Ảnh minh họa.
Đại dịch Covid-19 đến nay vẫn đang là nỗi kinh hoàng đối với toàn thế giới. Tại Việt Nam, đợt dịch thứ tư bùng phát trở lại từ cuối quý III vừa qua. Dù với quan điểm “chống dịch như chống giặc” cùng nhiều biện pháp quyết liệt, đồng bộ, một số tỉnh, thành phố đã phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/TC-TTg của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện các giải pháp để ổn định đời sống cho người dân, nhưng do diễn biến phức tạp của nên đã và đang gây ảnh hưởng lớn đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước. Hàng nghìn chiến sĩ áo trắng, lực lượng vũ trang ngày đêm căng mình trên tuyến đầu chống dịch; những người dân thuộc đủ mọi thành phần, lứa tuổi tình nguyện vẫn tích cực tham gia vào việc cung cấp lương thực, vật phẩm y tế, giải cứu nông sản…
Chứng kiến những đoàn người bìu díu nhau đi trên chặng đường xa hàng trăm km từ thành phố về quê do không có việc làm và để tránh dịch, những tấm lòng hảo tâm đã sẻ chia, giúp đỡ kịp thời cho nhiều hoàn cảnh khốn khó.
Sự hy sinh to lớn cùng các nghĩa cử thể hiện tình nghĩa đồng bào thật trân quý, là những hình ảnh đẹp làm lay động lòng người, đang tiếp tục lan tỏa ngày một nhiều hơn.
Tuy nhiên, ở đây đó vẫn còn một số trường hợp do thiếu ý thức, cố tình vi phạm các quy định, gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch bệnh. Dịch bệnh diễn biến phức tạp cũng xuất hiện một vài vấn đề mới phát sinh liên quan đến các quy định và hoạt động quản lý.
Không nói tới công tác tổ chức quản lý, khoanh vùng, truy vết những trường hợp nguy cơ nhiễm bệnh hay phân luồng lưu thông hàng hóa, sản phẩm khá nan giải, ở đây chỉ đề cập đến câu chuyện “bánh mỳ không thiết yếu”, tuy nhỏ nhưng mới đây lại khiến cộng đồng quan tâm.
Theo đó, từ ngày 18/7, trên mạng xã hội lan truyền chóng mặt về một clip quay cảnh một công nhân làm việc trong công trường của dự án du lịch thuộc thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) bị lực lượng chức năng của phường Vĩnh Hòa dừng xe và kiểm tra, xử lý vi phạm vì cho rằng đã đi ra đường khi không cần thiết giữa lúc địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Dẫu anh công nhân này đã xuất trình giấy tờ, giải thích lý do là đi mua bánh mỳ và nước uống, nhưng cán bộ kiểm soát chốt chặn không đồng tình vì cho rằng đó không phải là mặt hàng thiết yếu. Clip khiến người dân bức xúc bởi một số lời nói rất phản cảm của vị cán bộ - được xác định là Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Hòa). Đến nay vấn đề đã được làm rõ, chính quyền địa phương đã chấn chỉnh, giải quyết và vị Phó Chủ tịch UBND phường kia đã bị đình chỉ công tác. Câu chuyện “bánh mỳ” tưởng chỉ đơn giản chỉ vậy, nhưng khi có dịp xem xét, đánh giá lại người ta mới tá hỏa ra nhiều vấn đề khác cần được quan tâm, giải quyết.
Nhận ra các bất cập về quy định và nhận thức thế nào là mặt hàng, đồ dùng thiết yếu, ngay sau đó, nhiều địa phương nhanh chóng ban hành văn bản hướng dẫn các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu được phép kinh doanh ở các khu vực phải thiết lập giãn cách xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để làm “cẩm nang” cho hoạt động kinh doanh, định hướng hành vi cho người dân và công tác quản lý. Thậm chí, để tránh tình trạng mỗi nơi lại có cách hiểu và áp dụng khác nhau, ngày 27/7/2021, Bộ Công thương đã có văn bản hỏa tốc đề xuất Chính phủ ban hành danh mục hàng hóa cấm lưu thông thay vì danh mục hàng hóa thiết yếu được phép lưu thông. Và trong khi chờ đợi một quy định đầy đủ, căn cơ, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tình thế trong lưu thông hàng hóa, chiều tối ngày 27/7/2021 Bộ Công thương đã ban hành Công văn số 4481/BCT-TTTN về danh mục hàng hóa thiết yếu gửi đến 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Thực ra, trước đó Công văn số 2601/VPCP-KGVX ban hành ngày 03/4/2020 về việc thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg về phòng, chống dịch COVID-19 đã nêu: Nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, yêu cầu người dân ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết: mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác... Nhưng khổ nỗi, Công văn 2601/VPCP-KGVX không nêu và cũng không thể nêu cụ thể hết được các mặt hàng, sản phẩm thiết yếu. Thậm chí, đến thời điểm hiện nay, văn bản quy phạm pháp luật được cho là có quy định rõ nhất về vấn đề này là Luật Giá năm 2012.
Cụ thể, tại khoản 3 Điều 4 Luật Giá năm 2012 giải thích: “Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu là những hàng hóa, dịch vụ không thể thiếu cho sản xuất, đời sống, quốc phòng, an ninh, bao gồm: nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, dịch vụ chính phục vụ sản xuất, lưu thông; sản phẩm đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người và quốc phòng, an ninh”.
