Cụ thể tại Điều 17 Thông tư 26/2024/TT-BTNMT quy định rõ về chỉnh lý thửa đất và các yếu tố khác liên quan đến nội dung bản đồ địa chính.
Theo đó, thửa đất có thay đổi về kích thước, diện tích vượt quá sai số và giới hạn sai quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 8 Thông tư này thì đơn vị thực hiện chỉnh lý kiểm tra, đối chiếu thửa đất đã có trên bản đồ địa chính đang quản lý với thửa đất trên các giấy tờ quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định số 101/2024/NĐ-CP, nếu đủ thông tin thửa đất về tọa độ đỉnh thửa hoặc kích thước cạnh hoặc khoảng cách giữa ranh giới thửa đất với các yếu tố địa lý, địa hình, địa vật xung quanh thì thực hiện chỉnh lý bản đồ địa chính theo các thông tin đó; trường hợp không đủ thông tin thì thực hiện xác định và đo đạc ranh giới thửa đất tại thực địa theo quy định tại khoản 2 Điều này để lấy thông tin chỉnh lý.
Xác định và đo đạc ranh giới thửa đất tại thực địa thực hiện như sau:
- Ranh giới thửa đất tại thực địa được xác định theo quy định tại Điều 13 Thông tư này;
- Phương pháp đo đạc thực hiện theo quy định tại Điều 7 Thông tư này và được sử dụng thêm các phương pháp đo đạc đơn giản để thực hiện như: giao hội cạnh, dóng thẳng hàng, đo bằng thước dây, chuyển vẽ từ tài liệu khác và sử dụng các điểm khởi tính gồm: các điểm tọa độ từ lưới khống chế đo vẽ, điểm trạm đo trở lên; các điểm góc thửa đất, góc công trình xây dựng, địa vật cố định khác có trên bản đồ và hiện còn tồn tại ở thực địa, đảm bảo sai số khi đo đạc không vượt quá sai số quy định cho bản đồ địa chính được chỉnh lý;
- Đo đạc ranh giới thửa đất thực hiện theo quy định tại Điều 15 Thông tư này;
- Kết quả đo đạc thửa đất tại thực địa được thể hiện rõ trong Phiếu đo đạc chỉnh lý thửa đất lập theo mẫu quy định tại Phụ lục số 17 kèm theo Thông tư này, có xác nhận của người sử dụng đất, người quản lý đất, trừ trường hợp thửa đất là đối tượng chiếm đất không tạo thành thửa đất và xác nhận của Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai (theo phân cấp quản lý hồ sơ địa chính).
Trường hợp chỉnh lý bản đồ địa chính mà phát sinh thửa đất mới thì số thứ tự thửa đất cũ bị hủy bỏ, số thứ tự thửa đất mới được đánh số tiếp theo số thứ tự thửa đất lớn nhất trong tờ bản đồ.
Trường hợp thu hồi một phần thửa đất theo quy định của pháp luật mà phần thu hồi không tạo thành thửa đất mới và phần diện tích còn lại không bị chia cắt thành nhiều thửa đất khác thì phần diện tích còn lại không bị thu hồi được giữ nguyên số thứ tự thửa đất đã thể hiện trên bản đồ địa chính.
Khi chỉnh lý thửa đất trong trường hợp quy định tại điểm này phải lập bảng các thửa đất chỉnh lý ở vị trí thích hợp trong hoặc ngoài khung bản đồ, trừ trường hợp chỉnh lý bản đồ địa chính trong cơ sở dữ liệu địa chính. Nội dung bảng các thửa đất chỉnh lý thể hiện số thứ tự thửa đất phát sinh thêm, số thứ tự của thửa đất gốc, số thứ tự của thửa đất lân cận và số thứ tự thửa đất bị bỏ đi.
Trường hợp phát sinh tờ bản đồ địa chính theo quy định tại khoản 7 Điều này thì không phải đánh lại số thứ tự thửa đất.
Khi chỉnh lý bản đồ địa chính, ranh giới mới của thửa đất thể hiện bằng màu đỏ; ranh giới cũ được chuyển thành lớp riêng trên bản đồ địa chính dạng số, được gạch bỏ bằng mực đỏ đối với nơi chỉ sử dụng bản đồ địa chính giấy.
