(LSVN) - Quản tài viên là một chế định mới trong Luật Phá sản Việt Nam năm 2014. Vì vậy, việc nghiên cứu so sánh quy định về quản tài viên của Việt Nam, Trung Quốc và Singapore nhằm tìm kiếm những sáng kiến lập pháp tốt để tiếp thu có chọn lọc vào Việt Nam, đồng thời tăng cường sự hiểu biết trong tiến trình hài hòa hóa pháp luật phá sản của Việt Nam với các các quốc gia trong khu vực là hết sức cần thiết.
1. Chế định quản tài viên
Chế định quản tài viên gắn liền với Luật phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. Quản tài viên (liquidator) là cá nhân hành nghề quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán trong quá trình giải quyết phá sản. Quản tài viên có thể hành nghề với tư cách cá nhân (private liquidator) hoặc hành nghề trong doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. Doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản chỉ được tồn tại dưới một trong hai hình thức là doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty hợp danh. Nếu là doanh nghiệp tư nhân thì chủ doanh nghiệp phải là quản tài viên. Nếu là công ty hợp danh thì phải có tối thiểu hai thành viên hợp danh là quản tài viên trong đó một thành viên phải là tổng giám đốc hoặc giám đốc công ty. Tuy nhiên, tại cùng một thời điểm, người có chứng chỉ hành nghề quản tài viên chỉ được đăng ký hành nghề hoặc ở một doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản hoặc với tư cách cá nhân.
Tương tự như ở Việt Nam, vai trò của quản tài viên chỉ đặt ra khi doanh nghiệp bị phá sản[1]. Theo Luật Phá sản doanh nghiệp của Trung Quốc[2] vị trí tương ứng với quản tài viên được gọi là quản trị viên. Theo đó, quản trị viên chưa được xem là một nghề độc lập bởi quản trị viên có thể là người của các sở ban ngành có liên quan hoặc một công ty luật, một công ty kế toán đã được cấp chứng nhận, một công ty thanh lý phá sản hoặc bất kỳ cơ quan trung gian công cộng nào được thành lập hợp pháp[3]. Cơ quan trung gian công cộng có thể là các hiệp hội (associations). Tòa án, dựa trên các điều kiện thực tế của một con nợ và sau khi tham khảo ý kiến của cơ quan trung gian có liên quan, sẽ chỉ định người có kiến thức chuyên môn cần thiết và có được trình độ hành nghề để làm quản trị viên. Như vậy, trong phá sản doanh nghiệp của Trung Quốc, quản trị viên có thể bao gồm cả viên chức, công chức nhà nước hoặc người của một cơ quan trung gian như hiệp hội thương mại (trade association). Giống như ở Việt Nam, trong giải quyết phá sản doanh nghiệp ở Trung Quốc, quản trị viên cũng có thể là một cá nhân (living person) hoặc một tổ chức (organization).
Theo Luật Công ty của Singapore[4], một công ty có thể bị đóng cửa ngừng hoạt động kinh doanh theo hai cách là hủy bỏ đăng ký hoặc thanh lý tài sản. Trong đó, việc thanh lý tài sản được chia thành ba loại: thanh lý tự nguyện theo thành viên công ty; thanh lý tự nguyện theo chủ nợ và thanh lý theo tòa án. Ngoại trừ việc hủy bỏ đăng ký công ty, còn các hình thức ngừng hoạt động khác của công ty đều cần đến vai trò của quản tài viên, ngay cả trong trường hợp giải thể tự nguyện[5]. Do pháp luật Singapore quy định có ba cách chấm dứt tồn tài và thanh lý tài sản doanh nghiệp khác nhau nên tương ứng cũng có những cách thức chỉ định quản tài viên khác nhau. Trường hợp công ty bị thanh lý theo yêu cầu tự nguyện của thành viên công ty, thì ngay khi các thành viên thông qua nghị quyết thanh lý công ty thì cũng đồng thời chỉ định quản tài viên. Giám đốc công ty sẽ có trách nhiệm thông báo thanh lý tài sản của công ty công khai tới những người có liên quan. Quản tài viên sẽ có 12 tháng kể từ ngày nghị quyết được thông qua để hiện thực hóa và phân chia tài sản đồng thời phải đăng ít nhất trên một tờ báo địa phương. Quản tài viên trong trường hợp này có thể là bất kỳ ai đủ năng lực như giám đốc công ty chẳng hạn. Trường hợp công ty chấm dứt theo yêu cầu của chủ nợ thì chủ nợ sẽ chỉ định quản tài viên. Trường hợp công ty chấm dứt hoạt động theo quy định bởi tòa án thì tòa án sẽ chỉ định quản tài viên[6]. Trong phá sản bắt buộc luôn có mặt của quản tài viên. Thậm chí sự có mặt của quản tài viên ở Singapore rộng hơn, quản tài viên là bắt buộc ở cả thủ tục phá sản tự nguyện. Quản tài viên ở Singapore chỉ hành nghề với tư cách cá nhân và do ACRA – cơ quan quản lý doanh nghiệp và kế toán phê duyệt.
