/ Kinh nghiệm - Thực tiễn
/ Rắc rối pháp lý từ một vụ… ngoại tình

Rắc rối pháp lý từ một vụ… ngoại tình

05/01/2021 18:02 |

Cho đến khi đã hoàn tất thủ tục ly hôn với vợ, người đàn ông mới biết đứa con chung lâu nay giữa hai người lại không phải là con ruột của mình. Hàng loạt rắc rối pháp lý phát sinh ngay sau đó…

Ông N.Tr. (41 tuổi) và bà T.H. (ngụ huyện Đông Anh, TP Hà Nội) là vợ chồng hợp pháp từ năm 2006. Cả hai có ba người con chung, trong đó có cháu B. (sinh năm 2014) là con trai út. 

Năm 2015, do hôn nhân không hạnh phúc nên bà H. đã gửi đơn xin ly hôn đến tòa. Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và công nhận thỏa thuận giữa các đương sự của TAND huyện Đông Anh đã phán quyết cho vợ chồng ông Tr. ly hôn. Về con chung, ông Tr. nuôi con trai đầu, bà H. nuôi hai con còn lại, trong đó có cháu B..

Tưởng con mình, hóa ra con người

Năm 2017, ông Tr. tá hỏa khi ông Ph.Đ.T. - người quen của gia đình - gửi đơn đến TAND huyện Đông Anh yêu cầu tòa xác định cháu B. là con trai của ông. Theo ông T., trong thời gian từ cuối năm 2013, giữa ông và bà H. nảy sinh tình cảm nam nữ. Hai người có quan hệ sinh lý với nhau. Khi sinh cháu B., bà H. không nói cho ông T. biết đây là con của ông.

Sau khi ly hôn chồng, bà H. về chung sống với ông T.. Lúc này bà mới nói cho ông biết cháu B. là con của ông. Muốn chắc chắn mọi chuyện, ông T. đã xét nghiệm ADN. Kết quả cho thấy cháu B. đúng là con ruột của ông. Vì vậy, ông khởi kiện ông Tr. ra tòa yêu cầu tòa án xác định cháu B. là con ông.

Tháng 6/2017, TAND huyện Đông Anh thụ lý vụ án. Đau đớn vì bị phản bội, ông Tr. gửi đơn đến tòa không đồng ý với đơn khởi kiện của nguyên đơn. Tòa án tiếp tục trưng cầu giám định ADN. Kết quả vẫn xác định cháu B. là con ông T. và bà H.. Lúc này, TAND huyện Đông Anh phát hiện một vấn đề vướng mắc pháp lý. 

Đó là phán quyết ly hôn của vợ chồng bà H. đang có hiệu lực pháp luật có nội dung: Cháu B. là con chung của bà H. và ông Tr.. Vì vậy, tòa án không thể giải quyết vụ án công nhận cháu B. là con của bà H. và ông T., nên hướng dẫn ông T. rút đơn kiện chờ phán quyết mới về phần con chung của bà H. và ông Tr..

Ngay sau đó, ông T. có đơn gửi TAND cấp cao tại Hà Nội đề nghị xem xét lại bản án ly hôn của TAND huyện Đông Anh. Tuy nhiên, quá trình TAND cấp cao tại Hà Nội đang xem xét bản án thì bà H. qua đời do bệnh.

Nhận thấy kết quả xét nghiệm ADN cùng đơn khởi kiện của ông T. là tình tiết mới, chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội đã ban hành quyết định kháng nghị tái thẩm đề nghị hủy một phần quyết định ly hôn của TAND huyện Đông Anh giữa bà H. và ông Tr.. Sau đó, Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao tại Hà Nội đã chấp nhận quyết định tái thẩm, giao hồ sơ vụ án cho TAND huyện Đông Anh xét xử lại phần con chung giữa hai người.

Năm 2018, khi TAND huyện Đông Anh thụ lý lại vụ án ly hôn thì bà H. đã qua đời, còn ông Tr. không chịu đến tòa. Vì vậy, tòa án phải đình chỉ giải quyết vụ án ly hôn. Trong khi đó, ông T. tiếp tục nộp đơn khởi kiện lần hai đến TAND huyện Đông Anh đề nghị xác định cháu B. là con của ông và bà H..

Vụ việc chưa từng có tiền lệ

Theo ông T., việc công nhận cháu B. là con ông sẽ đảm bảo được quyền lợi của cháu và là cơ sở pháp lý để ông đổi họ tên cho cháu B. sang họ của ông.

