/ Phân tích - Nghiên cứu
/ Quy trình kiểm sát việc ghi âm, ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can

Quy trình kiểm sát việc ghi âm, ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can

05/01/2021 18:11 |

(LSO) - Ngày 21/7/2020, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ký Quyết định số 264/QĐ-VKSTCban hành Quy trình tạm thời kiểm sát việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh của cơ quan có thẩm quyền điều tra; trực tiếp ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can, lấy lời khai trong các giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố.

Ảnh minh họa.

Quy trình này được áp dụng đối với viện trưởng, phó viện trưởng, kiểm sát viên của viện kiểm sát các cấp (bao gồm viện kiểm sát nhân dân và viện kiểm sát quân sự); các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi tiến hành các hoạt động hỏi cung bị can, lấy lời khai trong các giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố.

Những trường hợp ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh

Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc trụ sở cơ quan có thẩm quyền điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.

Các trường hợp có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh:

- Hỏi cung bị can tại địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can hoặc của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng theo quy định tại khoản 6 Điều 183 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS);

- Trực tiếp tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều 146 BLTTHS.

- Lấy lời khai của người làm chứng theo quy định tại Điều 187, lấy lời khai người bị hại, đương sự theo quy định tại Điều 188 BLTTHS;

- Đối chất theo quy định tại khoản 4 Điều 189 BLTTHS.

Kiểm sát viên tiến hành kiểm sát trực tiếp việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh nếu xét thấy cần thiết trong các trường hợp nói trên.

Kiểm sát việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh

Kiểm sát viên phải kiểm sát trực tiếp việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can, lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội (người đại diện pháp nhân) trong các trường hợp sau đây:

- Bị can, người đại diện pháp nhân kêu oan;

- Bị can, người đại diện pháp nhân khiếu nại hoạt động điều tra;

- Có căn cứ xác định việc điều tra có vi phạm pháp luật;

- Khi có đề nghị của cơ quan có thẩm quyền điều tra; tài liệu, chứng cứ mâu thuẫn hoặc chưa rõ; lời khai của bị can, người đại diện pháp nhân trước sau không thống nhất, lúc nhận tội, lúc chối tội; có căn cứ để nghi ngờ về tính xác thực trong lời khai của bị can; trường hợp bị can bị khởi tố về tội đặc biệt nghiêm trọng.

Đối với các trường hợp mà kiểm sát viên không trực tiếp kiểm sát việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh thì tiến hành kiểm sát việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh thông qua việc nghiên cứu biên bản hỏi cung bị can, lấy lời khai có ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.

Kiểm sát việc chuẩn bị ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh

Khi nhận được thông báo của điều tra viên, cán bộ điều tra về kế hoạch, thời gian hỏi cung bị can, lấy lời khai có ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh thì kiểm sát viên yêu cầu điều tra viên, cán bộ điều tra thông tin về kế hoạch hỏi cung, lấy lời khai, thời gian, địa điểm; trang thiết bị thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh để thực hiện việc kiểm sát trực tiếp.

Trường hợp ghi âm, ghi hình có âm thanh tại cơ sở giam giữ hoặc trụ sở cơ quan có thẩm quyền điều tra thì kiểm sát viên kiểm sát hoạt động của điều tra viên theo các nội dung sau:

- Quyết định lựa chọn hình thức ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh;

- Thành phần tham gia thực hiện việc ghi âm, ghi hình, đối tượng ghi âm ghi hình;

- Việc bố trí chỗ ngồi của điều tra viên, cán bộ điều tra, kiểm sát viên, người được hỏi cung, lấy lời khai, người bào chữa (nếu có), cán bộ kỹ thuật theo quy định, việc thực hiện các thao tác kỹ thuật thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh;

- Việc chuẩn bị trang thiết bị phương tiện thực hiện, âm thanh, ánh sáng có đủ điều kiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh hay không. Kiểm tra hoạt động của camera, micro và các điều kiện kỹ thuật khác để đảm bảo việc thu nhận tín hiệu đạt hiệu quả tốt nhất.

Trường hợp hỏi cung bị can, lấy lời khai tại địa điểm khác thì kiểm sát chặt chẽ việc điều tra viên, cán bộ điều tra liên hệ với cơ quan, tổ chức hữu quan để bố trí phòng ghi âm và việc chọn vị trí phù hợp để đặt máy ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh cơ động, bảo đảm thu nhận tín hiệu tốt nhất.