Như vậy, ở Việt Nam, chế định về quản tài viên có điểm tương đồng rõ ràng nhất với Trung Quốc, quản tài viên chỉ có trong phá sản doanh nghiệp - khi doanh nghiệp chấm dứt tồn tại mà không thể thanh toán hết các khoản nợ và chỉ diễn ra thông qua tòa án. Ngược lại, ở Singapore quản tài viên có cả trong trường hợp chấm dứt tồn tại doanh nghiệp tự nguyện không thông qua tòa án. Vấn đề này có thể giải thích bởi nguyên nhân, Việt Nam mới bắt đầu thử nghiệm vai trò của quản tài viên trong việc chấm dứt tồn tại của doanh nghiệp, trong khi đó Singapore đã đạt đến trình độ chuyên môn hóa việc quản lý và thanh lý tài sản của doanh nghiệp cho các chủ thể có quyền khi doanh nghiệp làm thủ tục chấm dứt hoàn toàn hoạt động. Bên cạnh đó, theo pháp luật của 3 nước, chế định quản trị viên còn có sự khác nhau sau: ở Việt Nam, quản tài viên là một chức danh tư pháp, hoạt động như một nghề độc lập, ở Trung Quốc quản tài viên vẫn còn có thể là công chức, viên chức nhà nước, trong khi ở Singapore quản tài viên là một nghề độc lập.
2. Điều kiện làm quản tài viên
Hiện nay, ở Việt Nam, bất cứ cá nhân nào cũng có thể trở thành quản tài viên nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau: có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, khách quan; có chứng chỉ hành nghề quản tài viên.
Những người có thể được cấp chứng chỉ hành nghề quản tài viên bao gồm: a) Luật sư; b) Kiểm toán viên; c) Người có trình độ cử nhân luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng và có kinh nghiệm 05 năm trở lên về lĩnh vực được đào tạo.
Tuy nhiên, để đảm bảo tính khách quan cũng như năng lực khi thực hành với tư cách quản tài viên, Luật Phá sản Việt Nam cũng quy định những người sau đây không được hành nghề quản tài viên: cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân; người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; người đã bị kết án nhưng chưa được xóa án tích; người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Người có chứng chỉ quản tài viên đăng ký hoạt động độc lập tại Sở tư pháp. Danh sách quản tài viên thường được Sở Tư pháp các tỉnh công bố hàng năm trên website của Sở. Chẳng hạn, ở thành phố Hồ Chí Minh, tính đến ngày 31/12/2018 có 89 quản tài viên và 19 doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản[7].
Luật Phá sản doanh nghiệp Trung Quốc không quy định chi tiết điều kiện để một người có thể thực hiện vai trò quản trị viên. Tuy nhiên, Tòa án Tối cao Trung Quốc đã ban hành Quy định về quản trị viên cho các vụ phá sản doanh nghiệp. Theo đó, tòa án sẽ lập một danh sách những quản trị viên dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau. Trước đó, tòa án sẽ thông báo về các yêu cầu của người nộp đơn làm quản trị viên; những giấy tờ cần cung cấp; đánh giá tiêu chuẩn và hồ sơ; nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của quản trị viên; thời hạn nộp hồ sơ; và những vấn đề khác mà tòa án cho rằng cần thiết phải thông báo. Những tổ chức, cá nhân muốn trở thành quản trị viên thì nộp hồ sơ cho tòa án xem xét và quyết định để đưa vào danh sách và sẽ được chọn luân phiên[8]. Chẳng hạn, ở Bắc Kinh mỗi quản trị viên (tổ chức) được chấm thang 100 điểm, trong đó doanh thu (20), quy mô, số lượng nhân viên và số quản trị viên đủ tiêu chuẩn (20), kinh nghiệm thực tế xử lý vụ phá sản (30), số báo cáo thanh lý có liên quan (15), số bài báo có liên quan (5), bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp (10)[9]. Tuy nhiên, Luật Phá sản doanh nghiệp Trung Quốc cũng quy định những trường hợp sẽ không được chỉ định là quản trị viên tham gia quá trình phá sản một doanh nghiệp: người đã bị xử phạt hình sự vì hành vi phạm tội cố ý; người có chứng chỉ trình độ chuyên môn cho việc thực hành làm quản tài viên đã bị thu hồi; người có lợi ích liên quan; người không phù hợp là một quản trị viên giải quyết vụ phá sản doanh nghiệp cụ thể theo quyết định của tòa án[10].