Trước đó, khi lần đầu ông T. nộp đơn kiện "đòi con", ông Tr. đã đề nghị tòa bác đơn. Theo ông Tr., khi đủ 18 tuổi, cháu B. có nguyện vọng nhận ông T. là cha thì ông mới chấp nhận. Ông Tr. còn lý giải theo các nhà di truyền học thì kết quả giám định ADN của 10.000 cặp sẽ có 1 cặp không trùng huyết thống mà lại trùng gen, nên cháu B. vẫn là con trai ông.

Lần thứ hai khi ông T. nộp đơn khởi kiện, ông Tr. phản đối bằng cách không chấp hành các thông báo và quyết định tố tụng của tòa án, từ chối khai báo và vắng mặt trong suốt các phiên tòa. Vì vậy, phiên tòa được xét xử vắng mặt ông Tr..

Do bà H. đã qua đời nên mẹ bà được tòa xác định là người đại diện theo pháp luật của cháu B., được triệu tập tham gia tố tụng. Theo người mẹ này, sau khi ly hôn thì bà H. đưa con về nhà sống với bà. Bà có nghe con gái mình kể chuyện cháu B. không phải là con của chồng cũ, mà là con của ông T.. Vì vậy, bà đồng ý với quan điểm của ông T., đề nghị tòa án công nhận cháu B. là con đẻ của ông T. để giải quyết các thủ tục pháp lý cho cháu.

Theo TAND huyện Đông Anh, kết luận giám định ADN thể hiện ông T. là cha của cháu B. với xác suất 99,9%. Vì vậy, có đủ cơ sở xác định ông T. và cháu B. có quan hệ huyết thống. Còn ông Tr. khẳng định mình là cha ruột của cháu B. nhưng lại không đưa ra được bất cứ chứng cứ nào chứng minh. Mặt khác, ông lại cho rằng chờ đến khi cháu T. đủ 18 tuổi, có nguyện vọng xin ai làm cha thì ông mới đồng ý là không phù hợp với quy định của pháp luật về quyền nhân thân. Vì vậy, TAND huyện Đông Anh đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông T., xác định cháu B. là con của ông và bà H..

Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo phòng hành chính tư pháp TAND cấp cao tại Hà Nội cho biết vụ án nêu trên khá hi hữu và chưa từng gặp trên thực tế. Khi thụ lý vụ việc, tòa án đã phải họp bàn tìm phương án giải quyết vừa thấu tình đạt lý vừa phải đúng pháp luật. Xét vụ án có tình tiết mới, nên tòa đã ban hành quyết định kháng nghị tái thẩm. Quyết định này được xem là mấu chốt để tháo gỡ các vướng mắc pháp lý của vụ án.

Kiện yêu cầu chồng... "bỏ con"

Một vụ án hi hữu khác từng được TAND quận Tân Bình (TP.HCM) đưa ra xét xử. Nguyên đơn là bà C. (quốc tịch Đài Loan) kiện chính chồng mình là ông N.T.H. (38 tuổi), đề nghị xác định đứa con chung của hai người không phải là con ruột của ông H..

Bà C. và ông H. là vợ chồng hợp pháp. Năm 2012, bà sinh một con gái, giấy khai sinh thể hiện bé là con của hai vợ chồng. Tuy nhiên, trong thâm tâm bà biết đứa trẻ không phải là con của ông H.

Trong quá trình làm thủ tục bảo lãnh cho bé đi học ở Đài Loan, cơ quan xét duyệt hồ sơ yêu cầu phải giám định ADN đối với cha và mẹ trẻ. Bà C. rất lo khi có kết quả giám định thì hồ sơ bảo lãnh sẽ bị từ chối, nên bà đã thú nhận và nhiều lần yêu cầu chồng phải đi cải chính hộ tịch cho con. Tuy nhiên, ông H. không đồng ý mà luôn khẳng định đứa trẻ chính là con ruột của ông.

Năm 2018, cả nhà đưa nhau đi xét nghiệm ADN, kết quả cho thấy đứa trẻ không phải con ruột của ông H., nhưng ông vẫn một mực khẳng định là con mình nên từ chối đi cải chính hộ tịch. Vì vậy, bà C. buộc phải đâm đơn kiện chồng ra tòa.

Căn cứ kết quả giám định, TAND quận Tân Bình đã tuyên ông H. không phải là cha đẻ của đứa bé.

TÂM LỤA/TTO

/hop-dong-ket-thuc-trong-thoi-gian-thai-san-co-buoc-ky-tiep.html