Ảnh minh họa.
Chiều 16/6, trong phiên bế mạc, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết "Tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030".
Theo đó, quy hoạch là việc sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên lãnh thổ xác định để sử dụng hiệu quả các nguồn lực của đất nước phục vụ mục tiêu phát triển bền vững cho thời kỳ xác định.
Với tính chất quan trọng như vậy, quy hoạch là công cụ quản lý đầu tiên mà các cấp quản lý từ Chính phủ đến chính quyền các tỉnh phải xây dựng, ban hành làm cơ sở cho các hoạt động quản lý nhà nước tiếp theo. Tuy nhiên, việc ban hành Luật Quy hoạch 2017 và công tác triển khai từ đó đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc, hạn chế.
Trên cơ sở giám sát, Quốc hội ban hành Nghị quyết này, với hiệu lực ngay từ ngày ban hành 16/6/2022, cho phép Chính phủ triển khai một số công việc chưa được quy định hoặc khác với quy định của Luật Quy hoạch cũng như một số luật khác. Mục đích là đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch ở mọi cấp độ, từ quốc gia tới vùng, tỉnh, và từng ngành...
Chẳng hạn, Nghị quyết cho phép Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn để lập các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh mà đến thời điểm Nghị quyết này có hiệu lực thi hành chưa lựa chọn được nhà thầu.
Các cấp, các ngành được lập đồng thời các quy hoạch theo quy định về quy hoạch không chỉ trong Luật Quy hoạch mà cả các luật khác. Dù tập trung ưu tiên lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng hưng nếu quy hoạch nào được lập, thẩm định xong trước thì được quyết định hoặc phê duyệt trước. Mâu thuẫn giữa các quy hoạch sau đó nếu có thì sẽ điều chỉnh theo nguyên tắc quy hoạch cấp thấp hơn phải điều chỉnh theo quy hoạch cao hơn...
Luật Quy hoạch 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 yêu cầu một số loại quy hoạch trước đó nếu phải điều chỉnh thì phải tuân thủ theo Luật này. Nhưng vì bất cập trong công tác tổ chức triển khai nên Nghị quyết của Quốc hội cho phép các quy hoạch này được tiếp tục thực hiện, kéo dài thời kỳ và điều chỉnh nội dung theo các quy định cũ của pháp luật có liên quan, cho đến khi quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 theo Luật Quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt.
Để tháo gỡ nút thắt về kinh phí cho công tác quy hoạch, Quốc hội cho phép Chính phủ và các cấp, ngành sử dụng kinh phí chi thường xuyên để lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, điều chỉnh quy hoạch, với các công việc mà đến thời điểm Nghị quyết của Quốc hội này có hiệu lực thi hành mà chưa được bố trí vốn...
Ngoài những giải pháp có tính tạm thời để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai Luật Quy hoạch, Quốc hội giao Chính phủ tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Luật Quy hoạch và các nội dung có liên quan đến quy hoạch trong các luật, văn bản quy phạm pháp luật. Trên cơ sở đó khẩn trương trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch.
T.M