Ảnh minh hoạ.
1. Đặt vấn đề
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS 2015) hiện hành đã cụ thể hóa nội dung quyền bào chữa (QBC) của người chưa thành niên (NCTN) bị buộc tội theo Hiến pháp năm 2013[3]. Theo đó, QBC của NCTN bị buộc tội là khái niệm bao gồm tổng hợp các hành vi tố tụng do bị can, bị cáo là NCTN được pháp luật cho phép tự thực hiện hoặc nhờ một chủ thể khác thực hiện nhằm mục đích phủ nhận một phần hay toàn bộ nội dung buộc tội của cơ quan tiến hành tố tụng (CQTHTT), giảm nhẹ hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự cho NCTN bị buộc tội trong vụ án hình sự [4]. Tuy nhiên, thực tế không phải bất kỳ NCTN bị buộc tội nào cũng có đủ hiểu biết, khả năng sử dụng hiệu quả QBC được pháp luật cho phép để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nhất là khi họ đang giữ vai trò yếu thế trong quan hệ với các CQTHTT.
2. Vai trò của việc quy định quyền bào chữa đối với người chưa thành niên bị buộc tội
Thứ nhất, việc quy định QBC đối với NCTN bị buộc tội là một nguyên tắc hiến định, thể hiện sự tốt đẹp, dân chủ và nhân đạo của pháp luật Việt Nam. QBC của NCTN bị buộc tội được bảo đảm bởi Hiến pháp là đạo luật có giá trị pháp lý cao nhất. Ngay từ bản Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam năm 1946 QBC đã chính thức được ghi nhận cụ thể[5], sau đó các bản Hiến pháp tiếp theo của Việt Nam đều duy trì và phát triển nội dung quan trọng này. Đặc biệt, sự ra đời của Hiến pháp năm 2013 và BLTTHS 2015 đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng cho sự thừa nhận rõ ràng và chặt chẽ về QBC của NCTN bị buộc tội. Có thể thấy, sự ghi nhận và ngày càng hoàn thiện các quy định về QBC của NCTN bị buộc tội tại Việt Nam là một yêu cầu cấp bách, phù hợp với các Điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên và đường lối xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiện nay. Đồng thời, sự ghi nhận và đảm bảo thực thi QBC của NCTN bị buộc tội cũng thể hiện bản chất tốt đẹp, dân chủ và nhân đạo của pháp luật Việt Nam với mục đích giáo dục NCTN phạm tội sửa chữa sai lầm, trở thành công dân có ích cho xã hội.
Thứ hai, việc quy định QBC đối với NCTN bị buộc tội giúp xây dựng phương tiện pháp lý để NCTN bị buộc tội có thể tự bảo vệ quyền lợi cho chính bản thân họ. Các quy định cụ thể hiện nay giúp tạo ra cơ sở pháp lý vững chắc để NCTN bị buộc tội hoặc các chủ thể khác được pháp luật cho phép chủ động sử dụng các quyền hợp pháp được pháp luật cho phép để đấu tranh, bảo vệ quyền lợi cho NCTN bị buộc tội. Hơn thế dưới góc độ khoa học, NCTN là đối tượng chưa có sự phát triển đầy đủ về thể chất, tâm sinh lý, nhận thức và dễ bị tác động tinh thần bởi các yếu tố bên ngoài, do đó, việc quy định sẽ tạo ra chỗ dựa vững chắc về tinh thần để NCTN có thể bảo vệ, chống lại sự cáo buộc của CQTHTT, người tiến hành tố tụng (NTHTT).
Thứ ba, việc quy định QBC của NCTN bị buộc tội giúp đảm bảo giải quyết vụ án một cách toàn diện, khách quan, tránh xảy ra trường hợp oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm. Trong tố tụng hình sự (TTHS), QBC luôn đi cùng với việc buộc tội của cơ quan có thẩm quyền để tạo ra sự bình đẳng, cân bằng giữa các chủ thể, đảm bảo quá trình tố tụng được thực hiện đúng quy định pháp luật, tránh sự quy buộc và một chiều của CQTHTT [6]. Việc tham gia bào chữa và đưa ra quan điểm pháp lý giữa các bên sẽ góp phần giúp CQTHTT xem xét vụ án một cách toàn diện, xác định chính xác sự thật khách quan của vụ án, tránh để xảy ra oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm. Đồng thời, trường hợp có mặt của người bào chữa (NBC) cũng tạo ra cơ chế đối trọng với cán bộ điều tra cũng như giúp họ tránh được những vi phạm pháp luật không cần thiết khi tiến hành hỏi cung[7].
