp nhận bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền là vi phạm Chỉ thị số 16.

Ngoài ra, trong trường hợp đoàn làm phim được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền về hoạt động quay phim tại địa phương đang trong thời gian giãn cách xã hội thì vẫn cần thiết tuân thủ đầy đủ các quy định, biện pháp về phòng, chống dịch để đảm bảo an toàn cho từng thành viên trong đoàn làm phim cũng xã hội như: rút gọn thành phần làm phim, giản lược về nhân sự; xịt kháng khuẩn toàn cơ thể đối với từng thành viên trong đoàn, xét nghiệm Covid-19 đối với từng thành viên theo đúng quy định; các thành viên trong đoàn giữ khoảng cách nhất định với nhau, ngoại trừ diễn viên lúc quay phim thì đoàn phim thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang và đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc 5K của Bộ Y tế.

Không nên tuỳ tiện, dễ dãi có ngoại lệ

Luật sư Đào Thị Liên, Công ty Luật Tiền Phong.

Luật sư Đào Thị Liên, Công ty Luật Tiền Phong cho rằng, cần phân biệt hoạt động sản xuất phim với hoạt động báo chí. Trước hết, báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân (Điều 4 Luật Báo chí). Do vậy, trong Chỉ thị 16 cũng nêu rõ, cơ quan báo chí tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền ủng hộ chủ trương bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Tức là Chính phủ luôn coi trọng hoạt động thông tin, tuyên truyền của báo chí trong công tác phòng, chống dịch Covid 19.

Hoạt động báo chí là hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí, sản phẩm báo chí, sản phẩm thông tin có tính chất báo chí; cung cấp thông tin và phản hồi thông tin cho báo chí; cải chính thông tin trên báo chí; xuất bản, in, phát hành báo in; truyền dẫn báo điện tử và truyền dẫn, phát sóng báo nói, báo hình (Điều 3 Luật Báo chí). Chỉ những người được cấp thẻ nhà báo mới được hoạt động báo chí (Điều 28 Luật Báo chí). Người quay phim, đạo diễn phim không thuộc đối tượng được cấp thẻ nhà báo (Điều 26 Luật Báo chí).

Như vậy, hoạt động sản xuất phim mang tính nghệ thuật, giải trí không được coi là hoạt động báo chí. Hoạt động sản xuất, đóng phim không được coi là hoạt động thiết yếu và không được phép hoạt động trong những ngày giãn cách xã hội. 

Luật sư Đào Thị Liên cũng lưu ý rằng, ngoài Văn bản số 2601, danh mục hàng hoá, dịch vụ thiết yếu đã được quy định cụ thể tại Điều 4 Luật Giá 2012 như sau: “Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu là những hàng hóa, dịch vụ không thể thiếu cho sản xuất, đời sống, quốc phòng, an ninh, bao gồm: nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, dịch vụ chính phục vụ sản xuất, lưu thông; sản phẩm đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người và quốc phòng, an ninh”. Như vậy, hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ tại Văn bản số 2601 không nằm ngoài quy định trong điều luật này.

Bộ Công thương cũng có Văn bản 4481/BCT-TTTN ngày 27/7/2021 hướng dẫn cụ thể hơn về hàng hoá, dịch vụ thiết yếu. Theo đó, hoạt động sản xuất phim, đóng phim không nằm trong danh mục nhóm ngành hàng hoá, dịch vụ được hoạt động.

Ngoài ra, Văn bản số 2601 cũng quy định rõ về trách nhiệm của các nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hoá thiết yếu cụ thể như sau:

“2. Người đứng đầu các cơ sở nêu trên chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các biện pháp chống dịch, trong đó có các biện pháp:

a) Thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư phòng, chống dịch theo quy định, khuyến cáo của cơ quan y tế;

b) Yêu cầu người lao động khai báo y tế, tuân thủ các biện pháp hạn chế di chuyển, tiếp xúc, giao tiếp;

c) Tạm dừng các hoạt động không cấp bách, giảm mức độ tập trung người lao động;

d) Tổ chức, quản lý chặt chẽ việc đưa đón người lao động (nếu có) đến nơi làm việc bảo đảm ngăn ngừa rủi ro lây nhiễm dịch bệnh.

Trường hợp không bảo đảm các yêu cầu nêu trên thì phải dừng hoạt động. Cơ quan y tế địa phương hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc phòng, chống dịch tại các cơ sở nêu trên. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định và công bố công khai loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh, công trình phải tạm đình chỉ hoạt động”.

Luật sư Đào Thị Liên nhận định, ngay cả trường hợp dù được phép hoạt động thì khả năng cao đơn vị sản xuất phim cũng không đảm bảo quy định tại mục 2.a Văn bản số 2601/VPCP-KGVX.

Bên cạnh đó, nếu đối chiếu với các quy định của pháp luật hiện hành và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Công thương; quyết định của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội thì rõ ràng hoạt động tập trung trên 2 người ở nơi công cộng để đóng phim trong thời gian giãn cách là không phù hợp.

Dù cũng không rõ là có ngoại lệ nào trong trường hợp này không, nhưng cá nhân Luật sư Liên cho rằng, tất cả mọi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đều phải thực sự tôn trọng và tuân thủ tuyệt đối các quy định về giãn cách xã hội. Không nên tuỳ tiện dễ dãi có ngoại lệ. Trường hợp có ngoại lệ thì phải có ý kiến của Thủ tướng và/hoặc Văn phòng Chính phủ là cơ quan có thẩm quyền ban hành các chỉ đạo về giãn cách xã hội.

Về chế tài đối với hành vi vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh, theo quy định tại Nghị định 117/2020/NĐ-CP của chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế:

(i) Không đeo khẩu trang là hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế thì sẽ bị phạt tiền từ 01 triệu đồng đến 03 triệu đồng (khoản 1 Điều 12).

(ii) Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng (khoản 3 Điều 12).

 (iii) Không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thì sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng (Điều 14).

Mức phạt trên là áp dụng đối với cá nhân, đối với hành vi vi phạm của tổ chức thì sẽ bị phạt gấp 2 lần.

Ngoài ra, trong trường hợp hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chồng dịch bệnh mà gây ra hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị xử lý hình sự. Điều 240 Luật Hình sự 2015 quy định, người nào có hành vi làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người thì có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm; nếu làm chết người thì có thể bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

Ý NHƯ

Thủ tướng giao Bộ Y tế kiểm tra chất lượng, cấp phép thêm 01 vaccine Covid-19

Lê Minh Hoàng