/ Pháp luật - Đời sống
/ Quấy rối tình dục: Dễ phát sinh nhưng khó xử lý

Quấy rối tình dục: Dễ phát sinh nhưng khó xử lý

20/04/2024 12:32 |

(LSVN) - Dưới góc độ pháp lý thì quấy rối tình dục là hành vi vi phạm pháp luật, những người có hành vi quấy rối tình dục thì sẽ bị xử phạt ít nhất là 5.000.000 đồng và nếu nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, những hành vi vi phạm thì nhiều nhưng những người bị xử lý thì chưa bởi tâm lý e ngại xấu hổ của nạn nhân và việc thu thập chứng cứ để chứng minh có hành vi vi phạm pháp luật là rất khó khăn, đặc biệt là những hành vi không để lại dấu vết trên cơ thể nạn nhân.

Ảnh minh họa.

Quấy rối tình dục là khái niệm được sử dụng khá phổ biến trong các lĩnh vực tâm lý, văn hóa, xã hội. Tuy nhiên, ở góc độ pháp lý thì pháp luật Việt Nam ít sử dụng khái niệm quấy rối tình dục để xác định đó là hành vi vi phạm pháp luật mà áp dụng chế tài. Hành vi quấy rối tình dục nhìn nhận dưới góc độ pháp lý thể hiện biểu hiện cụ thể bằng các hành vi như trêu ghẹo, xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác, dâm ô, cưỡng dâm, hiếp dâm... Pháp luật Việt Nam quy định đây là những hành vi vi phạm pháp luật và tùy vào tính chất mức độ của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người thực hiện hành vi quấy rối tình dục sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Quấy rối tình dục là khái niệm bắt đầu được sử dụng trong các văn bản quy phạm pháp luật như trong lĩnh vực lao động (hành vi quấy rối tình dục nơi làm việc có thể bị phạt tới 30.000.000 đồng), an ninh trật tự và sử dụng nhiều trong lĩnh vực tâm lý, văn hóa xã hội. Theo đó, để xác định thế nào là hành vi quấy rối tình dục thì vẫn còn có những quan điểm khác nhau. Hiểu một cách chung nhất thì quấy rối tình dục thì đó là hành vi có tính chất khơi gợi những ham muốn, cảm xúc về tình dục của người thực hiện hành vi nhưng nạn nhân bị quấy rối không mong muốn, hành vi quấy rối tình dục tác động trực tiếp đến cảm xúc, tâm lý của nạn nhân khiến cho người bị quấy rối cảm thấy xấu hổ, ngại ngùng, thậm chí tổn thương, sợ hãi.

Hành vi quấy rối tình dục thể hiện rất đa dạng, có thể là thể hiện thông qua lời nói, cử chỉ hoặc có thể là tiếp xúc cơ thể hoặc có những hành vi khiếm nhã vào những phần nhạy cảm của người khác gây ra cảm giác khó chịu, người thực hiện các hành vi này thường là những người có nhận thức văn hóa hạn chế, có ý thức coi thường pháp luật, coi thường danh dự nhân phẩm của người khác. Cũng có những trường hợp đối tượng thực hiện hành vi quấy rối tình dục là người có tình cảm đối với nạn nhân, vì không được đáp lại tình cảm nên đã bộc lộ tình cảm của mình một cách bạo lực, xem nhẹ mong muốn thái độ của nạn nhân, thể hiện tính ích kỷ và ý thức coi thường nhân phẩm của người khác. Ngoài ra, cũng có nhiều trường hợp đối tượng thực hiện hành vi quấy rối tình dục là do ý thức coi thường pháp luật, coi thường nhân phẩm của người khác, chỉ mong muốn thỏa mãn cảm xúc về tình dục của bản thân. 

Cuộc sống hiện đại khiến các mối quan hệ tình cảm cũng cởi mở hơn, con người dễ bộc lộ cảm xúc của mình hơn, tuy nhiên nhiều người thiếu tế nhị, ứng xử thiếu văn hóa dẫn đến những hành vi có tính chất tình dục gây phiền hà xấu hổ, sợ hãi cho người khác diễn ra ngày càng nhiều hơn, đặc biệt là trong những môi trường lao động, đông người hoặc ở những nơi công cộng.

Là một Luật sư tham gia tranh tụng trong các vụ án hình sự, đồng thời là Ủy viên Ban chấp hành Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam. Bản thân tôi tiếp quản rất nhiều thông tin của nạn nhân về việc mình bị quấy rối tình dục. Sự việc xảy ra không chỉ đối với trẻ em, với phụ nữ mà ngay cả đối với học sinh nam, đàn ông cũng có thể bị quấy rối tình dục bởi người đồng tính và những người trưởng thành. 

Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 và hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam liên tục tiếp nhận những thông tin về việc trẻ em bị quấy rối, bị xâm hại tình dục, rất nhiều vụ việc đã được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng, cơ quan chức năng vào cuộc đã khởi tố và các Luật sư tham gia các vụ án đó để bảo vệ trẻ em. Ngoài ra, những tình huống sinh viên làm thêm, các bạn trẻ mới ra trường đi làm việc cũng dễ bị quấy rối tình dục, do trẻ tuổi, thiếu kinh nghiệm sống và môi trường làm việc mới, có nhiều đối tượng coi thường pháp luật đã có những hành vi quấy rối, thậm chí là xâm hại tình dục. Mỗi vụ việc đều có những nguyên nhân khác nhau, diễn biến hành vi và hậu quả có thể khác nhau, tuy nhiên, điểm chung là đối tượng thực hiện hành vi có ý thức coi thường pháp luật, coi thường danh dự nhân phẩm của người khác hoặc do bị tác động bởi yếu tố bệnh lý, tác động bởi lối sống thiếu lành mạnh, tiếp cận nhiều đối với văn hóa phẩm đồi trụy. Đồng thời, trong những vụ việc này thì nạn nhân bị tổn hại nghiêm trọng về tâm lý, sức khỏe, có thể ảnh hưởng đến tương lai hạnh phúc. Bởi vậy, mỗi vụ việc qua đi là những bài học, những trăn trở trong công tác bảo vệ trẻ em, bảo vệ quyền con người, quyền công dân trước nạn xâm hại tình dục ngày càng diễn biến phức tạp.

Đánh giá ở góc độ pháp lý thì hành vi quấy rối tình dục là hành vi vi phạm pháp luật, tùy vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người thực hiện hành vi quấy rối tình dục sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với hành vi quấy rối tình dục bằng lời lẽ, cử chỉ có tính chất tình dục, gây tổn thương đến tâm lý của nạn nhân thì người thực hiện hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt có thể tới 8.000.000 đồng theo quy định tại Điều 7, Nghị định 144/2021/NĐ-CP của chính phủ. Cụ thể, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong những hành vi: Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Sàm sỡ, quấy rối tình dục; Khiêu dâm, kích dục ở nơi công cộng.

Trường hợp hành vi quấy rối tình dục được thực hiện nơi làm việc thì người thực hiện hành vi này có thể bị xử phạt đến 30.000.000 đồng. Cụ thể, hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng theo quy định tại khoản 3, Điều 11, Nghị định 12/2022/NĐ-CP. Trường hợp hành vi quấy rối tình dục là xúc phạm nghiêm trọng danh dự nhân phẩm của người khác thì có thể bị xử lý hình sự về tội "Làm nhục người khác" theo quy định tại Điều 155, Bộ luật Hình sự. Bên cạnh đó, nếu hành vi quấy rối là người đã đủ 18 tuổi có hành vi dâm ô với người chưa đủ 16 tuổi thì sẽ bị xử lý hình sự về tội "Dâm ô với người dưới 16 tuổi". Ngoài ra, hành vi quấy rối tình dục ở mức độ muốn quan hệ tình dục với nạn nhân bằng cách sử dụng vũ lực, bạo lực thì có thể bị xử lý hình sự về tội "Hiếp dâm" hoặc tội "Cưỡng dâm" theo từng tình huống cụ thể và mức hình phạt sẽ rất nghiêm khắc. 

