Báo chí và dư luận xã hội nóng lên bởi trường hợp bà Trần Huyền Trang, sinh năm 1990, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp, thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc, là con gái của đương kim Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan, được bổ nhiệm giữ chức Phó giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư khi mới 31 tuổi.
Bà Trang bắt đầu sự nghiệp vào năm 2013, bà Trang được xét tuyển vào viên chức Thành đoàn thành phố Vĩnh Yên mà không phải thông qua thi tuyển. Sau đó 01 năm, bà Trang được bổ nhiệm giữ chức Phó bí thư Thành đoàn thành phố Vĩnh Yên. Năm 2016, bà chuyển sang làm chuyên viên Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc. Công tác ở đây 01 năm thì bà Trang được cử đi học ở Singapore học. Năm 2018, trở về nước, bà Trang được bổ nhiệm giữ chức Phó phòng tại Sở Kế hoạch và Đầu tư. Tháng 7/2020, được bổ nhiệm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp, thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư. Tháng 02/2021, bà Trang tiếp tục được bổ nhiệm giữ chức Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc.
Nhìn lại quá trình thăng tiến của bà Trang, cho thấy, với 8 năm vào làm việc tại cơ quan nhà nước, trong đó có 2 năm đi học, bà Trang có 6 năm cống hiến và được bổ nhiệm giữ các chức vụ quan trọng thì quả là một sự “thăng tiến thần tốc”. Thật tủi cho những cán bộ, công chức mẫn cán, dù cả đời phấn đấu, hy sinh, đóng góp cho sự nghiệp phát triển của tỉnh Vĩnh Phúc, chỉ mong có một cái chức nho nhỏ nhưng cũng thật khó.
Trên các trang báo, trang mạng xã hội đã có cả triệu ý kiến bộc lộ rất nhiều bức xúc là liệu không phải con, cháu lãnh đạo thì có giỏi gấp trăm lần đồng chí Huyền Trang thì cũng chỉ làm những việc làng nhàng thôi… Cần phải xem lại quá trình tuyển dụng, bổ nhiệm một cách nghiêm túc, có sai phải nghiêm trị, chứ đừng lấy “đúng quy trình” để mà lấp liếm…
Trước nhưng ý kiến hoài nghi của báo chí và người dân, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã có văn bản trả lời "Việc bổ nhiệm đồng chí Trang thực hiện đúng các quy trình, quy định, đã thực hiện đầy đủ quy trình 5 bước về công tác cán bộ. Đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy phân tích, xem xét một cách thấu đáo, trên cơ sở đề xuất của Ban Tổ chức Tỉnh ủy và bỏ phiếu kín, biểu quyết khách quan”.
Các quy trình nói chung và quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ nói riêng đều do con người đặt ra, dựa trên nguyên tắc dân chủ, công bằng, minh bạch mặc dù có chặt chẽ, đầy đủ đến mấy thì vẫn không khỏi những khiếm khuyết. Để chọn được những người xứng đáng, có phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn phù hợp cho các vị trí lãnh đạo, quản lý, Đảng đã ban hành các nghị quyết, đề ra các chủ trương rất sát hợp về công tác cán bộ. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cụ thể hóa bằng các quy định về quy trình bổ nhiệm công chức, viên chức gồm từ 5 đến 8 bước. Có thể nói, đây là một quy trình tương đối đầy đủ, chặt chẽ, khoa học, là một “quy trình đúng” nhưng việc thực hiện đã không “đúng quy trình” do đó đã nảy sinh rất nhiều tiêu cực trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ trong một thời gian dài.
Điểm lại một vài vụ việc tuy là đúng quy trình, nhưng có thể thấy ngay rất nhiều quy trình đã bị cố ý làm sai.
Vụ thứ nhất: Ông Nguyễn Đức Hoàng, tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị kinh doanh, kinh tế đối ngoại được bố đẻ là Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định nhận vào cơ quan vào tháng 9/2011; là đảng viên dự bị, nhưng ông Hoàng vẫn được cử đi học cao cấp lý luận chính trị và trong thời gian đang đi học được đề bạt bổ nhiệm chức Phó phòng Thống kê tội phạm - Công nghệ thông tin của Viện này; ngày 01/01/2013, chuyển công tác sang Sở Ngoại vụ, qua các chức vụ Phó phòng, rồi Trưởng phòng Hợp tác quốc tế. Năm 2014, khi mới 28 tuổi, ông Hoàng đã được bổ nhiệm chức Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ.