Căn cứ theo đó thì phạm trù “hàng hóa, dịch vụ thiết yếu” rất rộng, riêng những gì được coi là thiết yếu phục vụ nhu cầu ăn, ở, sinh hoạt hàng ngày của con người đã rất khó khăn. Công văn 4481/BCT mới đây quy định tương đối rộng, cụ thể các loại hàng hóa thiết yếu, trong đó bao gồm cả nhóm thực phẩm (gồm các mặt hàng theo danh mục tại phụ lục II, phụ lục III và mục 3, 4, 5, 6, 7, 8 phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật An toàn thực phẩm); nhóm hàng nguyên vật liệu phục vụ sản xuất; nhóm nhiên liệu, năng lượng và các mặt hàng khác theo nhu cầu phục vụ sản xuất, sinh hoạt của địa phương…
Nhưng như vậy liệu đã chi tiết, đầy đủ khi đây chỉ là “công văn” do một ngành ban hành, chưa kể “nhu cầu phục vụ sản xuất, sinh hoạt của địa phương” thì mỗi nơi, mỗi người lại có quan niệm và cách hiểu, áp dụng thực hiện khác nhau?
Trên thực tế, trước khi có “câu chuyện bánh mỳ” và Công văn 4481/BCT ra đời, một số sản phẩm, dịch vụ thiết yếu đã được các địa phương linh hoạt quy định.
Cụ thể, khi thực hiện giãn cách xã hội năm ngoái (tháng 4/2020), sau những kiến nghị từ quản lý ngành và phát sinh từ nhu cầu thực tế của người dân, Hà Nội và một số nơi đã đưa dịch vụ trong trung tâm thương mại (gồm siêu thị tổng hợp, văn phòng cho thuê, bệnh viện), dịch vụ ngân hàng, chứng khoán... vào danh mục thiết yếu.
Hoặc trong thời gian thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 từ ngày 19/7, tỉnh Tây Ninh đã đưa thêm vào danh mục áp dụng là các mặt hàng kim khí, điện máy phục vụ các hoạt động của gia đình, nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh (vật tư ngành điện dân dụng, công nghiệp, nông nghiệp, điện tử, vật tư ngành nước, vật tư nguyên liệu xây dựng...), rồi có cả sản phẩm diệt côn trùng, vệ sinh cá nhân...
Thành phố Cần Thơ, trong danh mục áp dụng còn nêu chi tiết bánh mỳ, bánh bao, bún, hủ tiếu... nằm trong nhóm hàng thực phẩm, là những hàng hóa thiết yếu.
Trong khi đó, tỉnh Khánh Hòa bổ sung thêm thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y; tỉnh Sóc Trăng cũng quy định chi tiết các sản phẩm từ gạo, nếp cũng được coi là hàng hóa thiết yếu trong thời gian giãn cách xã hội.
Thậm chí, tại Hải Dương, từ hồi tháng 3 năm nay, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, tỉnh này vẫn cho duy trì dịch vụ khách sạn lưu trú (trừ vui chơi giải trí, massage, games, thể thao, ca nhạc...).
Thực tiễn cho thấy, pháp luật không thể và không bao giờ quy định một cách đầy đủ, chi tiết hết được các vấn đề sẽ diễn ra trong xã hội. Bởi, mọi sự vật và hiện tượng luôn vận động và thay đổi, nhiều tình huống, sự việc chỉ phát sinh từ thực tế hoạt động sống mà luật pháp chỉ có thể tiên liệu được phần nào. Vậy nên lâu nay, dù đã có Hiến pháp cùng hàng trăm bộ luật và hàng loạt các văn bản hướng dẫn khác nhau của các bộ ngành, nhưng chúng ta vẫn phải thực hiện nguyên tắc áp dụng luật và áp dụng tương tự pháp luật để xử lý, phán quyết.
Trở lại câu chuyện “hàng hóa, dịch vụ thiết yếu” vừa qua, cần công bằng ghi nhận sự nỗ lực của các ngành và địa phương trong việc nhanh chóng vào cuộc để tháo gỡ, xử lý nhiều tình huống, sự việc mới phát sinh, góp phần giải quyết kịp thời các vướng mắc, tạo ổn định cho xã hội. Nhưng qua đó cũng cần rút kinh nghiệm để có sự quan tâm hơn trong công tác định hướng, quản lý, đặc biệt ở tầm vĩ mô và đối với vấn đề nhận thức, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ cơ sở. Luật pháp và các quy định được ban hành, vận dụng đầy đủ, đồng bộ là hết sức cần thiết, nhưng bên cạnh đó còn là sự linh hoạt, phù hợp căn cứ vào hoàn cảnh, điều kiện thực tế để điều chỉnh, áp dụng thực hiện khi đó mới phát huy hiệu quả.
Làm tốt điều này, tin rằng những câu chuyện đáng tiếc như “bánh mỳ không phải thiết yếu” vừa rồi sẽ không còn xảy trong bối cảnh cả nước đang dồn sức chống đại dịch Covid-19 và thực hiện thành công mục tiêu kép mà Chính phủ đề ra.
Thạc sĩ, Luật sư LIÊU CHÍ TRUNG
Phó Tổng Biên tập Tạp chí Luật sư Việt Nam
Hướng dẫn đóng BHXH tự nguyện, gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình trên Cổng DVC Quốc gia