/ Tích hợp văn bản mới
/ Quy định mới về thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức

Quy định mới về thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức

05/01/2021 18:11 |

(LSO) – Nghị định 115/2020/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Trong đó, quy định cụ thể về hình thức, nội dung và thời gian thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.

Ảnh minh họa.

Theo Nghị định, thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức gồm 4 môn: Môn kiến thức chung, môn ngoại ngữ, môn tin học và môn nghiệp vụ chuyên ngành.

Nội dung thi môn kiến thức chung gồm 60 câu hỏi về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật về ngành, lĩnh vực sự nghiệp, pháp luật về viên chức theo yêu cầu của chức danh nghề nghiệp dự thi. Thời gian thi môn thi kiến thức chung là 60 phút với hình thức thi trắc nghiệm.

Nội dung thi môn ngoại ngữ gồm 30 câu hỏi về một trong năm thứ tiếng Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc theo yêu cầu của chức danh nghề nghiệp dự thi do người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp quyết định. Thời gian thi môn ngoại ngữ 30 phút với hình thức thi trắc nghiệm.

Môn tin học thi trắc nghiệm trong thời gian 30 phút với 30 câu hỏi theo yêu cầu của chức danh nghề nghiệp dự thi.

Về môn nghiệp vụ chuyên ngành, đối với thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng I, thi viết đề án thời gian 8 tiếng và thi bảo vệ đề án thời gian tối đa 30 phút theo yêu cầu của chức danh nghề nghiệp dự thi. Thi viết đề án và thi bảo vệ đề án được chấm với thang điểm 100 cho mỗi bài thi.

Đối với thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng II, thi viết thời gian 180 phút theo yêu cầu của chức danh nghề nghiệp dự thi, thang điểm 100.

Đối với thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng III và hạng IV, thi viết thời gian 120 phút theo yêu cầu của chức danh nghề nghiệp dự thi, thang điểm 100.

Nghị định cũng quy định các trường hợp được miễn thi môn tin học và ngoại ngữ.

Về xác định người trúng tuyển: Người trúng tuyển trong kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải có số câu trả lời đúng từ 50% số câu hỏi trở lên cho từng môn thi: Kiến thức chung, ngoại ngữ, tin học, trừ trường hợp miễn thi.

Bên cạnh đó, có tổng kết quả điểm bài thi môn nghiệp vụ chuyên ngành đạt từ 50 điểm trở lên, trường hợp thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng I thì phải đạt từ 100 điểm trở lên (trong đó điểm bài thi viết đề án và bài thi bảo vệ đề án phải đạt từ 50 điểm trở lên) và lấy theo thứ tự điểm từ cao xuống thấp trong phạm vi chỉ tiêu thăng hạng chức danh nghề nghiệp được giao.

Trường hợp có từ 2 người trở lên có tổng kết quả điểm bài thi môn nghiệp vụ chuyên ngành bằng nhau ở chỉ tiêu thăng hạng chức danh nghề nghiệp cuối cùng thì việc xác định người trúng tuyển được thực hiện theo thứ tự ưu tiên sau: Viên chức là nữ; viên chức là người dân tộc thiểu số; viên chức nhiều tuổi hơn (tính theo ngày, tháng, năm sinh); viên chức có thời gian công tác nhiều hơn.

Nếu vẫn không xác định được thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp có văn bản trao đổi với người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý viên chức và quyết định người trúng tuyển theo đề nghị của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý viên chức.

Không bảo lưu kết quả cho các kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp lần sau.

Chậm nhất 15 ngày kể từ ngày nhận được danh sách viên chức trúng tuyển trong kỳ thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý viên chức thực hiện việc bổ nhiệm và xếp lương chức danh nghề nghiệp đối với viên chức trúng tuyển.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 29/9/2020.

LINH NHI

/vksnd-cap-cao-tai-da-nang-thong-bao-rut-kinh-nghiem-vu-an-dan-su.html
/quy-dinh-moi-ve-hop-dong-lam-viec-cua-vien-chuc.html