Quá trình kết nạp Đảng của ông Hoàng chắc chỉ có một ở trên đời? Về công tác tại Công ty Cổ phần Chứng khoán Dầu khí chi nhánh TP.Hồ Chí Minh được 15 ngày, ông đã được giúp đỡ phấn đấu vào Đảng. Nghị quyết đề nghị kết nạp đảng viên đối với ông Hoàng thể hiện chi bộ chỉ có 3 đảng viên, trong đó chỉ có 01 đảng viên chính thức và 02 đảng viên dự bị, việc này cho thấy việc kết nạp đảng viên đối với ông Hoàng đã vi phạm nghiêm trọng Điều lệ Đảng.
Vụ việc thứ hai: Ông Lê Phước Hoài Bảo, sinh năm 1985, con trai Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lê Phước Thanh, tốt nghiệp Đại học Kinh tế Đà Nẵng năm 2010. Năm 2012, ông được cử đi học thạc sĩ, chuyên ngành Quản trị tài chính tại Mỹ. Khi về nước, ông Bảo lần lượt được bổ nhiệm Trưởng Phòng Xúc tiến đầu tư thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai; tháng 3/2014 điều động làm Phó chủ tịch UBND huyện Thăng Bình; tháng 4/2015 làm Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu từ. Tháng 9/2015, khi ông tròn 30 tuổi được đề bạt Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam.
Qua 2 vụ việc, đã thấy hàng loạt sai phạm, rất nhiều loại quy trình trong đã bị sử dụng như công cụ phục vụ cho những lợi ích nhóm, mục tiêu cá nhân; trong đó, quy trình kết nạp đảng viên bị vi phạm nghiêm trọng; quy trình xem xét tiêu chuẩn, điều kiện bị coi nhẹ; quy trình đánh giá năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ, mặc dù thấy rõ không phù hợp với lĩnh vực quản lý được phân công, đảm nhận nhưng cũng bị bỏ qua… lợi dụng quy trình để bẻ ghi, nắn dòng đã giết chết những ý tưởng sáng tạo tích cực, để ngăn cản việc đề bạt những người có tài, có đức nhưng không cùng phe cánh, để vô hiệu hóa những cáo giác tiêu cực, tham nhũng.
Trong các vụ việc bổ nhiệm sai quy định liên quan đến người thân, con, cháu các lãnh đạo cái đáng trách nhất ở đây là trách các “sếp” vì tham lam danh vọng mà tìm mọi cách để đẩy người thân, cánh hẩu của mình lên nhanh nhất, nhưng cuối cùng thành ra huỷ hoại tương lai của họ. Cái đáng trách nữa là trách những người con nhu nhược, ỷ lại, ăn sẵn không dám đứng trên đôi chân của mình để làm việc, để lập nghiệp. Đã có không ít những bài học đau xót vì quá ham hố địa vị, quyền lực dẫn đến kết cục là cả cha và con đều phải trả cái giá quá đắt khi bị mất chức, mất quyền, mất danh dự.
Dư luận phần nào an ủi khi các vụ việc nêu trên đã và đang được xem xét lại; với các quy định hiện hành về kỷ đảng, kỷ luật cán bộ, công chức, quy định về phòng, chống tham nhũng thì những người không đủ đức, đủ tài sẽ bị bãi nhiệm, miễn nhiệm, cho thôi chức, cách chức… hoặc là gì gì đó thì cũng là mất chức… là “hạ cánh an toàn” đúng luật nhưng chưa hẳn đã được lòng dân.
Xin nhớ rằng, chẳng có luật nào, cũng chẳng có đạo lý nào nói rằng “quy trình đúng” nhưng thực hiện “không đúng quy trình” thì được miễn trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm đạo đức mỗi khi có thiệt hại xảy ra.
CÙ TẤT DŨNG