3. Quy định về quyền bào chữa của người chưa thành niên bị buộc tội theo pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam
3.1 Chủ thể có quyền bào chữa
Theo quy định BLTTHS 2015 NCTN bị buộc là người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có QBC theo quy định[8]. So với việc giới hạn đối tượng tại Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (BLTTHS 2003)[9], BLTTHS 2015 đã quy định mở rộng chủ thể có QBC và khẳng định cụ thể về QBC của NCTN bị buộc tội theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013[10]. Trong đó, QBC của NCTN bị buộc tội áp dụng cho cả các đối tượng là người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, người bị bắt theo quyết định truy nã và người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp. Nhóm tác giả đánh giá việc mở rộng bổ sung QBC cho đối tượng người bị bắt, giữ nêu trên là hoàn toàn phù hợp vì họ đang là các chủ thể bị tình nghi thực hiện tội phạm trong vụ án hình sự. Do đó, ở bất cứ giai đoạn nào từ thời điểm NCTN bị cơ quan có thẩm quyền bắt, giữ bao gồm cả trường hợp bị tạm giữ trong trường hợp khẩn cấp thì NCTN đều có QBC để đảm bảo quyền lợi theo quy định.
3.2 Các hình thức thực hiện quyền bào chữa
Hiện nay, NCTN bị buộc tội có hai hình thức thực hiện QBC đó là tự bào chữa và nhờ người khác bào chữa thay[11].
Thứ nhất, bản thân NCTN bị buộc tội có quyền tự bào chữa bằng cách sử dụng sự hiểu biết về pháp luật và các quyền được pháp luật cho phép để chứng minh sự vô tội hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho chính bản thân họ. NCTN bị buộc tội có quyền thực hiện chứng minh bằng cách đưa ra các chứng cứ; đánh giá chứng cứ; đưa ra các yêu cầu; thực hiện tranh luận tại phiên tòa để tự bảo vệ quyền lợi cho chính mình[12]. Đây là một quy định tiến bộ của BLTTHS 2015 vì theo quy định tại BLTTHS 2003 NCTN bị buộc tội phải phụ thuộc hoàn toàn vào người đại diện hợp pháp của họ, không có quyền tự bào chữa. Nhóm tác giả nhận thấy sự thay đổi này là hoàn toàn phù hợp vì NCTN bị buộc tội vẫn có những nhận thức và hiểu biết nhất định để có thể tự bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho mình theo quy định, đồng thời, quy định này cũng thể hiện sự tôn trọng các quyền cơ bản của con người đối với NCTN bị buộc tội của Nhà nước.
Thứ hai, NCTN bị buộc tội có quyền nhờ người khác bào chữa thay theo quy định hiện nay. Pháp luật cho phép người đại diện, người thân thích của NCTN bị buộc tội có quyền tự mình bào chữa cho NCTN bị buộc tội. Đồng thời, chính bản thân NCTN bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ cũng có quyền nhờ luật sư, bào chữa viên nhân dân và trợ giúp viên pháp lý bào chữa cho NCTN bị buộc tội[13]. Theo nhóm tác giả, đây là một quy định phù hợp vì xét về mặt thể chất, kiến thức thì bản thân NCTN là chủ thể chưa phát triển toàn diện, bị hạn chế về hiểu biết phát luật, kỹ năng bào chữa và dễ bị tác động tâm lý kết hợp môi trường đang bị giam giữ nên ngoài quyền tự bào chữa thì họ cần phải có chủ thể có đủ khả năng để thực hiện thay QBC nhằm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Hơn thế, BLTTHS 2015 đã khắc phục điểm hạn chế của BLTTHS 2003 khi cho phép NCTN bị buộc tội được quyền tự lựa chọn NBC. Ngoài ra, BLTTHS 2015 cũng quy định trách nhiệm của CQTHTT, cơ quan quản lý người bị tạm giữ, tạm giam khi tiếp nhận được yêu cầu nhờ NBC từ người bị buộc tội thì phải chuyển yêu cầu hoặc thông báo cho NBC được nhờ biết và có trách nhiệm tạo điều kiện cho NBC liên hệ với người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam để tiến hành bào chữa theo quy định.