Việc chỉnh lý mã loại đất, tên người sử dụng đất, tên tổ chức quản lý đất, mã đối tượng sử dụng đất, mã đối tượng quản lý đất được thực hiện đồng bộ với việc chỉnh lý ranh giới, kích thước cạnh và diện tích thửa đất trên bản đồ địa chính và sổ mục kê đất đai.
Trường hợp thửa đất nằm trên nhiều tờ bản đồ mà có thay đổi về thông tin thửa đất thì chỉnh lý đồng bộ các phần thửa đất ở các tờ bản đồ đó; nhãn thửa chỉnh lý và thể hiện tại tờ bản đồ đã có nhãn thửa đó.
Chỉnh lý các thay đổi của thửa đất trong trường hợp tách thửa đất, hợp thửa đất:
- Xác định số thứ tự thửa đất tạm thời, gồm số thứ tự thửa đất gốc, dấu “-”, số tự nhiên thể hiện phần thửa đất tách ra (ví dụ, thửa số 10 tách làm 2 phần thì số thứ tự thửa đất tạm thời của mỗi phần tách ra là 10-1 và 10-2) và diện tích, loại đất của từng phần thửa đất tách ra để quản lý thửa đất trong quá trình người sử dụng đất thực hiện thủ tục đăng ký;
- Xác định số thứ tự thửa đất chính thức cho các thửa đất sau tách thửa, hợp thửa theo quy định tại khoản 3 Điều này sau khi đã thực hiện thủ tục đăng ký đất đai.
Chỉnh lý các yếu tố khác liên quan đến nội dung bản đồ địa chính khi có thay đổi thực hiện như sau:
- Khi phát sinh tờ bản đồ địa chính mới do chia mảnh, đánh số hiệu mảnh hoặc do văn bản, quyết định của cấp có thẩm quyền có nội dung dẫn đến thay đổi số thứ tự tờ bản đồ địa chính thì số thứ tự của các tờ bản đồ mới tách ra được đánh số tiếp theo số thứ tự tờ bản đồ có số thứ tự lớn nhất trong đơn vị hành chính cấp xã, số thứ tự tờ bản đồ hiện có được giữ nguyên cho tờ bản đồ gốc; trên tờ bản đồ gốc chỉnh lý để thể hiện rõ các thửa đất đã được chuyển ra khỏi tờ bản đồ gốc đó để thể hiện trong tờ bản đồ mới, trên tờ bản đồ mới thể hiện rõ tờ bản đồ đó được tách ra từ tờ bản đồ gốc nào;
- Trường hợp chia tách hoặc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã thì số thứ tự của tờ bản đồ ở xã giữ nguyên mã số đơn vị hành chính được giữ lại, số thứ tự của các tờ bản đồ ở phần đơn vị hành chính còn lại được đánh số tiếp theo số thứ tự tờ bản đồ lớn nhất của xã giữ nguyên mã số đơn vị hành chính theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này theo phạm vi đơn vị hành chính cấp xã sau chia tách hoặc sáp nhập; trường hợp xã giữ nguyên mã số đơn vị hành chính chưa có bản đồ địa chính hoặc có rất ít tờ bản đồ thì việc thay đổi số thứ tự của các tờ bản đồ ưu tiên phương án có ít tờ bản đồ phải thay đổi số thứ tự và ít thửa đất bị tác động do đánh lại số thứ tự tờ bản đồ;
- Các yếu tố trình bày ngoài khung bản đồ; điểm khống chế tọa độ, độ cao; mốc địa giới và đường địa giới đơn vị hành chính các cấp; các đối tượng chiếm đất không tạo thành thửa đất; nhà ở và công trình xây dựng khác; địa vật, công trình có ý nghĩa định hướng cao; mốc giới quy hoạch; chỉ giới hành lang bảo vệ an toàn công trình theo quy định của pháp luật; ghi chú thuyết minh; dáng đất hoặc điểm ghi chú độ cao nếu có thay đổi thì chỉnh lý trên bản đồ địa chính cho phù hợp.
Đối với nhà ở, công trình xây dựng trên đất đã được đăng ký mà đủ thông tin và độ chính xác để thể hiện lên bản đồ địa chính thì chỉnh lý nhà ở, công trình xây dựng trên đất theo kết quả đã đăng ký lên bản đồ địa chính;
- Việc chia mảnh, đánh số hiệu mảnh và số thứ tự tờ bản đồ địa chính cho từng khu vực cụ thể tại địa phương do cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh tổ chức thực hiện.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/01/2025. Thông tư số 25/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về bản đồ địa chính hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.