Ở Singapore, tiêu chuẩn để trở thành quản tài viên được hướng dẫn trên website của cơ quan Quản lý doanh nghiệp và kế toán[11]. Theo đó, đối với vụ phá sản công ty tự nguyện thì quản tài viên không cần phải là người được cấp chứng chỉ . Ngược lại, đối với những vụ phá sản công ty, quản tài viên phải là người đã được cấp chứng chỉ. Ứng viên nộp đơn làm quản tài viên có thể là một kế toán viên đã được cấp chứng chỉ có năng lực và kinh nghiệm. Kèm theo đơn là thư giới thiệu của hai người. Người giới thiệu không được là người trong gia đình hoặc khách hàng của kế toán viên. Một trong hai người giới thiệu này phải là quản tài viên chính thức và đã giám sát công việc của ứng viên.
Ngoài ra, ứng viên cũng có thể là một cá nhân chưa phải là kế toán viên công. Tuy nhiên, về kinh nghiệm, người này phải có ít nhất 3 năm kinh nghiệm toàn thời gian quản trị về phá sản, trong đó có ít nhất hai năm ở vị trí giám sát hoặc quản lý. Về năng lực, ứng viên cũng phải có thư của hai người giới thiệu như ở trên, đồng thời phải đáp ứng thêm một số điều kiện như: ứng viên phải trải qua một số bài thi của Ủy ban giám sát kế toán công Singapore để đảm bảo rằng ứng viên có kiến thức về luật công ty, quản trị công ty, thuế, kiểm toán và dịch vụ đảm bảo.
Như vậy, các tiêu chí của Trung Quốc vừa phụ thuộc rất lớn vào ý chí chủ quan của tòa án vừa đang theo chiều hướng định lượng các tiêu chuẩn về quản tài viên. Ngược lại, Singapore chỉ công nhận những người có kiến thức về kế toán, luật doanh nghiệp, thuế, tài chính, quản trị công ty và dịch vụ bảo đảm. Việc trở thành quản tài viên ở Việt Nam có phần dễ dàng, thuận lợi hơn. Tuy nhiên, việc mở rộng các đối tượng được cấp chứng chỉ quản tài viên đôi khi cũng để lại những hệ lụy nhất định. Chẳng hạn, cử nhân luật hành chính thì không thể có kiến thức và kinh nghiệm tốt về luật doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp, xử lý hợp đồng và quản lý tài sản hay luật sư tranh tụng thì không phù hợp để làm quản tài viên.
3. Chỉ định quản tài viên
Theo Luật Phá sản Việt Nam, việc chỉ định, thay đổi quản tài viên do thẩm phán được phân công tiến hành thủ tục phá sản doanh nghiệp thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định mở thủ tục phá sản. Tuy nhiên, người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản có quyền đề xuất với tòa án tên quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản trước khi mở thủ tục phá sản[12]. Việc chỉ định quản tài viên phải căn cứ vào các điều kiện sau: cá nhân có chứng chỉ hành nghề quản tài viên; đề xuất chỉ định quản tài viên của người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; quản tài viên không có lợi ích liên quan đến vụ việc phá sản; tính chất của việc giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; quản tài viên không phải là người thân thích của người tham gia thủ tục phá sản.
Trên thực tế, việc chỉ định quản tài viên đôi khi không theo đề xuất của người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Bởi lẽ, quản tài viên xuất thân từ những ngành nghề khác nhau, có trình độ hiểu biết, chuyên môn và kinh nghiệm khác nhau. Dựa vào yếu tố doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh và quy mô khác nhau, thẩm phán sẽ cân nhắc “tính chất của việc giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản” để chỉ định quản tài viên. Người tham gia thủ tục phá sản có thể đề nghị thẩm phán thay đổi quản tài viên nếu: (1) Vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Phá sản Việt Nam; (2) hoặc có căn cứ chứng minh quản tài viên không khách quan trong khi thực hiện nhiệm vụ; hoặc (3) trường hợp bất khả kháng mà quản tài viên không thực hiện được nhiệm vụ.