Sắp xếp chỗ ngồi của điều tra viên, cán bộ điều tra, kiểm sát viên, bị can, người được ghi lời khai và những người tham gia tố tụng khác như sau: điều tra viên, cán bộ điều tra đối diện với bị can; kiểm sát viên ngồi bên cạnh điều tra viên; người tham gia tố tụng khác ngồi vuông góc với bị can, người được ghi lời khai. Đảm bảo việc bố trí thiết bị, vị trí ngồi của người hỏi cung, bị can và những người khác đúng trình tự quy định pháp luật.

Kiểm sát việc tiến hành ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh

Kiểm sát chặt chẽ điều tra viên, cán bộ điều tra thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh tại cơ sở giam giữ, trụ sở cơ quan có thẩm quyền điều tra theo các bước như sau:

- Việc nhấn nút ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; đọc rõ thời gian bắt đầu buổi hỏi cung, lấy lời khai và ghi thời gian bắt đầu tiến hành hỏi cung, lấy lời khai vào biên bản hỏi cung, biên bản ghi lời khai.

- Thông báo cho bị can, người được lấy lời khai về việc hỏi cung, việc lấy lời khai có ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh và ghi vào biên bản hỏi cung, biên bản lấy lời khai.

- Trường hợp tạm dừng việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh thì điều tra viên, cán bộ điều tra phải đọc rõ và ghi vào biên bản hỏi cung hoặc biên bản ghi lời khai về thời gian tạm dừng, lý do tạm dừng. Khi tiếp tục hỏi cung hoặc lấy lời khai, điều tra viên phải đọc rõ thời gian tiếp tục hỏi cung hoặc lấy lời khai và ghi vào biên bản hỏi cung hoặc biên bản ghi lời khai.

- Trường hợp đang hỏi cung bị can, lấy lời khai mà xảy ra sự cố kỹ thuật không ghi âm hoặc ghi hình được thì dừng ngay buổi hỏi cung, lấy lời khai; phải ghi rõ trong biên bản lý do dừng, có xác nhận của cán bộ chuyên môn.

Khi hỏi cung bị can, lấy lời khai có ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh tại địa điểm khác thì kiểm sát viên kiểm sát điều tra viên, cán bộ điều tra thực hiện các bước như sau: Về trình tự bắt đầu, tạm dừng, kết thúc việc hỏi cung bị can, lấy lời khai có ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh thực hiện như việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh tại cơ sở giam giữ, trụ sở cơ quan có thẩm quyền điều tra. Trường hợp đang hỏi cung, lấy lời khai mà xảy ra sự cố kỹ thuật, điều tra viên, cán bộ điều tra phải báo cho bị can hoặc người được lấy lời khai biết; nếu họ đồng ý tiếp tục làm việc thì vẫn tiến hành hỏi cung, lấy lời khai; nếu họ không đồng ý tiếp tục làm việc thì dừng buổi hỏi cung, lấy lời khai; việc này phải ghi rõ trong biên bản, có xác nhận của cán bộ chuyên môn.

Kiểm sát việc kết thúc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh

Kết thúc buổi hỏi cung, lấy lời khai, kiểm sát viên kiểm sát việc điều tra viên, cán bộ điều tra thông báo là kết thúc buổi làm việc và nhấn nút kết thúc. Tình huống bị can, người được lấy lời khai muốn khai bổ sung hoặc đề nghị sửa chữa biên bản hỏi cung, biên bản ghi lời khai hoặc tự viết bổ sung vào biên bản hỏi cung, biên bản ghi lời khai thì vẫn phải ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.

Trường hợp tiến hành ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh tại cơ sở giam giữ thì ngay sau khi kết thúc buổi hỏi cung, lấy lời khai, kiểm sát viên kiểm sát việc điều tra viên, cán bộ điều tra phối hợp với cán bộ chuyên môn của cơ sở giam giữ sao chép ra thiết bị lưu trữ và lập biên bản giao nhận. Thiết bị đã lưu trữ dữ liệu và biên bản giao nhận phải được đưa vào hồ sơ chính.

Trường hợp ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh tại địa điểm khác thì ngay sau khi kết thúc buổi hỏi cung, ghi lời khai, kiểm sát viên kiểm sát việc điều tra viên, cán bộ điều tra sao chép ngay dữ liệu buổi hỏi cung, lấy lời khai trên máy lưu động ra thiết bị lưu trữ để lưu hồ sơ vụ án.

