Hoàn thiện quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự

17/08/2022 14:44 | 1 năm trước

(LSVN) - Trách nhiệm bồi thường thiệt hại (BTTH) là trách nhiệm dân sự, theo đó bên vi phạm có nghĩa vụ phải bồi thường những tổn thất do hành vi của mình gây ra. Đây là một dạng trách nhiệm pháp lý có tính cưỡng chế của nhà nước, chỉ phát sinh khi có thiệt hại về tinh thần hoặc vật chất. Khác với trách nhiệm BTTH trong vụ án dân sự, trong vụ án hình sự, trách nhiệm BTTH được áp dụng theo thủ tục tố tụng hình sự, trách nhiệm chứng minh, thu thập chứng cứ thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng, chủ thể phải bồi thường là tội phạm và có xem xét mức độ lỗi. Quy định của pháp luật về vấn đề này vẫn còn một số hạn chế bất cập.

Cần có cái nhìn mới về điều khoản bồi thường thiệt hại ước tính

Ảnh minh họa. 

Pháp luật về trách nhiệm BTTH trong vụ án hình sự

Căn cứ phát sinh trách nhiệm BTTH

Trách nhiệm BTTH chỉ phát sinh khi có các căn cứ sau đây:

(i) Có hành vi trái pháp luật xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Theo đó, hành vi là toàn bộ những phản ứng, cách ứng xử biểu hiện ra bên ngoài của một người trong hoàn cảnh cụ thể. Xâm phạm là động đến quyền lợi người khác. Hành vi gây thiệt hại có thể tồn tại dưới dạng hành động hoặc không hành động, đồng thời có thể là hành vi vi phạm pháp luật dân sự, hình sự, hành chính…

(ii) Có thiệt hại thực tế xảy ra: Muốn áp dụng trách nhiệm BTTH, chắc chắn phải xem xét và xác định thiệt hại thực tế. Thiệt hại là bị mất mát hay tổn thất về người, của cải vật chất hoặc tinh thần và thiệt hại tồn tại khách quan trên thực tế.

(iii) Mỗi quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại thực tế: Đây là mỗi quan hệ không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của con người. Hành vi trái pháp luật là nguyên nhân gây ra thiệt hại và thiệt hại là hệ quả của việc thực hiện hành vi trái pháp luật đó. Không thể có thiệt hại nếu không có hành vi gây thiệt hại.

Nguyên tắc bồi thường

Thứ nhất, thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời: Theo pháp luật, các bên có quyền thỏa thuận với nhau về mức bồi thường bằng tiền, hiện vật hay phải làm một công việc nhất định. Thỏa thuận đó, nếu là tự nguyện, không trái pháp luật, đạo đức xã hội thì phải được các bên và cơ quan tiến hành tố tụng tôn trọng. Nếu không thỏa thuận được thì phải giải quyết theo quy định. Bồi thường toàn bộ có nghĩa là phải xác định rõ từng trường hợp thiệt hại xảy ra gồm những gì, trị giá bao nhiêu, mức độ lỗi của bên gây thiệt hại. Bồi thường kịp thời nghĩa là sau khi có thiệt hại, người có trách nhiệm bồi thường phải nhanh chóng tiến hành khắc phục tổn thất, Tòa án phải giải quyết nhanh chóng các yêu cầu, trường hợp cần thiết phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để giải quyết yêu cầu cấp bách.

Thứ hai, người phải bồi thường có thể được giảm mức bồi thường. Nguyên tắc này với nội dung, khi thuộc trường hợp nhất định, người phải bồi thường có thể được xem xét cho giảm mức bồi thường. Khi đó, người được bồi thường sẽ không được bồi thường toàn bộ thiệt hại thực tế. Tuy nhiên, nguyên tắc này không mâu thuẫn với nguyên tắc thứ nhất. Cụ thể, được xem xét giảm mức bồi thường nếu thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của người phải bồi thường do lỗi vô ý. Như vậy, cần có hai điều kiện là người phải bồi thường có lỗi vô ý và thiệt hại xảy ra quá lớn so với khả năng kinh tế của họ.

Thứ ba, mức bồi thường có thể thay đổi khi không còn phù hợp và có yêu cầu của các bên. Khi có sự thay đổi về tình hình kinh tế, cơ chế thị trường, sự biến động giá cả, thay đổi tình trạng thương tật, khả năng lao động… mà mức bồi thường không còn phù hợp thì người phải bồi thường, được bồi thường hoặc người đại diện hợp pháp có quyền yêu cầu thay đổi mức bồi thường.

