Sáng ngày 22/12, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về “Việc thực hiện yêu cầu của Luật Cư trú về hạn chế xuất trình giầy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú và sử dụng thông tin về nơi cư trú là điều kiện để thực hiện thủ tục đất đai về hành chính, trọng tâm trong lĩnh vực hộ tịch, đất đai”.
Ảnh minh họa.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Luật Cư trú năm 2020 đã được Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ 10 thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, đến ngày 01/01/2023, theo quy định của Luật Cư trú thì sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp sẽ không còn giá trị.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 38 của Luật Cư trú, Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan khác có liên quan có trách nhiệm “rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành có nội dung quy định liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc có yêu cầu xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của Luật này, hạn chế việc sử dụng thông tin về nơi cư trú là điều kiện để thực hiện các thủ tục hành chính”.
Theo đó, để triển khai có hiệu quả các quy định của Luật Cư trú năm 2020, nhất là nội dung liên quan đến việc thực hiện yêu cầu của Luật Cư trú về hạn chế xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú và sử dụng thông tin về nơi cư trú là điều kiện để thực hiện thủ tục hành chính, Bộ Công an đã triển khai đồng bộ các nội dung. Cụ thể, Bộ Công an đã tổ chức thu thập, cập nhật hơn 100 triệu dữ liệu dân cư (dữ liệu đã được “làm sạch” hơn 96%); thực hiện cấp hơn 70,2 triệu thẻ căn cước công dân có gắn chip. Chính thức đưa vào vận hành khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ ngày 01/7/2021 và đã sẵn sàng kết nối, chia sẻ thông tin với các Cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành để phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến thông tin công dân.
Bộ Công an đã tham mưu với Chính phủ giao các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan khác có liên quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành có nội dung quy định liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc có yêu cầu xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú để sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành mới cho phù hợp với quy định của Luật Cư trú năm 2020, hạn chế việc sử dụng thông tin về nơi cư trú là điều kiện để thực hiện các thủ tục hành chính.
Bộ cũng đã ban hành Thông tư số 55/2021/TT-BCA ngày 15/5/2021 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú; trong đó, quy định, hướng dẫn cụ thể các trường hợp phải thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp bảo đảm phù hợp, thống nhất với quy định tại Điều 37 Luật Cư trú.
Theo Bộ Công an, để thực hiện hiệu quả, thống nhất yêu cầu của Luật Cư trú về hạn chế xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú và sử dụng thông tin về nơi cư trú là điều kiện để thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự thì điều kiện “tiên quyết” phải hoàn thành 02 nhiệm vụ trọng tâm:
Một là, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung quy định liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc có yêu cầu xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới cho phù hợp với quy định của Luật Cư trú năm 2020, hạn chế việc sử dụng thông tin về nơi cư trú là điều kiện để thực hiện các thủ tục hành chính.
Hai là, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hạ tầng về hệ thống đảm bảo an ninh, an toàn về thông tin để phối hợp với Bộ Công an triển khai thực hiện các giải pháp kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để ứng dụng giải quyết các thủ tục hành chính.
DUY ANH
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn với nhiều điểm mới