Như vậy, có thể thấy rằng dưới góc độ pháp lý thì quấy rối tình dục là hành vi vi phạm pháp luật, những người có hành vi quấy rối tình dục thì sẽ bị xử phạt ít nhất là 5.000.000 đồng và nếu nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, những hành vi vi phạm thì nhiều nhưng những người bị xử lý thì chưa bởi tâm lý e ngại xấu hổ của nạn nhân và việc thu thập chứng cứ để chứng minh có hành vi vi phạm pháp luật là rất khó khăn, đặc biệt là những hành vi không để lại dấu vết trên cơ thể nạn nhân. 

Khi bản thân có nguy cơ bị xâm hại tình dục thì cần phải có thái độ dứt khoát, có cảnh báo với đối tượng đồng thời lưu giữ chứng cứ để có thể trình báo sự việc với cơ quan chức năng ở thời điểm thích hợp. Cần phải có kĩ năng sống, kỹ năng xử lý tình huống có vấn đề. Khi bản thân có nguy cơ bị quấy rối tình dục thì không nên đi một mình, tiếp xúc một mình với người có ý định thực hiện hành vi quấy rối, cần có những sự phòng bị bằng cách ghi âm, ghi hình, có những phương tiện thiết bị bảo vệ bản thân, thông tin thường xuyên với người thân. Nếu trong tình huống nguy hiểm thì có thể kêu cứu và trình báo sự việc với cơ quan chức năng. Trong trường hợp thấy môi trường không lành mạnh, nguy hiểm thì có thể thay đổi nơi làm việc, nơi học tập và cảnh báo sự việc với cộng đồng, trình báo sự việc với cơ quan chức năng để xử lý đối với đối tượng biến thái, ý thức coi thường pháp luật. 

Bảo vệ nạn nhân bị xâm hại tình dục không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ pháp luật mà còn là trách nhiệm của cộng đồng. Hành vi tiết lộ thông tin nhân thân của nạn nhân là hành vi vi phạm pháp luật. Bởi vậy, nạn nhân bị xâm hại tình dục hoàn toàn có thể yên tâm về góc độ pháp lý. Nếu ai đó tiết lộ thông tin cá nhân của nạn nhân bị xâm hại tình dục, của người tố cáo thì người đó sẽ bị xử lý trước pháp luật. Xã hội càng văn minh thì tự do cá nhân càng được đề cao. Bởi vậy, trong xã hội hiện nay thì nạn nhân hoàn toàn không sợ bị kỳ thị, bị miệt thị do trở thành nạn nhân của các đối tượng xâm hại tình dục.  Dũng cảm đối mặt, đưa sự việc ra ánh sáng là việc làm cần thiết để bảo vệ bản thân cũng như bảo vệ những người xung quanh. Chỉ có đưa sự việc ra trên pháp luật thì đối tượng thực hiện hành vi xâm hại tình dục mới phải trả giá trước pháp luật và giảm bớt những nạn nhân tiếp theo có thể phát sinh. 

Pháp luật Việt Nam hiện nay có đầy đủ cơ chế, chế tài để xử lý đối với những hành vi xâm hại tình dục cũng như gây tổn thương đến nạn nhân. Những người có suy nghĩ hành vi tiêu cực, có thái độ thiếu chuẩn mực đối với nạn nhân là những suy nghĩ hành động lạc hậu, sẽ bị xã hội cười chê, lên án và có thể còn bị xử lý trước pháp luật. 

Tiến sĩ, Luật sư ĐẶNG VĂN CƯỜNG

Đoàn Luật sư TP. Hà Nội

Mối liên hệ giữa các tội danh vi phạm quy định về đấu thầu và đưa hối lộ, nhận hối lộ

Nguyễn Hoàng Lâm