Kiểm sát việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh thông qua nghiên cứu biên bản hỏi cung bị can, lấy lời khai có ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh

Trường hợp kiểm sát viên không trực tiếp kiểm sát việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh thì tiến hành kiểm sát hoạt động này thông qua việc nghiên cứu biên bản hỏi cung bị can, lấy lời khai người đại diện pháp nhân có ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Khi nghiên cứu các biên bản hỏi cung, ghi lời khai, kiểm sát viên phải kiểm tra việc điều tra viên thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh thể hiện thông qua nội dung các biên bản theo quy định tại Quy trình này. Nếu xét thấy cần thiết thì yêu cầu điều tra viên chuyển giao cho kiểm sát viên dữ liệu lưu trữ để thực hiện việc kiểm sát việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.

Trực tiếp ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can, lấy lời khai

Trước khi tiến hành các hoạt động hỏi cung bị can, lấy lời khai thì kiểm sát viên được phân công thụ lý vụ án, vụ việc phải xây dựng kế hoạch hỏi cung, lấy lời khai có ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh, trình lãnh đạo có thẩm quyền phê duyệt. Nội dung kế hoạch phải đề xuất nêu rõ: địa điểm hỏi cung, lấy lời khai (tại cơ sở giam giữ hoặc tại địa điểm khác); quyết định lựa chọn hình thức ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh (cố định hoặc cơ động).

Nếu vụ án trong giai đoạn điều tra thì kiểm sát viên phải thông báo cho điều tra viên, cán bộ điều tra biết về kế hoạch hỏi cung, lấy lời khai có ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo Điều 183 BLTTHS. Nếu vụ án có người bào chữa thì thông báo cho người bào chữa biết về việc tiến hành hỏi cung bị can, lấy lời khai.

Nếu vụ án trong giai đoạn truy tố thì kiểm sát viên chỉ cần thông báo cho người bào chữa biết về việc tiến hành hỏi cung bị can. Trường hợp người bào chữa tham gia buổi hỏi cung bị can, lấy lời khai thì hỗ trợ tạo điều kiện cho người bào chữa thực hiện quyền bào chữa theo quy định của pháp luật.

Trường hợp ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh thực hiện tại trụ sở cơ quan viện kiểm sát hoặc tại cơ sở giam giữ thì ngay sau khi kết thúc buổi hỏi cung, lấy lời khai, kiểm sát viên phối hợp với cán bộ chuyên môn sao chép ra 02 thiết bị lưu trữ, lập biên bản giao nhận, 01 đưa vào hồ sơ vụ án, 01 đưa vào hồ sơ kiểm sát.

Trường hợp thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh tại địa điểm khác thì ngay sau khi kết thúc buổi hỏi cung, kiểm sát viên phải sao chép ngay dữ liệu buổi hỏi cung, lấy lời khai trên máy lưu động ra 02 thiết bị lưu trữ, lập biên bản giao nhận, 01 đưa vào hồ sơ vụ án, 01 đưa vào hồ sơ kiểm sát.

Dữ liệu hỏi cung bị can, lấy lời khai tại cơ sở giam giữ hoặc hỏi cung trên thiết bị ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh cơ động phải được sao lưu trên hệ thống lưu trữ điện tử của cơ quan viện kiểm sát các cấp.

Thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong các trường hợp khác

Khi lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, đương sự; đối chất; trực tiếp thực hiện việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thì có thể được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo quy định tại các Điều 146, 187, 188 và 189 Bộ luật Tố tụng hình sự. Trình tự, thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; sử dụng, bảo quản, lưu trữ dữ liệu ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh được thực hiện như đối với việc hỏi cung, lấy lời khai theo quy định tại Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP và Quy trình này. Trường hợp đang ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh mà xảy ra sự cố kỹ thuật thì vẫn tiến hành việc hỏi cung, lấy lời khai và ghi rõ lý do vào biên bản.

Trường hợp tiến hành đối chất có sự tham gia của bị can tại cơ sở giam giữ, trụ sở cơ quan có thẩm quyền điều tra và địa điểm khác thì phải ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Trình tự, thủ tục thực hiện theo các quy định của Quy trình này.

MAI HÀ

/nhung-vuong-mac-kho-khan-trong-thuc-tien-xet-xu-doi-voi-bi-cao-la-nguoi-duoi-18-tuoi.html