Ảnh minh họa.
Phát biểu tại thảo luận tổ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc tập trung phát triển cơ sở hạ tầng là một trong 3 đột phá lớn của nền kinh tế, đặc biệt là đường giao thông. Phát triển được hệ thống giao thông thì sẽ tạo huyết mạch cho nền kinh tế quốc gia, khai thác tiềm năng phục vụ cho phát triển đất nước, xuất khẩu. Tuy nhiên, đề nghị Bộ Giao thông vận tải khi xây dựng tuyến đường cần tính quy hoạch dài hơi. Chứ như khi làm đường I, từ năm 2010, thì chỉ đến năm 2020 là đường lại bị kẹt nên phải có tầm nhìn dài hạn, thiết kế rộng rãi, đảm bảo tương lai, chứ quy hoạch xong vài năm sau lại lạc hậu thì không nên.
Bên cạnh đó, phải tập trung khắc phục những khó khăn, tồn tại, vướng mắc, nút thắt để thi công, đưa vào sử dụng nhanh, hiệu quả sẽ lớn. Còn về phía nguồn kinh phí, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội, đảm bảo đủ kinh phí để thực hiện.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh cho biết, quy hoạch đường Vành đai 3 từ năm 2011- cách đây 11 năm. Nếu triển khai ngay khi có quy hoạch thì chắc chắn chi phí giải phóng mặt bằng sẽ giảm chỉ bằng 1/10 so với bây giờ. Quy hoạch năm 2011, đường Vành đai 3 gồm phần đường chính quy mô 6-8 làn xe và đường song hành 2-3 làn xe. Như vậy ngay từ khi quy hoạch dự án đã gồm 2 phần: Đường chính và đường song hành. Tuy nhiên do nhiều lí do nên chưa thể triển khai.
Ngoài ra, ông Vũ Tiến Lộc, Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội cho biết, dự án vành đai 4 giúp đột phá cả về cơ sở hạ tầng cũng như phát triển nguồn nhân lực. Trong bối cảnh kinh tế - xã hội đang phục hồi, đầu tư công bao giờ cũng là phương thức kinh điển và hiệu quả nhất có thể kích hoạt nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn, vừa kích hoạt được đầu tư toàn xã hội, tạo ra được tăng trưởng, việc làm. Hiện nay trong năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam xếp hạng khoảng dưới 70 trên 140 nước trên thế giới, song cơ sở hạ tầng giao thông của chúng ta xếp khoảng hơn 100. Như vậy chất lượng hạ tầng, cơ sở giao thông của chúng ta đang là điểm nghẽn, yếu nhất trong chỉ số môi trường kinh doanh.
Việt Nam nằm trong số 30 nền kinh tế có chất lượng giao thông kém nhất trên thế giới, trước hết là hệ thống đường cao tốc. Nếu so sánh với các nước xung quanh, ít có nước nào có chiều dài đường cao tốc thấp như nước ta. Điểm đáng chú ý điểm nghẽn lớn nhất về giao thông nằm ở chính TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, những trung tâm kinh tế lớn nhất của cả cả nước. Do đó triển khai các dự án vào 2 điểm nghẽn này là rất cần thiết...
PV