3.3 Quy định nhằm bảo đảm quyền bào chữa của người chưa thành niên bị buộc tội
Thứ nhất, pháp luật TTHS Việt Nam hiện nay quy định thời điểm NBC tham gia tố tụng theo hướng có lợi cho NCTN bị buộc tội. Theo BLTTHS 2015, NBC của NCTN bị buộc tội có quyền tham gia tố tụng từ giai đoạn khởi tố bị can; trường hợp bắt, tạm giữ người thì NBC của NCTN bị buộc tội tham gia tố tụng từ thời điểm người bị bắt có mặt tại trụ sở của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc từ khi có quyết định tạm giữ[14]. Theo nhóm tác giả, sự thay đổi của BLTTHS 2015 là phù hợp vì người bị bắt đã được xem là người bị buộc tội và theo nguyên tắc thì người bị buộc tội hoàn toàn có quyền tự bào chữa, nhờ người khác bào chữa cho mình. Vì vậy, quy định trên tạo điều kiện cho NBC được quyền tham gia sớm vào quá trình tố tụng, góp phần bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của NCTN bị buộc tội từ những hoạt động đầu tiên của quá trình tố tụng. Đồng thời, việc pháp luật quy định về trách nhiệm thông báo trong thời hạn 24 giờ kể từ khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, người ra lệnh giữ, lệnh hoặc quyết định bắt, tạm giữ, tạm giam phải thông báo cho người đại diện của NCTN bị buộc tội biết[15] sẽ giúp họ nắm được những thông tin cần thiết và có sự chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để thực hiện QBC cho NCTN bị buộc tội.
Thứ hai, NCTN bị buộc tội được đảm bảo QBC chỉ định. Theo quy định hiện nay, trường hợp người bị buộc tội là NCTN thì CQTHTT, NTHTT phải thông báo cho họ, người đại diện hoặc người thân thích của họ về vấn đề mời NBC để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ khi tham gia tố tụng. Nếu sau khi được thông báo nhưng NCTN bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ vẫn không mời NBC thì CQTHTT, NTHTT phải tiến hành chỉ định NBC theo quy định tại Điều 75 BLTTHS 2015. Pháp luật hiện nay cũng quy định rõ trách nhiệm các CQTHTT trong việc phải yêu cầu hoặc đề nghị các tổ chức Đoàn luật sư, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận cử NBC cho NCTN bị buộc tội. Đặc biệt, BLTTHS 2015 đã mở rộng đối tượng NBC cho NCTN bị buộc tội gồm cả trợ giúp viên pháp lý nhằm tạo cơ sở và điều kiện thuận lợi để đối tượng này tham gia kịp thời để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp NCTN bị buộc tội, tránh bị CQTHTT, NTHTT gây khó khăn trong việc bào chữa.
Thứ ba, việc thay thế quy định cấp giấy chứng nhận NBC bằng quy định thủ tục đăng ký bào chữa và rút ngắn thời hạn cấp giấy đăng ký bào chữa tại BLTTHS 2015 đã tạo điều kiện thuận lợi NBC có thể nhanh chóng tiếp cận vụ án bảo vệ cho NCTN bị buộc tội. Hiện nay, trong mọi trường hợp tham gia tố tụng, NBC cho NCTN bị buộc tội phải đăng ký bào chữa và thời hạn cấp giấy đăng ký bào chữa hiện nay 24 giờ kể từ khi nhận đủ giấy tờ hợp lệ theo quy định[16]. Đồng thời, Điều 78 BLTTHS 2015 cũng quy định cụ thể các loại giấy tờ cần phải xuất trình tương ứng với từng diện NBC trong trường hợp bào chữa thông thường và bào chữa chỉ định để tránh tình trạng phát sinh thêm thủ tục, giấy tờ hoặc gây khó khăn trong thủ tục đăng ký bào chữa.
Thứ tư, pháp luật hiện hành đảm bảo quyền được thay đổi hoặc từ chối NBC của NCTN bị buộc tội. Tại Điều 77 BLTTHS 2015 quy định thì người bị buộc tội là NCTN, người đại diện hoặc người thân thích của người bị buộc tội là NCTN có quyền từ chối hoặc đề nghị thay đổi NBC, kể cả trường hợp chỉ định NBC. Mọi trường hợp thay đổi hoặc từ chối NBC đều phải có sự đồng ý của người bị buộc tội và được lập biên bản đưa vào hồ sơ vụ án, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 76 BLTTHS 2015. Trường hợp người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong giai đoạn điều tra có đề nghị từ chối NBC do người thân thích của họ nhờ thì Điều tra viên phải cùng NBC đó trực tiếp gặp người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam để xác nhận việc từ chối[17]. Trường hợp chỉ định NBC quy định tại khoản 1 Điều 76 của BLTTHS 2015, NCTN bị buộc tội và người đại diện hoặc người thân thích của họ vẫn có quyền yêu cầu thay đổi hoặc từ chối NBC. Trường hợp NCTN bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ thay đổi NBC thì việc chỉ định NBC khác được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 76 BLTTHS 2015. Trường hợp từ chối NBC thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng lập biên bản về việc từ chối NBC của người bị buộc tội hoặc người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội quy định tại điểm b khoản 1 Điều 76 của BLTTHS 2015 và chấm dứt việc chỉ định NBC. Trong trường hợp người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong giai đoạn điều tra có đề nghị từ chối NBC do người thân thích của họ nhờ thì điều tra viên phải cùng NBC đó trực tiếp gặp người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam để xác nhận việc từ chối[18].
Thứ năm, pháp luật đặt ra yêu cầu đảm bảo chặt chẽ các nguyên tắc tiến hành tố tụng đối với NCTN bị buộc tội. BLTTHS 2015 là bộ luật đầu tiên ghi nhận những nguyên tắc tiến hành tố tụng riêng biệt đối với NCTN và một trong số những nguyên tắc đó có nguyên tắc bảo đảm QBC của NCTN. Việc ghi nhận, quy định các nguyên tắc tiến hành tố tụng này thể hiện quan điểm, chính sách nhân đạo của Nhà nước, tạo điều kiện tối đa bảo vệ quyền và lợi ích của NCTN trong hoạt động tố tụng giải quyết vụ án hình sự, vốn là các hoạt động mang tính quyền lực Nhà nước, có tính cưỡng chế và nghiêm khắc[19]. Cụ thể, pháp luật quy định chặt chẽ về yêu cầu phải bảo đảm thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của NCTN; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của NCTN; bảo đảm lợi ích tốt nhất của NCTN; bảo đảm giữ bí mật cá nhân của NCTN; bảo đảm quyền tham gia tố tụng của người đại diện của NCTN, nhà trường, Ðoàn thanh niên, người có kinh nghiệm, hiểu biết về tâm lý, xã hội, tổ chức khác nơi NCTN học tập, lao động và sinh hoạt; tôn trọng quyền được tham gia, trình bày ý kiến của NCTN; bảo đảm quyền bào chữa, quyền được trợ giúp pháp lý của NCTN; bảo đảm các nguyên tắc xử lý của Bộ luật Hình sự đối với NCTN phạm tội; bảo đảm giải quyết nhanh chóng, kịp thời các vụ án liên quan đến NCTN [20].
Thứ sáu, pháp luật hiện nay quy định rõ về trách nhiệm các cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo đảm QBC của NCTN bị buộc tội, bao gồm Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án. Cơ quan điều tra có trách nhiệm tạo điều kiện cho NCTN tự mình bào chữa hoặc nhờ người khác thực hiện QBC. Viện kiểm sát ngoài trách nhiệm đảm bảo QBC, ngăn ngừa, hạn chế và xử lý kịp thời các hành vi gây cản trở hoặc xâm hại đến QBC của người bị buộc tội là NCTN cần phải tạo điều kiện cần thiết và áp dụng các biện pháp luật định để người bị buộc tội là NCTN có thể hưởng những quyền lợi theo quy định. Tòa án là cơ quan xét xử có nghĩa vụ phải bảo đảm QBC của người bị buộc tội là NCTN cũng như trách nhiệm như giải thích cho bị cáo các quyền và nghĩa vụ của họ liên quan đến bào chữa. Việc quy định yêu cầu về trách nhiệm các cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo đảm QBC của NCTN bị buộc tội sẽ giúp cho CQTHTT, NTHTT, người tham gia tố tụng phát huy được năng lực của mình, đảm bảo hoạt động tố tụng được thực hiện một cách khách quan trên cơ sở tôn trọng các quyền cơ bản của NCTN.
Ngoài ra, pháp luật hiện hành cũng có các quy định đảo đảm thực hiện quyền thu thập, đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật của NBC cho NCTN [21] và quyền đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu của NBC cho NCTN [22] để tạo điều kiện thuận lợi cho NBC bảo vệ quyền lợi của NCTN bị buộc tội.
4. Một số bất cập trong quy định pháp luật về quyền bào chữa của người chưa thành niên bị buộc tội trong pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam và khuyến nghị hoàn thiện
Pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam hiện nay tuy đã có những thay đổi tiến bộ về QBC của NCTN bị buộc tội, tuy nhiên vẫn còn tồn tại những bất cập nhất định nhóm tác giả cho rằng cần phải tiếp tục hoàn thiện, bao gồm:
Thứ nhất, quy định về quyền lựa chọn tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa tại khoản 1 Điều 422 BLTTHS 2015 chưa rõ ràng. Hiện nay điều khoản này sử dụng từ “hoặc” giữa hai quyền để cho phép NCTN bị buộc tội có thể tự mình hay nhờ người khác bào chữa đẫn đến việc chưa đảm bảo quyền lợi của NCTN bị buộc tội vì từ “hoặc” trong trường hợp này được hiểu là nếu họ đã lựa chọn tự mình bào chữa thì sẽ không được quyền nhờ người khác bào chữa và ngược lại. Theo nhóm tác giả, quy định này không phù hợp với nguyên tắc bảo đảm QBC của người bị buộc tội tại Điều 16 BLTTHS 2015 khi cho phép NCTN bị buộc tội đồng thời có cả quyền tự bào chữa và quyền nhờ người khác bào chữa, họ có thể thực hiện cả quyền tự bào chữa và quyền nhờ người khác bào chữa hoặc cũng có thể không nhờ người khác bào chữa[23]. Do đó, nhóm tác giả đề xuất quy định tại khoản 1 Điều 422 BLTTHS 2015 cần thay từ "hoặc" bằng từ "và" tại nội dung điều luật để rõ ràng, phù hợp với nguyên tắc bảo đảm QBC của người bị buộc tội cũng như đảm bảo tốt nhất quyển bào chữa của NCTN bị buộc tội.
Thứ hai, quy định về quyền của NBC tại điểm b khoản 1 Điều 73 BLTTHS 2015 chưa thật sự tạo điều kiện cho NBC chủ động thực hiện quyền của mình đối với các hoạt động hỏi cung, lấy lời khai của người bị buộc tội là NCTN. Cụ thể, NBC có quyền có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu được sự đồng ý của người có thẩm quyền tiến hành lấy lời khai, hỏi cung thì NBC sẽ được hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can. Sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm quyền kết thúc thì NBC có thể hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can. Nhóm tác giả nhận định rằng quy định này chưa phù hợp vì việc cho phép được hỏi NCTN bị buộc tội không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người tiến hành lấy lời khai, hỏi cung. Quy định này thực tế dễ phát sinh trường hợp NTHTT lạm quyền, ngăn cản việc thực hiện quyền hỏi cung của NBC, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của NCTN bị buộc tội. Đồng thời, trường hợp nếu bị người có thẩm quyền từ chối thì NBC của NCTN bị buộc tội cũng không có cơ chế khiếu nại đối với hành vi trên. Do đó, tác giả nhận thấy pháp luật cần bổ sung văn bản hướng dẫn cụ thể về các quyền của NBC khi tham gia các hoạt động hỏi cung, lấy lời khai của người bị buộc tội là NCTN tại điểm b khoản 1 Điều 73 và nên quy định theo hướng không phụ thuộc vào sự cho phép của NTHTT thay vì quy định trao quyền quyết định NBC có được quyền hỏi hay không thuộc về NTHTT. Việc quy định rõ ràng sẽ tạo cơ chế thuận lợi để NBC chủ động thực hiện quyền của mình, tránh tình trạng lạm quyền của NTHTT và đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho NCTN bị buộc tội.
Thứ ba, quy định về thời điểm tham gia bào chữa tại Điều 74 BLTTHS 2015 chưa thật sự hợp lý và đảm bảo quyền lợi của NCTN bị buộc tội. Theo đó, trường hợp NCTN phạm các tội xâm phạm an ninh quốc gia thì NBC chỉ được quyền tham gia tố tụng từ giai đoạn kết thúc điều tra vì lý do giữ bí mật điều tra. Quy định này đưa ra nhằm đảm bảo việc giữ bí mật điều tra, bí mật Nhà nước, tuy nhiên, nhóm tác giả cho rằng quy định này không phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự vì tất cả các công dân bao gồm cả NCTN bị buộc tội đều bình đẳng trước pháp luật và đều có quyền bào chữa. Thường các vụ án về tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia có tính chất phức tạp nên việc tham gia của NBC trong giai đoạn đầu của quá trình tố tụng sẽ góp phần đảm bảo việc giải quyết vụ án khách quan, toàn diện. Đồng thời, vấn đề bảo mật thông tin điều tra, giữ bí mật Nhà nước được pháp luật hiện nay quy định là nghĩa vụ của tất cả những NTHTT, người tham gia tố tụng và BLTTHS 2015 cũng quy định rõ về cơ chế xử lý nếu vi phạm[24] nên việc quy định hạn chế thời điểm tham gia tố tụng của NBC đối với trường hợp NCTN phạm các tội xâm phạm an ninh quốc gia là chưa phù hợp. Do đó, Điều 74 BLTTHS 2015 cần sửa đổi theo hướng người bào chữa được quyền tham gia tố tụng từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc từ khi có quyết định tạm giữ không có trường hợp ngoại lệ nào kể cả các tội xâm phạm an ninh quốc gia.
