/ Luật sư - Bạn đọc
/ Quy trình kỷ luật đối với trường hợp đảng viên là Ủy viên Trung ương

Quy trình kỷ luật đối với trường hợp đảng viên là Ủy viên Trung ương

06/06/2022 09:09 |

(LSVN) - Luật sư cho biết, nếu Đảng viên vi phạm đang là Ủy viên Trung ương tùy tính chất, mức độ và nội dung sai phạm thì sẽ bị xử lý theo quy định "Vi phạm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành" (Điều 29) hoặc "Vi phạm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, công vụ" (Điều 30) theo Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Xử lý kỷ luật Đảng viên Vi phạm.

Ảnh minh họa.

Ngày 04/6 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư để xem xét, thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ KH&CN nhiệm kỳ 2016-2021, Ban cán sự đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016-2021.

Cùng đó là xem xét kỷ luật đối với các ông: Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN; Nguyễn Thanh Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế.

Theo đó, Bộ Chính trị đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhận định Ban cán sự đảng Bộ KH&CN nhiệm kỳ 2016-2021 và Ban cán sự đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016-2021 đã có những vi phạm, khuyết điểm gây hậu quả nghiêm trọng.

Về cá nhân, hai ông Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; Vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; Vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định trách nhiệm nêu gương; Gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước; Ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch Covid-19; Gây bức xúc trong xã hội; Ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, Bộ KH&CN, Bộ Y tế.

Vậy, theo quy định về kiểm tra, thi hành kỷ luật của Đảng, đối với trường hợp đảng viên vi phạm là Ủy viên Trung ương thì sẽ bị kỷ luật ra sao và quy trình xử lý kỷ luật theo pháp luật hiện hành được quy định như thế nào?

Luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.

Theo Luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho hay, gần đây cùng với công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, thực hiện chủ trương – đường lối chỉ đạo của Tổng Bí thư đó là “không có vùng cấm” trong xử lý Đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức vi phạm. Nhiều Đảng viên, cán bộ, công chức giữ chức vụ trong Đảng, chính quyền đều bị xử lý nghiêm trước pháp luật nếu vi phạm điều lệ Đảng, vi phạm pháp luật, chính chủ trương – đường lối nhất quán này đã lấy lại hình ảnh, uy tín của Đảng đối với nhân dân.

Luật sư Hà Thị Khuyên nêu rõ, theo Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Xử lý  kỷ luật Đảng viên Vi phạm. Tại khoản 1, Điều 2 nêu rõ: “Tất cả đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng. Đảng viên ở bất cứ cương vị nào, nếu vi phạm kỷ luật của Đảng đều phải được xem xét, xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời”.

Như vậy, đã là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam thì không có tính phân biệt về thứ bậc, chức vụ, vụ trí công tác… Tất cả đảng viên đều bình đẳng trước Đảng, Nhà nước; dù ở cương vị, chức vụ nào nếu vi phạm kỷ luật thì đều bị xử lý nghiêm, công khai, kịp thời. Đấy là nguyên tắc sống còn mà Đảng đã đề ra từ khi thành lập cho đến nay.

Khi xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, phải căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân vi phạm, các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ, thái độ tiếp thu phê bình và sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, vi phạm, hậu quả đã gây ra, mục tiêu, yêu cầu của việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng.

Tại khoản 4, Điều 2 cũng nêu rõ, về hình thức kỷ luật thì đối với đảng viên chính thức gồm: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ; Đối với đảng viên dự bị gồm: Khiển trách, cảnh cáo. Đảng viên vi phạm đến mức khai trừ thì phải khai trừ, không áp dụng hình thức xóa tên; Cấp ủy viên vi phạm đến mức cách chức thì phải cách chức, không cho thôi giữ chức; Đảng viên dự bị vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật thì kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo, không đủ tư cách thì xóa tên trong danh sách đảng viên.

Đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự, không "xử lý nội bộ"; bị tòa án tuyên phạt từ hình phạt cải tạo không giam giữ trở lên thì phải khai trừ; Nếu bị xử phạt bằng hình phạt thấp hơn cải tạo không giam giữ hoặc được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, bị xử phạt hành chính thì tùy nội dung, mức độ, tính chất, tác hại, nguyên nhân vi phạm và các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ mà xem xét, thi hành kỷ luật đảng một cách thích hợp.

Nếu Đảng viên vi phạm đang là Ủy viên Trung ương tùy tính chất, mức độ và nội dung sai phạm thì sẽ bị xử lý theo quy định “Vi phạm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành” (Điều 29) hoặc “Vi phạm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, công vụ” (Điều 30) theo Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Xử lý  kỷ luật Đảng viên Vi phạm.

Ngoài ra, Luật sư cũng cho biết, tại Điều 11, Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng đã quy định:

Ban Bí thư, Bộ Chính trị quyết định các hình thức kỷ luật đảng viên, kể cả đảng viên là cán bộ thuộc diện Ban Bí thư, Bộ Chính trị quản lý; khiển trách, cảnh cáo Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương (kể cả Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị) vi phạm phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, sinh hoạt đảng, thực hiện nhiệm vụ đảng viên. Trường hợp cách chức, khai trừ thì Ban Bí thư, Bộ Chính trị báo cáo Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định.

Ban Chấp hành Trung ương là cấp quyết định kỷ luật cuối cùng; quyết định các hình thức kỷ luật đảng viên, kể cả Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư.

TRẦN QUÝ

Điều tra, xử lý tội phạm tấn công hệ thống ngân hàng

Lê Minh Hoàng