Chủ tịch Quốc hội đã ký ban hành Nghị quyết số 190/2025/QH15 của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước (có hiệu lực thi hành từ ngày 19/2/2025). Trong đó quy định cụ thể về thực hiện thủ tục hành chính (Điều 5).

Ảnh minh hoạ.
Cụ thể, về thực hiện thủ tục hành chính, Điều 5, Nghị quyết số 190/2025/QH15 quy định: Trường hợp có sự thay đổi về cơ quan, chức danh có thẩm quyền thực hiện thủ tục hành chính sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước thì cơ quan, người có thẩm quyền công bố thủ tục hành chính phải thực hiện ngay việc điều chỉnh và công bố thủ tục hành chính đã được điều chỉnh theo quy định của pháp luật.
Cơ quan, chức danh có thẩm quyền tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện thủ tục hành chính có trách nhiệm:
- Tổ chức thực hiện thủ tục hành chính bảo đảm thông suốt, không bị gián đoạn;
- Không được yêu cầu cá nhân, tổ chức nộp lại hồ sơ đã nộp;
- Không thực hiện lại các bước trong thủ tục hành chính đã thực hiện trước khi sắp xếp.
- Thông báo công khai thông tin theo quy định tại Điều 12 của Nghị quyết này.
Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, Điều 8 quy định: Các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính do sắp xếp tổ chức bộ nhà nước dẫn đến thay đổi tên gọi nhưng không thay đổi về nhiệm vụ, quyền hạn thì được giữ nguyên thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính do sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước dẫn đến thay đổi về nhiệm vụ, quyền hạn thì Chính phủ quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh đó phù hợp với các nguyên tắc của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Trong thời gian Chính phủ chưa có quy định thì thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước do Chánh Thanh tra, Chủ tịch UBND hoặc các chức danh khác đang có thẩm quyền xử phạt tiếp tục thực hiện theo quy định của pháp luật cho đến khi có quy định thay thế.