Thứ tư, pháp luật hiện nay chưa quy định cụ thể các trường hợp CQTHTT có quyền từ chối quyền tham gia tố tụng của người đại diện của NCTN để đảm bảo quyền lợi của NCTN bị buộc tội. Thực tế phát sinh nhiều trường hợp sự tham gia của người đại diện của NCTN gây ra những tác động tiêu cực đến tình trạng, tâm lý NCTN buộc tội trong quá trình giải quyết vụ án như cha mẹ xúi giục, ép buộc con cái thực hiện trộm cắp, mại dâm… nhưng CQTHTT không có đủ chứng cứ để xử lý. Hiện nay, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 tuy có các quy định về việc hạn chế quyền của cha mẹ đối với con CTN nếu cha mẹ có sự ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của con cái[25], nhưng đây lại là một vấn đề bị bỏ ngỏ tại BLTTHS 2015, là một điểm thiếu sót của BLTTHS 2015 về thủ tục tố tụng đối với NCTN cần hoàn thiện. Vì vậy, nhóm tác giả đề xuất bổ sung các quy định cho phép từ chối việc tham gia tố tụng của người đại diện của NCTN nếu xét thấy việc tham gia tố tụng của họ mang ý nghĩa tiêu cực, tác động xấu đến ý thức, lời khai, tâm lý của NCTN bị buộc tội tại phiên tòa.
Thứ năm, quy định về quyền tham gia khám nghiệm, thực nghiệm điều tra của NBC trong quá trình giải quyết vụ án hình sự của NCTN bị buộc tội chưa được đảm bảo. Cụ thể, quy định tại khoản 2 Điều 201 BLTTHS 2015 ghi nhận rằng khi khám nghiệm hiện trường phải có người chứng kiến; có thể cho bị can, NBC, bị hại, người làm chứng tham gia và mời người có chuyên môn tham dự việc khám nghiệm. Đối với hoạt động thực nghiệm điều tra, theo quy định tại khoản 3 Điều 204 BLTTHS 2015 thì khi tiến hành hoạt động tố tụng này, Cơ quan điều tra có thể mời người có chuyên môn tham gia, trường hợp cần thiết, người bị tạm giữ, bị can, NBC, bị hại, người làm chứng có thể tham gia. Có thể thấy, khám nghiệm hiện trường và thực nghiệm điều tra là các hoạt động quan trọng trong quá trình điều tra để xác định sự thật khách quan của vụ án nhưng BLTTHS 2015 hiện nay lại sử dụng các cụm từ “có thể”, “có thể cho”, “cần thiết” đã gây ra những hạn chế nhất định cho việc tham gia của NCTN bị buộc tội và NBC của NCTN bị buộc tội, nhất là trong trường hợp bị CQTHTT gây khó khăn. Bên cạnh đó, việc xác định trong trường hợp nào được gọi là “có thể” hoặc “trường hợp cần thiết” hoặc cũng chưa được pháp luật ghi nhận nên còn xảy ra tình trạng lạm quyền, CQTHTT tiến hành các hoạt động này theo ý chí chủ quan không đảm bảo quyền lợi của NCTN bị buộc tội và quá trình điều tra nói chung. Do đó, nhóm tác giả nhận thấy cần thiết phải bổ sung quy định rõ các khái niệm “trường hợp cần thiết” và “có thể” tại Điều 4 BLTTHS 2015 để đảm bảo các thuật ngữ này được hiểu và vận dụng theo một nghĩa thống nhất và đảm bảo cho sự tham gia của NBC trên thực tế.
Thứ sáu, quy định tại khoản 3 Điều 422 BLTTHS 2015 chưa bao quát được hết tất cả các cơ quan có thẩm quyền chỉ định NBC trên thực tế. Theo quy định của BLTTHS 2015, ngoài các CQTHTT, các cơ quan khác như hải quan, kiểm lâm, cảnh sát biển... cũng được tiến hành một số hoạt động điều tra[26]. Tuy nhiên, khoản 3 Điều 422 BLTTHS 2015 lại không quy định cho các cơ quan hải quan, kiểm lâm, cảnh sát biển này có thẩm quyển chỉ định NBC. Theo nhóm tác giả đây là một điểm thiếu sót của pháp luật vì trong một số trường hợp, các cơ quan này sẽ có thẩm quyền điều tra và việc không quy định cho họ thẩm quyền chỉ định NBC sẽ gây ra khó khăn khi giải quyết vụ án cần NBC chỉ định theo quy định và không đảm bảo quyền lợi cho NCTN bị buộc tội. Do đó, nhóm tác giả đề xuất cụm từ “cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án” tại Khoản 3 Điều 422 BLTTHS 2015 nên được thay thế bằng cụm “cơ quan có thẩm quyển tiến hành tố tụng” để đảm bảo bao quát hết các đối tượng có thẩm quyền chỉ định bào chữa trên thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan trong giải quyết vụ án, đồng thời có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của NCTN bị buộc tội, đảm bảo không vi phạm các nguyên tắc TTHS đối với NCTN phạm tội.
Ngoài ra, pháp luật hiện hành chưa có bất kì một văn bản nào quy định về chế tài cho những cá nhân có hành vi cản trở việc thực hiện QBC của người bị buộc tội. Nhiều cá nhân, tổ chức đã lợi dụng sự lỏng lẻo của pháp luật để thực hiện hành vi cản trở QBC của NCTN bị buộc tội, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của họ. Vì vậy, pháp luật cần quy định bổ sung chế tài đối với những trường hợp vi phạm nêu trên để bảo đảm QBC cho NCTN. Hơn thế, việc hoàn thiện về cơ sở vật chất, trình tự thủ tục phiên tòa xét xử người bị buộc tội là NCTN, nâng cao ý thức trách nhiệm của CQTHTT, NTHTT và đặc biệt là ý thức của NCTN, NBC cần được chú trọng để đảm bảo cho công tác thực thi pháp luật về QBC của NCTN phạm tội hiệu quả.
5. Kết luận
Đảm bảo QBC của NCTN bị buộc tội là vấn đề pháp luật quan tâm hàng đầu hiện nay. BLTTHS 2015 đã xây dựng cơ chế để NCTN bị buộc tội có thể chủ động thực hiện QBC theo quy định pháp luật, tuy nhiên, quá trình áp dụng pháp luật về QBC của NCTN bị buộc tội trên thực tế đã phát sinh một số điểm bất cập, hạn chế cần được tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện. Việc hoàn thiện pháp luật về QBC của NCTN bị buộc tội sẽ có tác động to lớn đến việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân, đảm bảo hoạt động điều tra, xét xử khách quan và góp phần thể hiện rõ nét chính sách nhân đạo của Nhà nước Việt Nam hiện nay.
- - - [1] NCS.LS Trường Đại học Kinh Tế - Luật TPHCM, Công ty TNHH Luật Beta, email: email: nttruyen.law@gmail.com. [2] ThS.NCS Trường Đại học Tài chính - Marketing, Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam - Chi Nhánh Biên Hoà, email: ncs201008010@sv.ufm.edu.vn. [3] Khoản 4 Điều 31 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa”. [4] Lâm Hồng Loan Chị và Võ Thị Kiều Trang (2021), Bất cập và giải pháp về quyền bào chữa của người bị buộc tội là người chưa thành niên theo pháp luật Việt Nam hiện hành, Tạp chí Nghiên cứu khoa học và Phát triển kinh tế Trường Đại học Tây Đô, số 13, tr.145-146. [5] Điều thứ 67 Hiến pháp năm 1946 quy định: “Người bị cáo được quyền tự bào chữa lấy hoặc mượn luật sư.” [6] Nguyễn Hữu Thế Trạch (2014), Quyền bào chữa của bị can, bị cáo là người chưa thành niên trong tố tụng hình sự Việt Nam, Luận án tiến sĩ luật học, Trường Đại học Luật TP.HCM, tr.32. [7] Trường Đại học Luật TP.HCM (2012), Giáo trình Luật Tố tụng hình sự Việt Nam, Nxb Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr.181. [8] Khoản 1 Điều 16 BLTTHS 2015. [9] Điều 11 BLTTHS 2003 quy định Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa. [10] Khoản 4 Điều 31 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ Luật sư hoặc người khác bào chữa”. [11] Điều 422 BLTTHS 2015. [12] Võ Thị Kim Oanh và Lê Thị