Ảnh minh họa.
Cụ thể, sáng 20/10, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã trình bày báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Trong đó, báo cáo nêu ra loạt vấn đề "nóng" được người dân, dư luận quan tâm trong thời gian qua như việc xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước không sát thực tế; chi ngân sách Nhà nước, tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển chậm; thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu còn nhiều biến động, tiềm ẩn rủi ro…
Đáng chú ý, về tình hình thị trường xăng dầu trong bối cảnh nguồn cung hạn chế, nhiều cây xăng đóng cửa, hoặc bán hàng nhỏ giọt, Ủy ban Kinh tế nhận định, từ đầu năm đến giữa năm, giá xăng dầu trong nước liên tục tăng lên mức kỷ lục, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp và đời sống người dân.
Có ý kiến cho rằng, đà tăng lạm phát của Việt Nam có độ trễ so với thế giới do Việt Nam mở cửa chậm hơn và phản ứng chính sách trễ hơn. Do đó, lạm phát dự báo sẽ có xu hướng tiếp tục tăng cao và có thể đạt đỉnh vào nửa đầu năm và sau đó giảm dần về cuối năm.
Tuy nhiên, báo cáo cũng nêu rõ, lạm phát thời gian tới sẽ chịu áp lực tăng từ nhiều yếu tố, trong đó có sự phục hồi của cầu tiêu dùng, giải ngân đầu tư công; áp lực từ tỉ giá; việc triển khai mạnh hơn các chính sách trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng như tác động của điều chỉnh giá các dịch vụ công theo lộ trình.
Cũng theo Ủy ban Kinh tế, có ý kiến cho rằng, việc tăng giá xăng dầu trong năm qua có nguyên nhân quan trọng từ thiếu hụt nguồn cung trong nước; tỉ lệ chiết khấu không phù hợp, giá mua cao hơn giá bán khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thua lỗ, dẫn tới tình trạng nhiều cửa hàng xăng dầu phải thường xuyên đóng cửa hoặc khống chế lượng xăng dầu bán cho khách hàng.
Theo đó, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị làm rõ thực trạng cung cấp xăng dầu; phân tích nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan trong công tác điều hành giá xăng dầu để rút ra bài học kinh nghiệm và có giải pháp ứng phó kịp thời, phù hợp khi giá xăng dầu thế giới nhiều khả năng tiếp tục có những diễn biến bất lợi trong tương lai.
Đồng thời, làm rõ các tồn tại trong công tác chỉ đạo điều hành và kiểm soát giá các mặt hàng thiết yếu; khi giá xăng dầu giảm, giá cả nhiều mặt hàng vẫn neo cao, đặc biệt là các mặt hàng đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, lương thực, thực phẩm… ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.
NGUYÊN VŨ
Từ hôm nay người dân có thể sử dụng CCCD điện tử để thực hiện thủ tục hành chính