/ Hồ sơ - Tư liệu
/ Quy định về bắt người và giam giữ theo pháp luật triều Nguyễn

Quy định về bắt người và giam giữ theo pháp luật triều Nguyễn

07/11/2021 14:34 |

(LSVN) - Theo Điều 359 Luật Gia Long, nếu không bắt được tội nhân thì người đi bắt bị xử roi, quan phụ trách bị phạt lương. Nếu quan địa phương không có khả năng tra xét, bắt giam, làm tròn trách nhiệm với dân thì chiếu lệ nghiêm xử.

Ảnh minh họa.

Bắt người và giam giữ được quy định ở các điều từ Điều 352 đến Điều 359 của Luật Gia Long. Trong Luật Gia Long sự phân biệt giữa tội nhân, tù nhân và tù phạm.

Tội nhân là người phạm tội đang bị truy xét. Còn tù nhân là người đã bị bắt giam nhưng chưa xử án hoặc đang xét xử (bị can, bị cáo). Tù phạm là người đã bị xử có tội và bị giam giữ (phạm nhân).

Về thủ tục về bắt người, các quan sai dịch và phu dịch, quan đương sai là người trực tiếp đi bắt tội nhân. Họ có thể huy động cả lính địa phương. Nếu bắt ở các huyện, phủ, doanh khác thì một mặt sai dịch cầm giấy lệnh của quan kín đáo đi bắt, mặt khác gửi công văn đến địa phương nhằm phối hợp lực lượng mà bắt.

Thời hạn bắt tội nhân theo Luật Gia Long là 30 ngày. Nếu dung túng hoặc không chịu bắt thì bị xử phạt, nếu có nhận của hồi lộ thì bị xử theo hướng tăng nặng.

Theo Điều 359 Luật Gia Long, nếu không bắt được tội nhân thì người đi bắt bị xử roi, quan phụ trách bị phạt lương. Nếu quan địa phương không có khả năng tra xét, bắt giam, làm tròn trách nhiệm với dân thì chiếu lệ nghiêm xử.

Quan sai dịch vâng công lệnh đi bắt tội nhân mà nhận hối lộ hoặc bắn tin cho tội nhân chạy thoát thì đều bị xử tăng nặng.

Về thủ tục về giam giữ: Luật quy định đàn ông, con trai phạm tội đồ trở lên, phụ nữ phạm gian và tội chết đều phải bắt giam trong ngục. Nếu tù đáng bắt giam, xiềng khóa mà quan thực hiện không đúng thì tùy theo nặng nhẹ mà xử.

Bắt giam xiềng khóa sai lầm là sái luật, không kể nặng nhẹ đều bị xử 60 trượng. Nếu vì tư thù mà quan lại bắt giam thường dân không có tội thì bị phạt 80 trượng. Nhân đó mà họ bỏ mạng trong ngục thì bị xử treo cổ giam chờ. Trong khi giam tù có bệnh nặng thì phải thuốc thang trị bệnh cho họ. Quan vi phạm về chế độ cơm áo của tù nhân, cho tù phạm mũi nhọn để tự giải thoát thì đều bị xử trượng.

Luật cũng quy định một số đối tượng không được bắt giam là phụ nữ phạm tội từ hình phạt lưu trở xuống; quan phạm tội công từ hình phạt lưu trở xuống; người già, trẻ em, người tàn tật đều không bị bắt giam. Theo Điều 360, 366 Luật Gia Long không định rõ về thời hạn giam giữ.

Theo quy định tại Bộ luật Tố tụng năm 2015, để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội hoặc để bảo đảm thi hành án, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi thẩm quyền của mình có thể áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh.

Các trường hợp bắt người gồm bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang, bắt người đang bị truy nã, bắt bị can, bị cáo để tạm giam, bắt người bị yêu cầu dẫn độ.

Điều 113 Bộ luật quy định rõ những người sau đây có quyền ra lệnh, quyết định bắt bị can, bị cáo để tạm giam:

- Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. Trường hợp này, lệnh bắt phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành;

- Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp;

- Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân và Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự các cấp; Hội đồng xét xử.

Lệnh bắt, quyết định phê chuẩn lệnh, quyết định bắt phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của người bị bắt; lý do bắt và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của Bộ luật này.

Người thi hành lệnh, quyết định phải đọc lệnh, quyết định; giải thích lệnh, quyết định, quyền và nghĩa vụ của người bị bắt và phải lập biên bản về việc bắt; giao lệnh, quyết định cho người bị bắt.

Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó cư trú phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người khác chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó làm việc, học tập phải có đại diện cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi khác phải có sự chứng kiến của đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi tiến hành bắt người.

Không được bắt người vào ban đêm, trừ trường hợp phạm tội quả tang hoặc bắt người đang bị truy nã.

CẨM NGỌC

Khởi tố, bắt khẩn cấp nguyên Trưởng phòng Tiếp công dân tỉnh vì tấn công nữ Thư ký tòa

Lê Minh Hoàng