Ảnh minh họa.
Thực hiện Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Công thương đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược cụ thể.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công thương yêu cầu triển khai rà soát, sửa đổi Luật Thương mại năm 2005 theo Quyết định 1163/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, rà soát, sửa đổi Luật Thương mại 2005 theo hướng tạo thêm nhiều thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, bổ sung quy định về hạ tầng thương mại để làm căn cứ pháp lý cho việc triển khai các chính sách có liên quan, tương thích với các Luật liên quan khác, phù hợp với bối cảnh tình hình mới trong nước và hội nhập quốc tế, hoàn thành trước năm 2025.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Công thương còn yêu cầu triển khai các nhiệm vụ/đề án/chương trình sau:
- Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung xúc tiến thương mại thị trường trong nước và xúc tiến thương mại miền núi, biên giới và hải đảo tại Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia ban hành theo Quyết định 72/2010/QĐ-TTg ngày 15/11/2010;
- Nghiên cứu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thay thế cho Nghị định 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 và Nghị định 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009 về phát triển và quản lý chợ;
- Chương trình phát triển chợ đến năm 2030;
- Đề án xây dựng hệ thống dữ liệu một số mặt hàng thiết yếu để phục vụ công tác điều hành thị trường trong nước;
- Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối tại Việt Nam ứng dụng công nghệ mới nâng cao năng lực cạnh tranh và năng lực phân phối hàng hóa thông qua các kênh phân phối hiện đại trong và ngoài nước;
- Đề án tăng cường hiệu quả áp dụng và thực thi pháp luật cạnh tranh trong lĩnh vực thương mại;
- Chương trình nâng cao năng lực về thực thi các cam kết, quy định phát triển bền vững, quy định về thương mại và đầu tư đối với sản phẩm dịch vụ, công nghệ sử dụng tiết kiệm năng lượng, các bon thấp trong các Hiệp định thương mại thế hệ mới EVFTA và CPTPP;
- Chương trình hỗ trợ áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững trong lĩnh vực thương mại và tiêu dùng.
Kế hoạch hành động nhằm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp xác định trong Chiến lược liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của ngành Công thương để đạt được mục tiêu và theo đúng quan điểm, định hướng đã đề ra tại Chiến lược.
Kế hoạch hành động là căn cứ cho các vụ, cục, tổng cục, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Công thương xây dựng hoặc điều chỉnh các chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động theo chức năng, nhiệm vụ để chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cụ thể của đơn vị mình theo quy định tại Chiến lược.
Kế hoạch hành động là căn cứ để tổ chức kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, đánh giá và rút kinh nghiệm việc tổ chức thực hiện Chiến lược; đồng thời là căn cứ để phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh mục tiêu, nội dung của Chiến lược trong trường hợp cần thiết.
Hàng năm các đơn vị được giao chủ trì các nhiệm vụ chủ động đăng ký kinh phí thực hiện Chiến lược theo quy định hiện hành.
Nguồn kinh phí: Kinh phí chi thường xuyên cấp chi sự nghiệp kinh tế và các nguồn kinh phí khác (nếu có).
MAI HUỆ