Thùy Dương, Quyền bào chữa trong Hiến pháp năm 2013 và việc triển khai thực hiện, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 02/2014, https://tapchikhplvn.hcmulaw.edu.vn/module/xemchitietbaibao?oid=f1d24145-3f2c-499b-877b-a726ea28a271, truy cập ngày 19/02/2024. [13] Khoản 1 Điều 75 BLTTHS 2015. [14] Điều 74 BLTTHS 2015. [15] Khoản 5, Điều 419 BLTTHS 2015. [16] Điều 78 BLTTHS 2015. [17] Khoản 2 Điều 77 BLTTHS 2015. [18] Khoản 2 Điều 77 BLTTHS 2015. [19] Nguyễn Xuân Hà (2016), Những nội dung mới trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Nguyễn Hòa Bình chủ biên, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tr.352. [20] Điều 414 BLTTHS 2015 quy định các nguyên tắc tiến hành tố tụng đối với người chưa thành niên. [21] Điều 81 BLTTHS 2015 và Điều 15 Thông tư 46/2019/TT-BCA ngày 10 tháng10 năm 2019 của Bộ Công an quy định trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc thực hiện các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 liên quan đến bảo đảm quyền bào chữa của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc theo quyết định truy nã, người bị tạm giữ, bị can; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố (Thông tư số 46/2019/TT-BCA). [22] Điều 82 BLTTHS 2015 và Điều 16 Thông tư số 46/2019/TT-BCA. [23] Ngô Thị Vân Anh (2021), Bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng dưới 18 tuổi theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Tạp chí Giáo dục và Xã hội, số 6, tr.92. [24] Điều 177 BLTTHS 2015 quy định: “Trường hợp cần giữ bí mật điều tra, Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên phải yêu cầu người tham gia tố tụng không được tiết lộ bí mật điều tra. Yêu cầu này được ghi vào biên bản. Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, người tham gia tố tụng tiết lộ bí mật điều tra thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật.” [25] Vũ Thị Quyên, Người chưa thành niên bị buộc tội trong tố tụng hình sự theo pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam, Tạp chí Tòa án nhân dân, https://www.tapchitoaan.vn/nguoi-chua-thanh-nien-bi-buoc-toi-trong-to-tung-hinh-su-theo-phap-luat-quoc-te-va-phap-luat-viet-nam6935.html, truy cập ngày 19/02/2024. [26] Điều 35 BLTTHS 2015. |
TÀI LIỆU THAM KHẢO (1) Trường Đại học Luật TP.HCM (2012), Giáo trình Luật Tố tụng hình sự Việt Nam, Nxb Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr.181. (2) Nguyễn Xuân Hà (2016), Những nội dung mới trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Nguyễn Hòa Bình chủ biên, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tr.352. (3) Nguyễn Hữu Thế Trạch (2014), Quyền bào chữa của bị can, bị cáo là người chưa thành niên trong tố tụng hình sự Việt Nam, Luận án tiến sĩ luật học, Trường Đại học Luật TP.HCM, tr.32. (4) Lâm Hồng Loan Chị và Võ Thị Kiều Trang (2021), Bất cập và giải pháp về quyền bào chữa của người bị buộc tội là người chưa thành niên theo pháp luật Việt Nam hiện hành, Tạp chí Nghiên cứu khoa học và Phát triển kinh tế Trường Đại học Tây Đô, số 13, tr.145-146. (5) Ngô Thị Vân Anh (2021), Bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng dưới 18 tuổi theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Tạp chí Giáo dục và Xã hội, số 6, tr.92. (6) Vũ Thị Quyên, Người chưa thành niên bị buộc tội trong tố tụng hình sự theo pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam, Tạp chí Tòa án nhân dân, https://www.tapchitoaan.vn/nguoi-chua-thanh-nien-bi-buoc-toi-trong-to-tung-hinh-su-theo-phap-luat-quoc-te-va-phap-luat-viet-nam6935.html, truy cập ngày 19/02/2024. (7) Võ Thị Kim Oanh và Lê Thị Thùy Dương, Quyền bào chữa trong Hiến pháp năm 2013 và việc triển khai thực hiện, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 02/2014, https://tapchikhplvn.hcmulaw.edu.vn/module/xemchitietbaibao?oid=f1d24145-3f2c-499b-877b-a726ea28a271, truy cập ngày 19/02/2024. |
NGUYỄN THANH TRUYỀN
NCS.LS Trường Đại học Kinh Tế - Luật TP. HCM
VŨ THỊ CHUNG THỦY
ThS.NCS Trường Đại học Tài chính - Marketing