Khác với quy định của Việt Nam, theo Luật Phá sản Doanh nghiệp Trung Quốc, thời điểm chỉ định quản trị viên sớm hơn ở Việt Nam. Cụ thể, khi tòa án quyết định chấp nhận đơn xin phá sản, sẽ chỉ định một quản trị viên[13].
Quản trị viên ở Trung Quốc có thể bị hội nghị chủ nợ đề nghị thay đổi[14]. Mỗi tòa án ở địa phương sẽ có một danh sách những người đáp ứng đủ tiêu chuẩn làm quản trị viên và thẩm phán giải quyết sẽ dựa vào danh sách đó để chỉ định ngẫu nhiên quản trị viên. Trong trường hợp, doanh nghiệp giải quyết phá sản là ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm, công ty tài chính hoặc vụ việc có tính chất phức tạp, liên quan đến tài sản ở nhiều nơi thì tòa án có thể chỉ định quản trị viên là người ở địa phương khác theo danh sách quản trị viên của tòa cấp cao hơn hoặc của tòa án địa phương đó. Đối với những vụ phá sản đơn giản, quan hệ giữa chủ nợ và con nợ rõ ràng, tòa án sẽ chỉ định quản trị viên là cá nhân. Ngược lại, tòa án sẽ chỉ định quản trị viên với tư cách là một tổ chức. Những người sau đây sẽ không được chỉ định làm quản trị viên một vụ phá sản: là người có lợi ích liên quan; là giám đốc, kiểm soát viên hoặc quản lý cấp cao của doanh nghiệp hoặc của bất kỳ chủ nợ nào hiện tại hoặc trong vòng ba năm trước khi tòa án ra quyết định giải quyết phá sản; là vợ, chồng, con hoặc có quan hệ dòng máu trực hệ trong vòng ba đời của bất kỳ cổ đông có quyền kiểm soát, giám đốc, kiểm soát viên hoặc quản lý cấp cao của doanh nghiệp hoặc của bất kỳ chủ nợ nào; các trường hợp khác tòa án cho rằng không phù hợp để làm quản trị viên[15].
Quản trị viên sau khi được tòa án chỉ định sẽ sử dụng con dấu riêng do tòa phê chuẩn. Sau khi giải quyết xong thủ tục phá sản doanh nghiệp, quản trị viên sẽ nộp con dấu cho cơ quan có thẩm quyền hủy và nộp lại giấy chứng nhận đã hủy dấu cho tòa. Quản trị viên cũng có thể bị tòa án thay đổi khi không còn đáp ứng các tiêu chuẩn hoặc không đủ khả năng thực hiện trung thực nhiệm vụ của mình[16].
Ở Singapore, trường hợp doanh nghiệp phá sản theo yêu cầu của chủ nợ, chủ nợ sẽ chỉ định quản tài viên (provisional liquidator), tòa án chỉ chỉ định quản tài viên trong trường hợp phá sản bắt buộc. Thời điểm chỉ định quản tài viên là sau khi tòa nhận được yêu cầu tuyên bố phá sản của những chủ thể có thẩm quyền như chủ nợ, công ty, quản tài viên.
Những người sau đây sẽ không thể làm quản tài viên phá sản công ty: không phải là quản tài viên đã được cấp phép; có mắc nợ công ty đang giải quyết phá sản hoặc một công ty khác có liên quan với số tiền trên 2.500 đô la Singapore; là nhân viên của công ty trong vòng 24 tháng; là đối tác, người sử dụng lao động, hoặc nhân viên của người quản lý công ty; người đó là đối tác, người lao động hoặc người làm thuê cho nhân viên của người quản lý công ty; là người phá sản chưa được phục quyền; có giao dịch bất động sản với chủ nợ của anh ta hoặc có bất kỳ thỏa thuận nào với chủ nợ của anh ta có liên quan đến phá sản; đã bị kết án về tội liên quan đến gian lận hoặc không trung thực và bị phạt tù từ 3 tháng trở lên.
Người vi phạm có thể bị phạt lên đến 2000 đô la Singapore[17].
Về số lượng quản tài viên được chỉ định, Luật Phá sản Việt Nam không quy định cụ thể, nhưng theo Luật Công ty Singapore thì tòa án có thể chỉ định nhiều hơn một quản tài viên[18].
Quản tài viên ở Trung Quốc khi được chỉ định thì không thể từ chối mà không nại ra lý do chính đáng. Ngược lại, về nguyên tắc, ở Việt Nam quản tài viên có thể từ chối chỉ định của tòa án, bởi quản tài viên hành nghề độc lập.
4. Vai trò của quản tài viên
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, quản tài viên đóng vai trò là người quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán trong quá trình giải quyết phá sản. Sau khi được chỉ định trở thành quản tài viên của một vụ giải quyết phá sản doanh nghiệp, quản tài viên phải tiến hành các bước để lập danh sách chủ nợ, con nợ, kiểm đếm, gửi giữ, bảo quản tài sản của doanh nghiệp ở cả phạm vi trong và ngoài nước; sau đó, báo cáo cho thẩm phán phụ trách vụ việc về tình trạng tài sản, công nợ và hoạt động của doanh nghiệp.
Nếu doanh nghiệp được thông qua quá trình khôi phục kinh doanh, quản tài viên phải giám sát hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhằm đảm bảo tài sản của doanh nghiệp không bị tẩu tán và có quyền đề nghị thẩm phán thu thập tài liệu, chứng cứ, hoặc tuyên bố giao dịch vô hiệu hoặc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Trường hợp quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không thành công thì đến sau khi thẩm phán ra quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp, quản tài viên sẽ tiến hành thanh lý tài sản của doanh nghiệp. Do đó, Luật Phá sản năm 2014 không đặt ra quy định về quản tài viên trong trường hợp tòa án áp dụng thủ tục rút gọn để tuyên bố phá sản doanh nghiệp (Điều 105).
Ngoài ra, quản tài viên cũng đóng vai trò là người đại diện cho doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp không có người đại diện theo pháp luật.
Ở Trung Quốc, quản trị viên có vai trò rất lớn đối với chủ nợ và doanh nghiệp đang trong quá trình phá sản. Một quản trị viên sẽ có những quyền và nhiệm vụ sau: tiếp quản tài sản, con dấu, sổ tài khoản, tài liệu và dữ liệu khác của con nợ; điều tra về tình hình tài chính của con nợ và chuẩn bị báo cáo về tình hình đó; quyết định các vấn đề quản trị nội bộ của con nợ; quyết định chi phí hàng ngày và các chi phí cần thiết khác của con nợ; quyết định, trước khi cuộc họp của các chủ nợ đầu tiên được tổ chức, để tiếp tục hoặc đình chỉ hoạt động kinh doanh của con nợ; quản lý và xử lý tài sản của con nợ; tham gia vào các hành động pháp lý, trọng tài hoặc bất kỳ thủ tục pháp lý nào khác thay mặt cho con nợ; đề xuất tổ chức các cuộc họp của các chủ nợ; thực hiện các nhiệm vụ khác mà tòa án cho rằng quản trị viên nên làm[19].
Sau khi tòa án chấp nhận đơn phá sản, quản trị viên có quyền quyết định hủy bỏ hoặc tiếp tục thực hiện một hợp đồng đã được ký kết trước đó mà chưa thực hiện xong và thông báo cho bên giao kết hợp đồng[20]; thậm chí là quyết định cho doanh nghiệp lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán tiếp tục kinh doanh hay đình chỉ hoạt động kinh doanh, xây dựng và quản trị quá trình phục hồi kinh doanh. Mặc dù vậy, quản trị viên vẫn có trách nhiệm báo cáo với tòa án và chịu sự giám sát của hội nghị chủ nợ và ủy ban lâm thời của chủ nợ[21]. Như vậy, so với vai trò của quản tài viên trong pháp luật Việt Nam, theo pháp luật Trung Quốc, quản trị viên có phạm vi quyền và nhiệm vụ rộng lớn hơn.
Theo Luật của Singapore, quyền và nhiệm vụ của quản tài viên được quy định ở Mục 274 Luật Công ty bao gồm: điều tra các vấn đề trong hoạt động và tài sản của công ty, hành vi của nhân viên và yêu cầu của các chủ nợ và bên thứ ba; phục hồi và hiện thực hóa tài sản của công ty theo cách có lợi nhất cho công ty; dàn xếp các khiếu nại của các chủ nợ và đảm bảo phân phối công bằng tài sản của công ty theo quy định của Đạo luật công ty.
Như vậy, pháp luật về phá sản của Singapore có ưu điểm là ràng buộc trách nhiệm của quản tài viên phải hiện thực hóa, tối đa hóa tài sản theo cách có lợi nhất cho doanh nghiệp. Chúng tôi cho rằng, để bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp, pháp luật về phá sản của Việt Nam cần bổ sung trách nhiệm này. Bởi lẽ nếu, quản tài viên làm việc không nhiệt tình hoặc nghiệp vụ kém có thể gây thất thoát tài sản của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cũng cần quy định nhiệm vụ của quản tài viên phải điều tra phát hiện những giao dịch của nhà quản lý, nhân viên công ty gây phương hại cho quyền lợi của công ty và đề nghị tòa án xử lý.
5. Trách nhiệm của quản tài viên
Ở Việt Nam, quản tài viên là một chức danh tư pháp góp phần làm cho quá trình giải quyết phá sản doanh nghiệp được thuận lợi, nhanh gọn và hiệu quả. Tuy nhiên, để việc quản lý, thanh lý tài sản được khách quan minh bạch, quản tài viên phải báo cáo cho thẩm phán và chấp hành viên[22]. Những hành vi bị nghiêm cấm đối với quản tài viên là: cho thuê, cho mượn hoặc cho cá nhân, tổ chức khác sử dụng chứng chỉ hành nghề quản tài viên của mình để hành nghề quản lý, thanh lý tài sản; gợi ý hoặc nhận bất kỳ một khoản tiền hoặc lợi ích vật chất từ người tham gia thủ tục phá sản hoặc lợi dụng danh nghĩa quản tài viên để thu lợi từ cá nhân, tổ chức ngoài chi phí quản tài viên được nhận theo quy định của pháp luật; lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn để thông đồng với cá nhân, tổ chức nhằm mục đích vụ lợi; tiết lộ thông tin về tổ chức, hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán mà quản tài viên biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được doanh nghiệp, hợp tác xã đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác; các hành vi khác trái với quy định của pháp luật, Quy tắc đạo đức nghề nghiệp quản tài viên.
Mặc dù không có quy định rõ ràng, nhưng về nguyên tắc, quản tài viên ở Việt Nam cũng có thể từ chối tham gia thủ tục phá sản khi được thẩm phán chỉ định.
Trung Quốc cũng dành hẳn một Chương 3 của Luật Phá sản doanh nghiệp để quy định về quản trị viên. Theo những quy định này, quyền của quản trị viên trong giải quyết phá sản doanh nghiệp là vô cùng lớn, thậm chí được trao cho cả doanh nghiệp để quản trị viên quản lý khôi phục kinh doanh. Quản trị viên có quyền đình chỉ hoặc tiếp tục hợp đồng đã giao kết cũng như hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, thu hồi tài sản trong giao dịch với doanh nghiệp bị coi là vô hiệu, thu hồi khoản vốn chưa góp của thành viên, thu hồi những khoản thu nhập bất thường của người lao động trong doanh nghiệp. Mặc dù không quy định chi tiết quyền và nghĩa vụ của quản trị viên như cách tiếp cận của Luật Phá sản Việt Nam, nhưng Luật Phá sản doanh nghiệp Trung Quốc cũng quy định trách nhiệm của quản trị viên là phải chăm chỉ và trung thành thực hiện nhiệm vụ của mình.[23]
Luật Phá sản Việt Nam không có một điều khoản nào quy định về trách nhiệm của quản tài viên trong trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách cẩn trọng.
Trường hợp quản tài viên vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Phá sản hoặc không khách quan thì chỉ bị yêu cầu bồi thường thiệt hại mà không bị phạt. Ngược lại Luật Phá sản doanh nghiệp Trung Quốc quy định cụ thể rằng, trong trường hợp một quản trị viên không thực hiện nghĩa vụ của mình siêng năng và trung thành thì tòa án có thể phạt quản trị viên theo luật định và trong trường hợp thiệt hại gây ra cho chủ nợ, con nợ hoặc bên thứ ba, quản trị viên phải chịu trách nhiệm bồi thường. Quản trị viên ở Trung Quốc còn có trách nhiệm phân chia tài sản phá sản, làm thủ tục chấm dứt kinh doanh với cơ quan đăng ký có thẩm quyền và thậm chí là trường hợp doanh nghiệp bị tuyên phá sản bằng thủ tục rút gọn thì vẫn tồn tại vai trò của quản trị viên. Mặt khác, quản trị viên ở Trung Quốc không thể từ chối (resign) mà không có lý do chính đáng và phải được tòa án chấp thuận[24]. Trường hợp quản trị viên từ chức hoặc từ chối bàn giao công việc cho quản trị viên mới thì tùy mức độ mà bị tòa án ra quyết định xử phạt. Nếu quản trị viên hành nghề với tư cách cá nhân có thể bị phạt từ 10.000 đến 50.000 Nhân dân tệ. Nếu quản trị viên hành nghề thông qua một tổ chức thì có thể bị phạt từ 50.000 đến 200.000 Nhân dân tệ[25].
Ngoài ra, Luật Phá sản doanh nghiệp của Trung Quốc và Việt Nam đều quy định quản tài viên khi hành nghề với tư cách cá nhân phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp theo quy định của pháp luật[26].
Quản tài viên ở Singapore sau khi được chỉ định có thể thực hiện công việc kinh doanh của công ty khi cần thiết nhưng không kéo dài quá 04 tuần kể từ khi có lệnh của tòa là ngừng hoạt động. Quản tài viên cũng có thể nhân danh công ty và sử dụng con dấu công ty thực hiện những thủ tục pháp lý liên quan đến tài sản của doanh nghiệp như bán tài sản là động sản, chuyển nhượng, thu hồi tài sản của công ty, lập danh sách chủ nợ, con nợ phân chia tài sản… Tương tự, quản tài viên ở Trung Quốc và Việt Nam cũng được phép thuê thêm người để hỗ trợ công việc[27] quản tài viên ở Singapore cũng có thể từ chối khi được chỉ định[28].
6. Chi phí quản tài viên
Có hai cách quy định về phí quản tài viên cơ bản là quy định mức cố định dựa trên giá trị tài sản thu doanh nghiệp thu được hoặc theo thỏa thuận. Ở Việt Nam, chi phí quản tài viên được quy định rõ ràng ngay trong Luật Phá sản. Theo đó, chi phí quản tài viên là khoản tiền phải chi trả cho việc giải quyết phá sản của quản tài viên[29]. Chi phí được tính dựa trên thời gian, công sức và kết quả thực hiện nhiệm vụ của quản tài viên, bao gồm thù lao quản tài viên và chi phí khác (thuê thêm lao động giúp quản tài viên) được thanh toán từ giá trị tài sản của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán. Chi phí của quản tài viên nằm trong chi phí phá sản nên sẽ được ưu tiên thanh toán trong gói đầu tiên. Thù lao của quản tài viên được tính dựa trên một hoặc các phương thức sau đây: giờ làm việc của quản tài viên; mức thù lao trọn gói; mức thù lao tính theo tỷ lệ phần trăm tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản thu được sau khi thanh lý[30].
Luật Phá sản Việt Nam quy định phương pháp tính thù lao và mức thù lao cụ thể cho từng trường hợp. Tuy nhiên, phải có sự phân biệt mức độ phức tạp của từng vụ giải quyết phá sản. Chẳng hạn, tài sản của doanh nghiệp phá sản ở nhiều nơi, ở nước ngoài, số lượng tài sản của doanh nghiệp được cầm cố, thế chấp, cho vay, cho thuê nhiều…
Luật Phá sản doanh nghiệp Trung Quốc cũng quy định chi phí liên quan đến thực hiện nhiệm vụ của quản tài viên nằm trong chi phí cho thủ tục phá sản và được ưu tiên thanh toán bằng tài sản của doanh nghiệp bị phá sản bất cứ lúc nào[31]. Trong trường hợp cuộc họp của các chủ nợ có sự phản đối về mức thù lao đó, họ sẽ có quyền nộp đơn khiếu nại lên tòa án[32]. Tuy nhiên, thù lao của một quản trị viên sẽ được xác định bởi tòa án. Tòa án Tối cao Trung Quốc đã ban hành Quy định về thù lao cho quản trị viên có hiệu lực từ ngày 12/4/2007[33]. Theo đó, phương pháp xác định thù lao của quản trị viên được dựa cơ bản trên giá trị còn lại của doanh nghiệp phá sản.
Ngược lại Singapore lại có cách quy định về phí quản tài viên khác với của Trung Quốc và Việt Nam. Cụ thể, quản tài viên có thể nhận lương hoặc thù lao theo tỷ lệ phần trăm hoặc theo cách khác được xác định bởi tòa án. Cách khác được xác định bởi tòa bao gồm: thỏa thuận giữa quản tài viên và ủy ban kiểm tra (đại diện của doanh nghiệp và chủ nợ) hoặc một nghị quyết đại diện cho trên 50% số chủ nợ chiếm trên 75% tổng giá trị nợ thông qua; hoặc được xác định bởi tòa án[34].
Qua so sánh cho thấy rằng, quy định về thù lao của quản tài viên ở Việt Nam hiện nay khá bao quát và đầy đủ. Phần còn lại là tùy vào từng vụ phá sản như quy mô doanh nghiệp, loại hình doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp, cơ cấu tài sản, nợ… để quyết định áp dụng phương thức tính thù lao phù hợp với thực tế./.
[1]Điều 11 Luật Phá sản doanh nghiệp Việt Nam & Chương 3 & Điều 180 Luật Phá sản doanh nghiệp Trung Quốc [2] Luật Phá sản doanh nghiệp Trung Quốc năm 2006, truy cập ngày 10/10/2019 tại http://www.china.org.cn/china/ LegislationsForm2001-2010/2011-02/11/content_21898381.htm [3]Điều 24 Luật Phá sản doanh nghiệp Trung Quốc. [4] Luật Công ty Singapre 1967, truy cập ngày 10/10/2019 tại https://sso.agc.gov.sg/Act/CoA1967. [5]Phần giải thích từ ngữ Luật Công ty Singapore. [6]Mục 268 Luật Công ty Singapore. [7]https://sotuphap.hochiminhcity.gov.vn/documents/10194/41578/92-Q%C4%90-STP.signed.pdf. [8]Điều 3,4 5 Quy định của Tòa Tối cao Trung Quốc về chỉ định quản trị viên cho các vụ phá sản doanh nghiệp ngày 12/4/2007. [9]Alan Tang, Pauline Au, China’s new enterprise bankcruptcy law: the central government’s new regulations on bankcruptcy administrator, truy cập tại http://app1.hkicpa.org.hk/APLUS/0711/p48_50.pdf, ngày 15/10/2019. [10]Điều 24 Luật Phá sản doanh nghiệp Trung Quốc. [11]https://www.acra.gov.sg/how-to-guides/applying-to-be-an-approved-liquidator/Requirements-to-be-an-Approved-Liquidator, truy cập ngày 15/10/2019. [12]Điều 19 & 45 Luật Phá sản doanh nghiệp Việt Nam. [13]Điều 13 Luật Phá sản doanh nghiệp Trung Quốc. [14]Điều 61 Luật Phá sản doanh nghiệp Trung Quốc. [15] Điều 24.4 Luật Phá sản doanh nghiệp Trung Quốc và Điều 23 Quy định của Tòa Tối cao Trung Quốc về chỉ định quản trị viên cho các vụ phá sản doanh nghiệp ngày 12/4/2007, truy cập ngày 10/10/2019 tại http://www.csrc.gov.cn/pub/csrc_en/laws/rfdm/AdministrativeLaws/201212/t20121205_217628.html. [16]Điều 15, 16, 17 Quy định của Tòa Tối cao Trung Quốc về chỉ định quản trị viên cho các vụ phá sản doanh nghiệp ngày 12/4/2007. [17]Mục 11 phần II, Luật Công ty Singapore. [18]Mục 268 (7) Luật Công ty Singapore. [19] Điều 25 Luật Phá sản doanh nghiệp Trung Quốc. [20]Điều 18 Luật Phá sản doanh nghiệp Trung Quốc. [21]Điều 23 Luật Phá sản doanh nghiệp Trung Quốc. [22]Điều 16 Luật Phá sản doanh nghiệp Việt Nam. [23]Điều 27 Luật Phá sản doanh nghiệp Trung Quốc. [24]Điều 130, 115, 121, 120, 29 Luật Phá sản doanh nghiệp Trung Quốc. [25]Điều 39 Quy định của Tòa Tối cao Trung Quốc về chỉ định quản trị viên ngày 12/4/2007. [26]Điều 23 Luật Phá sản doanh nghiệp Trung Quốc & Điều 16 Luật Phá Sản doanh nghiệp Việt Nam. [27]Mục 272 Luật Công ty Singapore & Điều 28 Luật Phá sản doanh nghiệp Trung Quốc. [28]Mục 268 Luật Công ty Singapore. [29]Điều 4.13 & 24 Luật Phá Sản doanh nghiệp Việt Nam. [30] Điều 21 Nghị định 22/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phá sản về Quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản. [31]Điều 41 & 43 & 113 Luật Phá sản doanh nghiệp Trung Quốc. [32]Điều 28 Luật Phá sản doanh nghiệp Trung Quốc. [33] Điều 2 Quy định của Tòa Tối cao Trung Quốc về việc xác định phí cho quản trị viên liên quan đến các vụ phá sản doanh nghiệp ngày 12/4/2007, truy cập ngày 10/10/2019 tại http://www.csrc.gov.cn/pub/csrc_en/laws/rfdm/ AdministrativeLaws/201212/t20121205_217626.html. [34]Mục 268 (3) Luật Công ty Singapore. |
TS. ĐÀO THỊ THU HẰNG Đại học Kinh tế Luật, Đại học quốc gia TP. HCM Tạp chí Nghiên cứu lập pháp |