Thứ tư, nếu bên bị thiệt hại có lỗi thì không được BTTH do lỗi của mình gây ra. Đúng vậy, thiệt hại đến đâu, bồi thường đến đó, nhưng chỉ trong phạm vi lỗi của mình, nếu lỗi do chính người bị thiệt hại gây ra thì họ phải chịu thiệt hại đó. Tuy nhiên, cần xác định mức độ lỗi của các bên để xem xét.

Thứ năm, nếu thiệt hại xảy ra do việc không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế mức thiệt hại cho mình thì bên có quyền và lợi ích sẽ không được bồi thường. Theo đó, pháp luật yêu cầu bên bị thiệt hại, trong khả năng, điều kiện phải có thái độ tích cực và thiện chí trong việc không để thiệt hại xảy ra lớn hơn.

Năng lực bồi thường

Theo Điều 586 Bộ luật Dân sự 2015, năng lực bồi thường bao gồm hai yếu tố là năng lực hành vi dân sự và khả năng kinh tế.

Đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên thì phải tự bồi thường, chịu trách nhiệm do hành vi của mình bằng tài sản của chính họ.

Đối với người chưa đủ 18 tuổi có hai trường hợp. Trường hợp chưa đủ 15 tuổi thì nếu còn cha mẹ thì cha mẹ phải dùng tài sản của mình để bồi thường, nếu tài sản của cha mẹ không đủ mà con có tài sản riêng thì lấy tài sản riêng của con để bồi thường. Trường hợp từ đủ 15 đến chưa đủ 18 tuổi thì phải bồi thường bằng tài sản của mình, nếu không đủ thì cha mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.

Đối với người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi có người giám hộ thì người giám hộ được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường, nếu không có hoặc không đủ thì người giám hộ phải dùng tài sản của mình để bồi thường, trừ trường hợp chứng minh người giám hộ không có lỗi trong việc giám hộ. Chưa hết, nếu người chưa đủ 15 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại trong thời gian trường học, bệnh viện, pháp nhân khác trực tiếp quản lý thì trường học, bệnh viện, pháp nhân đó phải bồi thường, trừ trường hợp chứng minh được không có lỗi trong quản lý (cha, mẹ, người giám hộ phải bồi thường). Thời gian quản lý trực tiếp là thời hạn trong đó các tổ chức theo quy định về nghề nghiệp, có nghĩa vụ giáo dục, chữa bệnh mà họ đã không thực hiện chức năng, do họ quản lý không tốt để cho người không có năng lực hành vi, người dưới 15 tuổi gây thiệt hại cho người khác.

Cách xác định thiệt hại

Thiệt hại là tài sản: Tài sản bị mất, hủy hoại hoặc hư hỏng, lợi ích gắn với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại, các thiệt hại khác như hoa lợi, lợi tức chắc chắn thu được…

Thiệt hại sức khỏe: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và các chức năng bị mất, bị giảm sút, thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút, chi phí của người chăm sóc, tổn thất tinh thần và thiệt hại khác.

Thiệt hại tính mạng: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, cứu chữa trước khi chết, tổn thất tinh thần, tiền cấp dưỡng, thiệt hại khác.

Thiệt hại danh dự, nhân phẩm, uy tín: Chi phí hợp lý để khắc phục thiệt hại 9thu hồi ấn phẩm, thu thập tài liệu, chứng cứ…); thu nhập thực tế bị giảm sút hoặc bị mất, tổn thất tinh thần và thiệt hại khác.

Phương thức bồi thường

Pháp luật không có quy định cụ thể về phương thức, điều này tùy thuộc vào sự thỏa thuận của các bên. Tuy nhiên, nếu các bên không thỏa thuận, thông thường tòa án sẽ quyết định một trong hai phương thức là việc bồi thường có thể thực hiện một lần hoặc định kỳ. Đối với phương thức 1 lần, trách nhiệm BTTH được thực hiện nhanh chóng, triệt để, tránh tình trạng cố ý chây ỳ, trốn tránh trách nhiệm. Nhưng phương thức này có nghĩa người phải bồi thường phải chi trả một khoản lớn nên gặp nhiều khó khăn. Phương thức định kỳ do thời gian dài, chi phí định kỳ nhỏ nên thuận lợi cho người phải bồi thường. Nhưng việc thực hiện và giám sát sẽ gặp nhiều hạn chế. Do đó, thông thường phương thức 1 lần được áp dụng phổ biến hơn.

Bất cập và kiến nghị hoàn thiện pháp luật về trách nhiệm BTTH trong vụ án hình sự

Về mức bồi thường tổn thất tinh thần

Đối với trường hợp sức khỏe bị xâm phạm, mức bồi thường tổn thất tinh thần hiện nay tối đa là 50 tháng lương cơ sở. Tuy nhiên, mức bồi thường này nhìn chung vẫn còn thấp khi đặt trong một số trường hợp cụ thể khi mà thiệt hại về sức khỏe là rất lớn (từ 80% trở lên, không thể tiếp tục công việc, không thể đi lại, không thể thực hiện các công việc đơn giản để phục vụ cuộc sống hàng ngày). Do đó, kiến nghị cần xem xét tăng mức bồi thường tổn thất tinh thần khi sức khỏe bị xâm phạm để có sự phân hóa rõ ràng đối với từng trường hợp theo các mức độ thiệt hại khác nhau.

