Mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã ký Quyết định số 1452/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Theo đó, mục tiêu của việc ban hành Kế hoạch nhằm xác định cụ thể các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm cũng như cơ chế phối hợp của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các cấp và cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức triển khai thi hành các Luật bảo đảm kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả.
Đồng thời, xác định cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các bộ, cơ quan ngang bộ với TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc triển khai thi hành các Luật trên phạm vi cả nước.
Nội dung của Kế hoạch gồm: Rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật; rà soát các vụ án hình sự và đối tượng thuộc các trường hợp quy định tại điểm b khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 4 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự để thực hiện việc chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân; xây dựng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; tổ chức tuyên truyền, phổ biến các Luật và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
Cụ thể, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tổ chức rà soát văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến các Luật, thống kê những văn bản cần sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ để phù hợp với các Luật gửi Bộ Công an để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chỉ đạo, hướng dẫn các trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân phối hợp với Tòa án có thẩm quyền rà soát các đối tượng người bị kết án thuộc diện được chuyển từ hình phạt tử hình thành tù chung thân quy định tại điểm b khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 4 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự mà cơ quan, đơn vị mình đang quản lý để lập hồ sơ trình Chánh án TAND Tối cao chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân.
Các bộ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, phối hợp tổ chức rà soát các văn bản có liên quan để kịp thời hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới hoặc đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với quy định của Luật này.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự như: Thông tư liên tịch quy định chi tiết khoản 2 Điều 132, khoản 1 Điều 137 và khoản 3 Điều 142 Bộ luật Tố tụng hình sự; Thông tư liên tịch quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt; Thông tư liên tịch quy định về phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự, quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự...
Trước đó, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự. Điểm sửa đổi đáng chú ý trong luật vừa được Quốc hội thông qua là bỏ hình phạt tử hình với 08 tội danh, thay bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án.
Cụ thể, 08 tội danh sẽ được bỏ án tử hình gồm: tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân"; tội "Phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của Nhà nước"; tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh"; tội "Phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược"; tội "Gián điệp"; tội "Vận chuyển trái phép chất ma túy"; tội "Tham ô tài sản"; tội "Nhận hối lộ".
Luật cũng đã quy định rõ điều khoản chuyển tiếp. Theo đó, hình phạt tử hình đã tuyên trước ngày 01/7 với người phạm 08 tội trên mà chưa thi hành án thì không thi hành, Chánh án TAND Tối cao sẽ quyết định chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân.