/ Kinh nghiệm - Thực tiễn
/ Quy định dành cho người bào chữa khi gặp thân chủ bị tạm giữ, tạm giam

Quy định dành cho người bào chữa khi gặp thân chủ bị tạm giữ, tạm giam

05/01/2021 17:53 |

LSVNO - Luật sư khi gặp người bị tạm giữ, tạm giam để bào chữa cần thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS), Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 và các quy định có liên quan…

LSVNO - Luật sư khi gặp người bị tạm giữ, tạm giam để bào chữa cần thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS), Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 và các quy định có liên quan…

Ảnh minh họa.

Người bào chữa có quyền gặp, hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo để thực hiện bào chữa theo luật định (Điểm a, khoản 1 Điều 73 BLTTHS 2015). Đây là việc gặp, hỏi riêng giữa người bào chữa và người bị buộc tội đang bị tạm giữ, tạm giam, hoàn toàn khác với việc người bào chữa có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, khi cơ quan tiến hành tố tụng hỏi cung bị can quy định tại điểm b khoản 1 Điều 73 BLTTHS 2015.

Điều  80  BLTTHS 2015 quy định: “2. Cơ quan quản lý người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đang bị tạm giam phải phổ biến nội quy, quy chế cơ sở giam giữ và yêu cầu người bào chữa chấp hành nghiêm chỉnh. Trường hợp phát hiện người bào chữa vi phạm quy định về việc gặp thì phải dừng ngay việc gặp và lập biên bản, báo cáo người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật”.

Điều 22 khoản 3 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 quy định:“Người bào chữa được gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam để thực hiện bào chữa theo quy định của BLTTHS và Luật này tại buồng làm việc của cơ sở giam giữ…”

Ngoài việc thực hiện đúng nghĩa vụ và quyền lợi trong khi tiếp xúc với bị can, bị cáo quy định Điều 22 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam thì người bào chữa phải  biết và  thực  hiện  đúng  Nội quy cơ sở giam giữ (Ban hành kèm theo Thông tư số  36 /2017/TT-BCA ngày 19/ 9/ 2017 của Bộ trưởng Bộ Công an) và Thông tư liên tịch số 01/2018/TTLT-BCA- BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 23/01/2018 của  liên ngành về quan hệ phối hợp giữa các cơ quan trong việc tổ chức cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam gặp người bào chữa).

Chẳng hạn, tại Điều 3 Nội quy cơ sở giam giữ quy định đối với người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng: Khi đến làm việc tại cơ sở giam giữ phải sử dụng trang phục quy định của ngành, trường hợp khác trang phục phải gọn gàng, lịch sự; xuất trình đầy đủ giấy tờ để xác định là người có thẩm quyền, trách nhiệm tham gia hoạt động tố tụng; chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động tố tụng tại cơ sở giam giữ; thực hiện theo hướng dẫn của cán bộ cơ sở giam giữ; không tự ý vào khu vực buồng giam giữ, tiếp xúc với người bị tạm giữ, người bị tạm giam; tự ý tiếp nhận hoặc chuyển tiền, tài liệu, các loại đồ vật cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam; không đưa vào, sử dụng hoặc cho người khác mượn, sử dụng các thiết bị thông tin liên lạc cá nhân khi làm việc, tiếp xúc với người bị tạm giữ, người bị tạm giam; việc sử dụng các thiết bị thông tin liên lạc, quay phim, chụp ảnh, ghi âm, ghi hình, phỏng vấn tại cơ sở giam giữ phải thực hiện theo quy định của pháp luật và quy định của Bộ Công an. Theo đó, trường hợp người bào chữa có hành vi vi phạm nội quy cơ sở giam giữ sẽ bị xử lý theo quy định.            

Để không bị coi là vi phạm và bị xử lý trong quá trình thăm gặp bị can, bị tạm giam, người bào chữa cần biết và thực hiện đúng Nội quy cơ sở giam giữ nói trên của Bộ Công an.

LS Hồng Hà

Phối hợp giải quyết cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam gặp người bào chữa

1.Việc phối hợp, tổ chức cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam gặp người bào chữa thực hiện theo quy định tại Điều 80 của BLTTHS và Điều 22, Điều 34 của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam.

2.Khi nhận được văn bản thông báo người bào chữa cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam của cơ quan đang thụ lý vụ án thì cơ sở giam giữ tổ chức cho người bào chữa được gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật.

3.Trường hợp cần phải giám sát cuộc gặp thì Thủ trưởng, người có thẩm quyền của cơ quan đang thụ lý vụ án phối hợp với cơ sở giam giữ tổ chức giám sát. Nếu người bị tạm giữ, người bị tạm giam, người bào chữa có hành vi vi phạm nội quy cơ sở giam giữ hoặc cản trở việc giải quyết vụ án thì người có thẩm quyền giám sát phải dừng ngay cuộc gặp và lập biên bản, báo cáo với Thủ trưởng cơ sở giam giữ và thông báo bằng văn bản cho cơ quan đang thụ lý vụ án biết để xử lý.

4.Trường hợp người bào chữa có yêu cầu gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam tại nơi khám bệnh, chữa bệnh ngoài cơ sở giam giữ thì cơ sở giam giữ trao đổi với bác sỹ điều trị; trường hợp được sự đồng ý của bác sỹ điều trị thì cơ sở giam giữ thông báo cho người bào chữa biết, đồng thời thông báo cho cơ quan đang thụ lý vụ án để có biện pháp phối hợp kịp thời. Người có thẩm quyền của cơ sở giam giữ phải quản lý, giám sát chặt chẽ không để người bào chữa đưa, chuyển đồ vật cấm cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam hoặc có vi phạm khác về việc thăm gặp, gây cản trở việc giải quyết vụ án. (Điều 10 Thông tư liên tịch số 01/2018/TTLT-BCA- BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 23/01/2018 của  liên ngành về quan hệ phối hợp giữa các cơ quan trong việc tổ chức cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam gặp người bào chữa).