(LSVN) - "Vô thưởng, vô phạt" là cụm từ diễn tả cái thứ có cũng được, không cũng chẳng sao, nó vô hại nhưng cũng vô ích và có nó cũng chẳng để làm gì. Trong lĩnh vực pháp luật, có sự thưởng phạt phân minh thì không để có, tồn tại hay phát sinh những quy định "vô thưởng, vô phạt".
Tiếc rằng, từ trước đến nay, những quy định "vô thưởng, vô phạt" vẫn thường hay xuất hiện và nhận sự chỉ trích của dư luận, chẳng những không giải quyết được gì cho trật tự xã hội, thúc đẩy nếp sống văn minh, tiến bộ mà chỉ thêm tốn thời gian, giấy mực, hao tâm, tổn trí cho những quy định rời xa hiện thực cuộc sống này.
Gần đây, thấy rõ nhất là quy định phạt tiền tới 5 triệu thủ trưởng cơ quan để nhân viên của mình uống rượu vào buổi trưa. Dứt khoát, cái quy định này chẳng bao giờ đi vào cuộc sống cả, bởi ai phát hiện hành vi, ai yêu cầu và ai tiến hành xử phạt,... Cái quy định này chỉ đặt ra cho vui và có tính chất "ngăn ngừa, cảnh báo" nhưng chẳng tác động được đến ai cả.
Cách đây vài năm, người ta ra một quy định ô tô phải có bình cứu hỏa. Thế là, bất cứ xe nào bị dừng lại để "kiểm tra hành chính" là Cảnh sát giao thông "nhòm" vào xe trước tiên xem có bình không và xử phạt. Nhiều người bị phạt và hiệu quả trông thấy là bình cứu hỏa mini cháy hàng. Sau đó, việc này bị quên lãng bởi cái bình cứu hỏa mini đó chẳng giúp được gì nếu xe cháy, cái quy định này chỉ giúp Cảnh sát giao thông xử phạt và giải tỏa hàng ế cho các cơ sở bán hàng chữa cháy.
Mới đây, giới báo chí hoan hỷ loan tin, theo một Nghị định mới được ban hành từ 01/12/2020 này, những hành vi xâm hại đến hoạt động báo chí hoặc xúc phạm đến nhà báo có thể bị phạt đến 60 triệu đồng. Cũng chẳng nên vui mấy, bởi cũng tại Nghị định này quy định Chủ tịch xã cũng có thể xử phạt các vi phạm trong hoạt động báo chí đến 10 triệu đồng, thu giữ các phương tiện hành nghề của nhà báo. Chưa biết là nhà báo được bảo vệ tới đâu trong hoạt động nghề nghiệp của mình nhưng cấp xã cũng phạt được nhà báo thì ắt hẳn là tác nghiệp khó khăn rồi. Hơn nữa, cũng không loại trừ sự lộng quyền khi quyền lực cấp xã được bật đèn xanh đối với một hoạt động có quyền năng tự thân rất cao, rất đặc trưng là báo chí. Có những quy định tưởng chừng như "vô thưởng, vô phạt" song lại không hề vô hại khi nới lỏng cho sự tùy tiện có cơ hội phát tác.
Cứ tưởng việc xử phạt 200.000 đồng đối với hành vi gây rối tình dục đã chấm dứt từ lâu, nhưng không, mới đây ngày 23/11 một người đàn ông ngoại quốc đã bị Công an quận 2, TP. HCM xử phạt mức này khi ông ta vỗ mông một phụ nữ 36 tuổi trong thang máy và bị cô này tố cáo.
Pháp luật nghiêm minh đâu có chỗ cho sự cười cợt!
NHỊ NGỌC