Tương tự việc bồi thường tổn thất về tinh thần trong vụ án tính mạng bị xâm phạm đã được quy định khả chi tiết (hiện nay tối đa là 100 lần mức lương cơ sở). Tuy nhiên, pháp luật chưa khống chế mức tối thiểu và mức 100 lần nêu trên chỉ áp dụng trong trường hợp một người bị xâm phạm tính mạng. Đặt trong một số trường hợp ví dụ khi bị hại là con trai duy nhất trong dòng họ, là người trẻ tuổi, là lao động chính trong gia đình… thì mức này vẫn tương đối thấp. Bên cạnh đó. rất nhiều trường hợp thiệt hại tính mạng hai người, ba người, hay thậm chí nhiều hơn vẫn chưa có sự cụ thể để xác định. Do đó cần tiếp tục sửa đổi bổ sung theo hướng tăng mức BTTH và quy định chi tiết các các mức bồi thường tổn thất tinh thần cụ thể theo các khung tương ứng.

Về chi phí mai táng

Các khoản chi phí mai táng được hướng dẫn trong Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử bộc lộ nhiều hạn chế. Thực tiễn giải quyết BTTH trong đó có liên quan đến chi phí mai táng bên cạnh những chứng từ, hóa đơn do người đại diện hợp pháp cung cấp thì thường đề nghị địa phương nơi người bị hại sinh sống cung cấp mức trung bình chi phí mai táng là bao nhiêu. Tuy nhiên, hiện nay chưa có hướng dẫn của các cấp về việc lấy mức trung bình của địa phương làm căn cứ xem xét. Do đó, mặc dù thực hiện nhiều nhưng lại thiếu cơ sở pháp lý.

Do đó, cần ban hành hướng dẫn quy định cụ thể về chi phí nào được chấp nhận, chi phí nào không được chấp nhận và mức tiền tối đa đối với các chi phí đó. Ví dụ, chi phí kèn trống, tiền cúng lễ, tùy theo phong tục tập quán mỗi địa phương và hoàn cảnh gia đình mà chi phí không giống nhau. Vì vậy, để thống nhất trong việc áp dụng theo tác giả cần quy định mức tối đa cho các khoản tiền liên quan này.

Về chi phí phục hồi sức khỏe

Theo tinh thần NQ 03/2006/NQ-HĐTP thì chi phí phục hồi sức khỏe còn quy định rất chung chung. Do đó, cần hướng dẫn theo hướng mức tối đa đối với từng khoản, mức tối thiểu và cách tính sao cho phù hợp với tình trạng sức khỏe, từng loại thương tật và thời gian hồi phục. Hướng dẫn chi tiết trường hợp nào thì cần có người chăm sóc, thời gian chăm sóc như thế nào, chi phí cho người chăm sóc căn cứ vào đâu và giới hạn một số chi phí (tàu xe, đi lại…).

Căn cứ xét giảm mức bồi thường

Theo đó, mức bồi thường có thể giảm khi có lỗi vô ý và thiệt hại vượt quá cao so với khả năng tài chính của người phải bồi thường. Nếu như khả năng tài chính của người phải bồi thường là xét tổng hòa các vấn đề tài sản hiện có, khả năng tạo ra thu nhập hiện tại, nghĩa vụ cấp dưỡng hiện tại… Vậy, vượt quá cao là vượt quá bao nhiêu, căn cứ vào đâu để xác định điều kiện này.

Về nghĩa vụ hạn chế thiệt hại của người bị thiệt hại

Theo đó, hiện nay chỉ có quy định chung chung nếu thiệt hại xảy ra do việc không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế mức thiệt hại cho mình thì bên có quyền và lợi ích sẽ không được bồi thường. Tuy nhiên, quy định này chỉ nên áp dụng đối với thiệt hại về tài sản, đối với thiệt hại về tính mạng, sức khỏe thì việc áp dụng là không hợp lý. Đồng thời, thế nào là biện pháp “cần thiết”, “hợp lý” cũng chưa có câu trả lời và chi phí nào là chi phí hợp lý trong việc áp dụng các biện pháp này. Do đó, cần có tiêu chí rõ ràng để xác định thế nào là hợp lý, phục vụ việc giải quyết bồi thường.

VĂN LINH

Tòa án Quân sự Khu vực Hải quân

Một số vấn đề về quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự