Quyền của Luật sư

06/04/2023 06:00 | 1 năm trước

(LSVN) - Sứ mệnh của Luật sư là bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, cơ quan, bảo vệ sự độc lập của tư pháp, góp phần bảo vệ công lý, công bằng, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ảnh minh họa.

Để Luật sư thực hiện sứ mệnh nghề nghiệp, Hiến pháp và pháp luật hiện hành trao cho Luật sư các quyền trong hoạt động hành nghề cũng như trong các hoạt động xã hội. Pháp luật quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan để bảo đảm quyền của Luật sư thực thi một cách đầy đủ, phù hợp tinh thần thượng tôn pháp luật; góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Quyền của Luật sư được thể hiện chủ yếu qua hai nhóm quy phạm gồm quy phạm pháp luật và các quy định tự quản của Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Khoản 1 Luật Luật sư quy định quyền cơ bản của Luật sư gồm:

- Quyền được pháp luật bảo đảm quyền hành nghề Luật sư theo quy định của Luật này và quy định của pháp luật có liên quan; 

- Quyền đại diện cho khách hàng theo quy định của pháp luật; 

- Quyền hành nghề Luật sư, lựa chọn hình thức hành nghề Luật sư và hình thức Tổ chức hành nghề Luật sư theo quy định của Luật này; 

- Quyền hành nghề Luật sư trên toàn lãnh thổ Việt Nam; 

- Quyền hành nghề Luật sư ở nước ngoài; 

- Các quyền khác theo quy định của Luật này.

Khi một Luật sư được công nhận theo quy định của pháp luật Việt Nam sẽ trở thành thành viên của Đoàn Luật sư nơi mình ra nhập và là thành viên của Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Khoản 1 Điều 29 Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 856/QĐ-TTg ngày 19/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định Luật sư có các quyền:

- Các quyền trong hoạt động hành nghề Luật sư theo quy định của pháp luật;

- Quyền được Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư hỗ trợ và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp trong hoạt động hành nghề;

- Quyền tự ứng cử, được giới thiệu ứng cử, giới thiệu người ứng cử đại biểu tham dự Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc, Đại hội Luật sư của Đoàn Luật sư, tham gia các Cơ quan của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, của Đoàn Luật sư; được Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư giới thiệu ứng cử vào các cơ quan dân cử, cơ quan của các tổ chức xã hội khác ở Trung ương và địa phương theo quy định của pháp luật, Điều lệ của các tổ chức;

- Quyền tham gia các hoạt động của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư;

- Đề xuất ý kiến về việc củng cố, phát triển tổ chức, hoạt động của Liên đoàn, Đoàn Luật sư;

- Quyền giám sát hoạt động của các cơ quan của Liên đoàn, Đoàn Luật sư;

- Kiến nghị biện pháp khắc phục, kiến nghị xử lý vi phạm;

- Quyền khiếu nại đối với quyết định của các cơ quan của Liên đoàn, Đoàn Luật sư vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình;

- Quyền được Liên đoàn, Đoàn Luật sư bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ;

- Các quyền khác theo quy định của Điều lệ này và Nội quy Đoàn Luật sư.

Khi hành nghề, Luật sư có các quyền của người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự tương ứng với các công việc Luật sư thực hiện cho khách hàng. Các quyền này được quy định cụ thể trong pháp luật hình sự, pháp luật dân sự, hành chính, khiếu nại, tố cáo,…

THIÊN AN

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định thế nào về đất ở tại nông thôn và đất ở tại đô thị