Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng ngày 29/9. Ảnh: VNN.
Theo đó, tại cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng ngày 29/9, nhiều ý kiến cử tri đã đề nghị Quốc hội nghiên cứu cơ chế định giá thuốc, đảm bảo cung ứng đủ thuốc khám chữa bệnh; hoàn thiện cơ chế đấu thầu thuốc, bảo đảm công khai, minh bạch để người được giao nhiệm vụ đấu thầu không dám làm sai và cũng yên tâm không làm sai. Đồng thời, bảo đảm quyền lợi cho người nghèo khi được mua thuốc với giá hợp lý.
Nêu thực tế ngành y tế đang bị chảy máu chất xám, các cử tri cũng đề nghị Nhà nước quan tâm hơn nữa đến chế độ, chính sách cho đội ngũ y bác sỹ, cán bộ ngành y tế. Đồng thời, cũng mong muốn Quốc hội tăng cường giám sát về bảo vệ môi trường, nhất là giám sát để ngăn chặn hiệu quả nạn phá rừng, xả thải trực tiếp ra môi trường của các khu công nghiệp, nhà máy...
Bên cạnh đó, khi xây dựng các luật, bộ luật phải tích hợp, đồng bộ để bảo đảm giảm thủ tục hành chính, bảo đảm dễ thực thi, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Theo đó, các cử tri kiến nghị Ủy ban Pháp luật cần có phần mềm rà soát, đánh giá việc tích hợp các thủ tục hành chính của các dự luật với hệ thống pháp luật hiện có để bảo đảm các luật mới được ban hành không chồng chéo, mâu thuẫn, đồng thời tích hợp tối đa các thủ tục hành chính.
Giải đáp các kiến nghị của cử tri, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, về cơ chế định giá thuốc và đấu thầu thuốc phải bảo đảm 03 yêu cầu rất quan trọng là nguồn cung; chất lượng, chống hàng giả và giá cả phải hợp lý. Quy định của Luật Dược và trong điều hành cụ thể của Chính phủ cũng đều cố gắng bảo đảm 03 nguyên tắc này.
Tuy nhiên, thời gian qua, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, trong đó có cả vấn đề thiếu nguồn cung nên đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Vì thế, tại Nghị quyết kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, Quốc hội đã giao Chính phủ “tháo gỡ các vướng mắc, bất cập để triển khai đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị vật tư y tế”.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã vào cuộc rất quyết liệt để cùng các cấp, các ngành để xử lý vấn đề này. Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, báo cáo gần đây nhất của Bộ Y tế cho thấy, chúng ta đang từng bước tháo gỡ được khó khăn này. Tình trạng thiếu thuốc đã giảm và đã triển khai cơ chế đấu thầu thuốc tại Bộ Y tế.
Quốc hội cũng đã yêu cầu Chính phủ, Bộ Y tế rà soát lại các quy định của ngành y tế.
Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội cũng thông tin thêm, tại Kỳ họp thứ 04 tới, Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật Giá (sửa đổi) và dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Trong đó, Chính phủ đang đề xuất đưa thuốc vào mặt hàng Nhà nước định giá (trước đây, thuốc chỉ là mặt hàng kê khai giá) và đề xuất nhiều quy định nhằm tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý bảo đảm công khai, minh bạch để cán bộ vận hành theo đúng quy định, không sợ sai.
Quốc hội cũng đang yêu cầu Chính phủ tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 30 của Quốc hội về một số biện pháp đặc biệt, đặc cách, đặc thù phòng, chống dịch Covid-19 để đề xuất có tiếp tục gia hạn một số chính sách, trong đó có chính sách liên quan đến thuốc hay không. Quốc hội sẽ sửa đổi Luật Dược và nghiên cứu, xây dựng luật về trang thiết bị y tế.
Về tăng tiền lương, chế độ phụ cấp cho y bác sỹ, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc dịch chuyển lao động từ bộ phận công sang tư, tư sang công, lao động gia nhập hay rời bỏ thị trường là câu chuyện bình thường của thị trường lao động.
Tuy nhiên, hiện tượng cán bộ, công chức bỏ việc tăng lên bất thường thì phải nghiên cứu xem có vấn đề gì bất thường không, nhất là về thu nhập. Vì vậy, Quốc hội và Chính phủ đều đang đánh giá vấn đề này.
Riêng với y tế cơ sở, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chính phủ trình Bộ Chính trị xem xét việc tăng phụ cấp từ 40 – 70% nhưng Bộ Chính trị đã quyết định tăng lên 100%. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định để thực hiện.
Sang năm, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao về hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng để đánh giá kỹ lưỡng tình hình này. Khi ban hành Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi kinh tế, xã hội Quốc hội cũng đã dành 14 nghìn tỉ đồng cho việc tăng cường năng lực y tế cơ sở.
Về chính sách tiền lương đối với khu vực công, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, trong 03 năm gần đây, do các nguyên nhân khách quan, nhất là tác động của dịch bệnh Covid-19 đã khiến cho lộ trình cải cách tiền lương bị chậm lại.
Tuy nhiên, nhấn mạnh đây là vấn đề cấp thiết, theo đó Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tại Kỳ họp thứ 04 sẽ bàn về vấn đề này, trong điều kiện chưa thể cải cách căn bản tiền lương được nên chăng cũng cần điều chỉnh, tăng lương cơ sở.
Mức độ, liều lượng, thời gian điều chỉnh cụ thể như thế nào Quốc hội sẽ bàn kỹ với Chính phủ để báo cáo Trung ương có quyết sách về vấn đề này.
HOÀNG TRẦN
Một số bản mẫu sách giáo khoa còn nhiều lỗi chính tả, câu từ, hình ảnh...