/ Pháp luật - Đời sống
/ Quỳ Hợp, Nghệ An: Những vấn đề pháp lý đặt ra trong vụ án "Cố ý gây thương tích"

Quỳ Hợp, Nghệ An: Những vấn đề pháp lý đặt ra trong vụ án "Cố ý gây thương tích"

10/02/2024 16:23 |

(LSVN) - Sau khi biết tin Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa tuyên phạt đối với bị cáo Lò Văn Toại (Sinh năm 1972, trú tại xóm Quèn, xã Liên Hợp, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) 07 năm 06 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích” bà Sầm Thị Việt (77 tuổi, trú xóm Quèn, xã Liên Hợp, huyện Quỳ Hợp) đau lòng, bật khóc. Chỉ sau một cuộc hát karaoke mà dẫn đến mẹ già mất con, vợ mất chồng, những đứa trẻ mất cha. Theo đó, những vấn đề pháp lý của vụ án được đặt ra cần làm rõ?.

Diễn biến vụ việc

Cả bị hại lẫn bị cáo trú cùng xóm, ngày 25/01 (âm lịch Tết Quý Mão) bị cáo Lò Văn Toại em trai của ông Lò Văn Huế (chủ nhà) tổ chức mời cơm thợ làm nhà. Sau khi ăn cơm xong, Lò Văn Toại mở điện thoại ra và hát karaoke cùng với Lô Diễn Phong. Hát được một lúc, thì ông Lữ Văn Sơn và Trương Văn Năng đi uống rượu về, nghe có tiếng hát vui vẻ, nên anh Sơn và Năng đi vào nhà ông Huế chơi và hát cùng.

Trên chiếu hát karaoke lúc này chỉ còn Toại, anh Sơn, và Năng. Khi Năng hát xong một bài thì chuyển mic cầm tay cho Toại hát, khi Toại đang hát thì anh Năng tắt nhạc trên điện thoại của Toại. Anh Năng và Toại cãi nhau, anh Năng nói tiếng dân tộc Thổ nên Toại không biết tiếng và đuổi anh Năng và anh Sơn về. Toại nói: “Anh em bây (các anh – PV) đến nhà người ta làm lung tung, không tôn trọng, bây say rồi, về đi”. Nhưng anh Sơn và anh Năng không chịu về và hai bên có to tiếng với nhau. Toại tắt điện thoại và bỏ vào túi quần, một lúc sau anh Sơn đứng dậy đi qua chỗ Toại đang ngồi, làm đổ cốc bia của Toại để trên chiếu. Thấy cốc bia bị đổ, Toại bức xúc đứng dậy dùng tay phải gạt anh Năng sang một bên rồi cầm cổ áo phía trước của anh Sơn quật về phía trước làm anh Sơn bị ngã dập đầu về phía chân tường cửa chính. Sau đó, anh Sơn khom lưng đứng dậy, Toại dùng tay phải nắm lấy áo phía sau lưng anh Sơn, tay trái nắm lấy áo anh Năng rồi đẩy anh Sơn và Năng từ nhà ra mép đường nhựa. Đẩy đi được khoảng 05m đến 07m thì Toại xô cả 02 ra ngoài đường.

Hình ảnh ông Lữ Văn Sơn có máu chảy ra từ miệng, và vết thương có dấu hiệu bị đánh ở đầu. (Hình ảnh do gia đình cung cấp).

Lúc này, ông Huế anh trai Toại được vợ là bà Phượng gọi ra xem thế nào, khi ông Huế đi ra thì thấy anh Năng và anh Sơn đang đứng ở đường nhựa. Anh Sơn quay lại định đánh Toại, nhưng chưa kịp đánh thì Toại dùng tay gạt ra. anh Sơn vẫn cố quay lại đánh, Toại dùng tay phải đánh vào mặt anh Sơn nhưng anh Sơn không bị ngã. Toại tiếp tục dùng tay trái đấm vào ngực anh Sơn, làm anh Sơn bị ngã ngửa phần đầu đập vào nền đường nhựa. Ông Huế nghĩ anh Năng và anh Sơn đánh Toại, nên ông Huế dùng chân phải đạp trúng bụng anh Năng làm anh Năng ngã xuống mương nước sát đường. Khi anh Năng bò lên  khỏi mương nước thì Toại chạy đến, anh Năng sợ nên xin Toại và ông Huế đừng đánh. Sau đó, ông Huế đi vào nhà ngủ. Toại lấy xe mô tô và ra về.

