/ Pháp luật bốn phương
/ Quyền lực của Tổng thống theo Hiến pháp Mỹ

Quyền lực của Tổng thống theo Hiến pháp Mỹ

05/01/2021 18:15 |

(LSVN) - Mỹ là cường quốc kinh tế, quân sự, chính trị số một thế giới, Tổng thống Mỹ vì thế cũng được cho là một trong những lãnh đạo quyền lực nhất thế giới. Vậy, Tổng thống Mỹ có những quyền lực gì?

Nhà Trắng, nơi ở và là nơi làm việc chính của Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Ảnh: Internet.

Theo Hiến pháp Mỹ, Tổng thống đảm nhiệm hai chức năng, vừa là người đứng đầu Nhà nước (nguyên thủ quốc gia) vừa là người đứng đầu ngành hành pháp (các cơ quan hành pháp).

Trong vai trò là người đứng đầu Nhà nước, Tổng thống Mỹ đại diện cho nước Mỹ ở cả trong lẫn ngoài nước. Trong vai trò là người đứng đầu ngành hành pháp, Tổng thống Mỹ cũng đồng thời là tổng tư lệnh các lực lượng lục quân, không quân, hải quân và lực lượng dự bị ở một số bang, có quyền điều hành lực lượng quốc phòng của mỗi tiểu bang.

Tổng thống Mỹ còn được coi là nhà lãnh đạo tượng trưng cho chính đảng của mình. Các chương trình, các sáng kiến mà tổng thống đưa ra thường phản ánh quan điểm của đảng mà mình là thành viên. Hơn nữa, Tổng thống còn được hậu thuẫn bởi cả hệ thống trong đảng của mình và thông qua đó là đại bộ phận dân chúng Mỹ.

Với vai trò và tầm ảnh hưởng lớn như vậy, quyền lực của Tổng thống được Hiến pháp Mỹ quy định, thể hiện trên từng lĩnh vực.

Lĩnh vực hành pháp

Nhà nước Mỹ được thiết lập theo mô hình tam quyền phân lập, Quốc hội nắm quyền lập pháp, tổng thống nắm quyền hành pháp còn tòa án nắm quyền tư pháp.

Tổng thống trực tiếp lãnh đạo ngành hành pháp, toàn quyền thực thi những chính sách, luật pháp.

Tổng thống quyết định cơ cấu tổ chức, hoạt động của nền hành chính quốc gia. Lãnh đạo và quản lý chung tất cả các bộ cùng rất nhiều cơ quan, ủy ban liên bang và đội ngũ quan chức dân sự.

Tổng thống cũng là người đề cử, bổ nhiệm, bãi nhiệm những quan chức hành pháp.

Đương nhiên, quyền lực trong lĩnh vực hành pháp tạo nên phần cơ bản nhất của quyền lực tổng thống, giúp Tổng thống thực hiện tốt nhất chức năng của mình.

Lĩnh vực lập pháp

Với tư cách nguyên thủ quốc gia, Tổng thống là người duy nhất thay mặt Nhà nước công bố những đạo luật mà Quốc hội thông qua. Chỉ khi được tổng thống công bố, những đạo luật đó mới được ban hành và mới bắt đầu có hiệu lực.

Tổng thống dù không thuộc ngành lập pháp nhưng vẫn đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình lập pháp. Tổng thống sẽ thông báo thường kỳ cho Quốc hội về tình hình liên bang và đề nghị Quốc hội xem xét những biện pháp mà Tổng thống thấy cần thiết và thích hợp. Điều đó có nghĩa là Tổng thống có quyền cung cấp thông tin và thực hiện những biện pháp để tác động hoặc trợ giúp Quốc hội trong việc lập pháp.

Rất nhiều dự luật tại Quốc hội do tổng thống đề nghị qua các thông điệp gửi cho Quốc hội. Thông điệp của tổng thống đôi khi không chỉ thông báo tình hình trong nước và quốc tế, mà còn nhằm sửa đổi những đạo luật cũ hoặc kiến tạo những đạo luật mới.

Tổng thống cũng là một đảng viên chính thức của đảng cầm quyền do đó có thể dự thảo dự luật rồi trao cho nghị sĩ thuộc đảng mình để trình trước Quốc hội. Trên thực tế cũng có rất nhiều dự luật được xuất phát từ đề xuất của Tổng thống.

Ngoài ra, Tổng thống Mỹ là người có quyền trong việc lập và thực hiện ngân sách liên bang. Các cơ quan hành pháp soạn thảo dự luật ngân sách quốc gia trình Tổng thống xem xét. Sau khi Tổng thống phê chuẩn, dự luật ngân sách được chuyển cho Quốc hội thông qua.

Tổng thống cũng có quyền triệu tập kỳ họp Quốc hội bất thường. Trong trường hợp cần thiết, Tổng thống có quyền triệu tập hai Viện hoặc một trong hai Viện để giải quyết những vấn đề liên quan.

Khi có ghế thượng nghị sĩ tạm thời bỏ trống ở Thượng viện vào thời gian giữa hai kỳ họp của Thượng viện thì Tổng thống có quyền bổ sung bằng cách cấp giấy uỷ nhiệm có thời hạn đến cuối kỳ họp sau của Thượng viện. Quyền này giúp tổng thống có thể làm thay đổi tỷ lệ nghị sĩ trong Thượng viện.

