/ Hoạt động Luật sư
/ Quy tắc đạo đức ứng xử nghề nghiệp là giá trị nền tảng là vấn đề cốt lõi nhất của nghề Luật sư

Quy tắc đạo đức ứng xử nghề nghiệp là giá trị nền tảng là vấn đề cốt lõi nhất của nghề Luật sư

20/08/2022 12:25 |

(LSVN) - Thực hiện Thông tư số 02/2019/TT-BTP ngày 15/3/2019 của Bộ Tư pháp về bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ Luật sư, sáng ngày 20/08, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức Lớp bồi dưỡng về "Trách nhiệm và đạo đức, ứng xử nghề nghiệp Luật sư”.

Tiến sĩ, Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam trao đổi tại lớp bồi dưỡng.

Tham dự Lớp bồi dưỡng có Tiến sĩ, Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Cơ quan truyền thông Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Luật sư Nguyễn Thế Phong, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch Hội đồng Khen thưởng kỷ luật; Luật sư Nguyễn Văn Trung, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh cùng các Luật sư thành viên Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh. 

Năm 2009, Liên đoàn Luật sư Việt Nam chính thức được thành lập, cho đến thời điểm 01/8/2022, có 16.903 Luật sư thành viên và 63 Đoàn Luật sư. Trong nhiệm kỳ II vừa qua, theo báo cáo chưa đầy đủ của các Đoàn Luật sư với Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đội ngũ Luật sư Việt Nam đã thực hiện cung cấp dịch vụ pháp lý khoảng hơn 81.072 vụ án hình sự. Trong đó có khoảng 37.503 vụ án hình sự theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tổ tụng, 43.569 vụ án hình sự do khách hàng mời, hơn 69.191 vụ việc dân sự, hơn 67.339 vụ án kinh tế, tư vấn kinh doanh thương mại, hơn 4.099 vụ án hành chính. Ngoài ra, các Luật sư còn thực hiện hơn 450.203 vụ tư vấn pháp luật, 22.887 vụ việc đại diện ngoài tố tụng, 22.887 dịch vụ pháp lý khác và hàng trăm nghìn vụ việc trợ giúp pháp lý miễn phí cho nhân dân.

Quang cảnh lớp bồi dưỡng về "Trách nhiệm và đạo đức, ứng xử nghề nghiệp Luật sư”. 

Theo Tiến sĩ, Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam kể từ khi được thành lập, Liên đoàn đã làm tốt công tác tự quản, phát triển đội ngũ Luật sư cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại hiện tượng vi phạm pháp luật, vì phạm đạo đức nghề nghiệp Luật sư của một số Luật sư trong quá trình hành nghề. Các hành vi vi phạm này đã ảnh hưởng đến uy tín của nghề Luật sư.

Đồng thời, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã nêu thực trạng khiếu nại, tố cáo và việc xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, các dạng vi phạm đạo đức nghề nghiệp mà Luật sư vi phạm theo Luật Luật sư và Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư, sau đó đưa ra một số lưu ý khi hành nghề Luật sư để tránh xảy ra vi phạm đạo đức nghề nghiệp. 

Ngoài ra, trao đổi tại Lớp bồi dưỡng, Tiến sĩ, Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh còn nhấn mạnh các Luật sư có trách nhiệm và bình đẳng khi ứng xử trong suốt quá trình hành nghề. Bộ Quy tắc đạo đức ứng xử nghề nghiệp là giá trị nền tảng là vấn đề cốt lõi nhất của nghề Luật sư, còn chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng nghề nghiệp phải được rèn luyện và sẽ phát triển theo thời gian.

THANH NIÊN – HỮU LỘC

Hoàn thiện quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự

Lê Minh Hoàng