Đến 21 giờ cùng ngày, anh Sơn được anh trai là Lữ Văn Hoài đưa về nhà. Sáng ngày 16/02/2023 anh Năng ông Hoài lần lượt đến xem tình hình của anh Sơn thì thấy anh Sơn vẫn nằm im, cho rằng anh Sơn say rượu nên để anh Sơn ngủ. Đến trưa cùng ngày ông Hoài đến nhà anh Sơn thì phát hiện em trai đã tử vong.

Những vấn đề pháp lý đặt ra cần làm rõ

Sau phiên tòa cả tuần, bà Việt vẫn không cầm được nước mắt thương xót cho đứa con trai xấu số, nhưng cái cách con trai bà chết tạo cho bà nhiều nghi vấn.

Trong đơn kháng cáo bà nêu rõ: “Tôi là người đại diện hợp pháp của người bị hại (ông Lữ Văn Sơn đã chết) trong vụ án Lò Văn Toại phạm tội “Cố ý gây thương tích” đã được TAND huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An xét xử sơ thẩm ngày 23/01/2024.

Cũng theo đơn kháng cáo bà Việt cho rằng, Lò Văn Toại phạm tội “Giết người” chứ không phải phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

“Với những thương tổn trên cơ thể của con trai tôi (Lữ Văn Sơn) thì không thể có chuyện Toại xô con ngã rồi bị chấn thương ở vùng đầu, vỡ hộp sọ. Với những thương tích ở phần đầu và họp sọ bị vỡ chứng tỏ Lò Văn Toại đã dùng vật cứng đánh vào đầu làm Sơn vỡ họp sọ. Cơ quan giám định kỹ thuật hình sự không xác định được chất màu nâu dính trên chiếc ghế trong nhà Lò Văn Huế có phải là máu người hay không là không khách quan, cần phải có sự vào cuộc của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an để giám định là rõ”, bà Sầm Thị Việt đặt giả thiết.

Bà Sầm Thị Việt gửi những nội dung pháp lý cần làm rõ tới cán bộ TAND huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An.

Mặt khác, bà Việt cũng cho rằng có hành vi đồng phạm của Lò Văn Huế, anh trai của bị cáo Lò Văn Toại. Sự việc xảy ra ở nhà Lò Văn Huế, trong hồ sơ cũng thể hiện Lò Văn Huế tham gia đánh nhau nhưng chỉ mô tả Huế đánh Trương Văn Năng (Năng là bạn đi cùng với Lữ Văn Sơn), nhưng diễn biến lúc đó là anh em Huế và Toại đánh Sơn và Năng. Nhưng nay Sơn đã chết nên cơ quan điều tra loại hành vi Huế đánh Sơn để Huế không phải chịu tội. Huế đã gian dối ngay từ đầu, thể hiện khi Sơn bị đánh bất tỉnh (có thể đã chết) ở nhà Huế thì Huế đến gọi ông Lữ Văn Hoài (anh trai Sơn) nói là Sơn bị ngã xe máy chứ không nói là bị đánh. Điều này thể hiện việc để mặc hậu quả của nạn nhân, không cứu chữa kịp thời, mất nhân tính, nếu Huế nói thật sự việc với ông Hoài thì có thể Sơn đã được cứu sống.

Các Luật sư, và chuyên gia pháp lý nhận định, những vấn đề pháp lý bà Sầm Thị Việt đặt ra cần phải được giải đáp rõ để bà được yên lòng. Cần một phiên tòa phúc thẩm để giải đáp những thắc mắc của người mẹ nạn nhân trong vụ án xảy ra tại huyện miền núi Quỳ Hợp, Nghệ An những ngày đầu Xuân Đinh Mão 2023.

NGUYỄN LÝ

TAND TP. Đà Nẵng hủy GCNQSDĐ, ‘hợp thức hóa’ giấy tờ mua bán viết tay

Nguyễn Hoàng Lâm