Một quyền quan trọng của tổng thống Mỹ trong lĩnh vực lập pháp không thể không nhắc đến là quyền phủ quyết. Tất cả những dự luật do Quốc hội thông qua, trước khi được ban hành trở thành đạo luật phải đệ trình lên tổng thống. Trong vòng 10 ngày không kể Chủ nhật, nếu đồng ý, tổng thống sẽ ký công bố dự luật đó. Nếu không đồng ý, tổng thống sẽ phủ quyết, gửi trả nơi đã soạn thảo ra dự luật đó và yêu cầu Quốc hội xem xét lại. Quốc hội phải bàn bạc, sửa đổi... và chỉ khi không dưới 2/3 nghị sĩ trong mỗi Viện tán thành thì dự luật này mới trở thành đạo luật. Một trường hợp mà tổng thống có thể phủ quyết một cách “kỹ thuật” là trong 10 ngày như ở trên, tổng thống không hành động gì với dự luật thì coi như tổng thống đồng ý, tuy nhiên, cũng trong thời hạn đó, nếu Quốc hội kết thúc khóa họp, thì dự luật lại không thể trở thành đạo luật.

Lĩnh vực tư pháp

Tổng thống Mỹ được quyền đề cử và bổ nhiệm các thẩm phán liên bang, bao gồm và quan trọng nhất là 9 vị thẩm phán Tòa án tối cao. Quyền này phần nào làm giảm tính độc lập của hệ thống tòa án và tạo cho tổng thống có một quyền lực nhất định trong ngành tư pháp.

Tổng thống cũng có quyền ân xá cho bất kỳ ai đã bị kết tội vi phạm luật pháp liên bang, trừ trường hợp còn nghi vấn hoặc phạm tội phản bội tổ quốc.

Ngoài ra, tổng thống có quyền phát lệnh truy nã, bắt giữ trên phạm vi liên bang và quốc tế đối với những tội phạm đặc biệt nguy hiểm cho nước Mỹ và thế giới.

Lĩnh vực an ninh và quốc phòng

Là nguyên thủ quốc gia, tổng thống Mỹ là người thống lĩnh các lực lượng vũ trang, nắm quyền chỉ huy tối cao đối với quân đội, cảnh sát và các lực lượng vũ trang đặc biệt. Có thể điều động, sử dụng các lực lượng này vì mục đích an ninh, quốc phòng của nước Mỹ.

Tổng thống phong hàm cấp, bổ nhiệm và bãi miễn những chức vụ quan trọng trong lực lượng vũ trang. Tổng thống có thể cho thành lập những cơ quan và lực lượng vũ trang đặc biệt.

Đặc biệt, tổng thống có “thẩm quyền chiến tranh”, tức là quyền hợp pháp được phát động chiến tranh. Tổng thống có quyền ban bố tình trạng chiến tranh, đã được Quốc hội thông qua, với nước khác, quyền phái quân đội đến can thiệp vào những xung đột trên thế giới, quyền cho sử dụng các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt...

Mặc dù theo quy định, khi sử dụng thẩm quyền chiến tranh, tổng thống phải tham khảo ý kiến và được sự nhất trí của Quốc hội nhưng điều này thường mang tính hình thức. Thẩm quyền chiến tranh của tổng thống được cho là rất lớn do phải bảo đảm tính bất ngờ, hiệu quả trong những cuộc chiến mà nước Mỹ tham gia và giữ vững được thế mạnh quân sự của Mỹ trên thế giới.

Hình ảnh và nghi lễ quốc gia

Đây là quyền lực “mềm” nhưng thực ra vô cùng quan trọng của tổng thống Mỹ. Tổng thống được coi là biểu tượng của quốc gia, là người định hướng, tiên phong trong việc khẳng định và tôn vinh những giá trị và bản sắc quốc gia. Tổng thống có quyền ban thưởng huân, huy chương, tặng phẩm quốc gia... cho những cá nhân, tổ chức có cống hiến xuất sắc và chủ trì các nghi lễ trọng đại của quốc gia.

Lĩnh vực đối ngoại

Tổng thống Mỹ có quyền hạn rộng lớn trong lĩnh vực đối ngoại do vai trò quốc tế đặc biệt của nước Mỹ. Lĩnh vực đối ngoại là độc quyền của tổng thống, vừa là người hoạch định vừa là người thực thi chính sách đối ngoại.

Tổng thống bổ nhiệm, triệu hội đại sứ và các đại diện ngoại giao của Mỹ, tiếp nhận đại sứ nước ngoài và dẫn đầu những cuộc thăm mang tính quốc gia và ở mức cao nhất đến các nước.

Tổng thống Mỹ được quyền công nhận chính phủ nước ngoài và cho phép hay ngăn cản đặt quan hệ ngoại giao với họ, ấn định các mức độ quan hệ của Mỹ với mọi quốc gia trên thế giới.

Tổng thống thay mặt Nhà nước tham dự hội nghị quốc tế, đàm phán và ký kết các loại điều ước quốc tế liên quan.

Các đặc quyền

Quyền lực của tổng thống Mỹ còn được thể hiện ở các đặc quyền. Tổng thống Mỹ có quyền ra lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, ban bố tình trạng khẩn cấp, tình trạng chiến tranh, tình trạng thiết quân luật...

Tổng thống Mỹ cũng có đặc quyền bảo mật thông tin dành riêng cho tổng thống cùng bộ máy hành pháp giúp việc và quyền này được bảo vệ, không hề bị kiểm soát bởi hệ thống cơ quan lập pháp, tư pháp hay bởi bất cứ tổ chức, cá nhân nào. Tuy nhiên, quyền đặc biệt này phần nào bị giới hạn khi Tòa án tối cao đã ra một số quy định giới hạn đặc quyền hành pháp năm 1974, thời điểm Tổng thống Nixon tìm cách sử dụng đặc quyền này để duy trì quyền miễn trừ xét xử mình do liên quan đến vụ Watergate.

LÊ HÙNG

/hau-bau-cu-my-cuoc-chien-kien-tung-chua-co-hoi-ket.html