Cụ thể, điểm đ khoản 1 Điều 8 Thông tư 40/2021/TT-BTC quy định, tổ chức là chủ sở hữu của sàn giao dịch TMĐT thực hiện khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân theo lộ trình của cơ quan thuế.
Trong thời gian chưa thực hiện việc khai, nộp thuế thay thì các sàn giao dịch này phải có trách nhiệm cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh của cá nhân thông qua sàn theo yêu cầu của cơ quan thuế gồm: Họ tên; Số định danh cá nhân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc hộ chiếu; Mã số thuế; Địa chỉ; email; số điện thoại liên lạc; Hàng hóa, dịch vụ cung cấp; Doanh thu kinh doanh; Tài khoản ngân hàng của người bán; Thông tin khác liên quan.
Như vậy, theo lộ trình của cơ quan thuế, các sàn giao dịch TMĐT như Shopee, Tiki, Lazada… sắp tới đây sẽ thực hiện việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho các cá nhân bán hàng trên nền tảng này. Thông tư 40/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/8/2021.
Mới đây, đại diện Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) cho rằng, quy định này sẽ tạo một gánh nặng to lớn cho doanh nghiệp khi phải thực hiện nghĩa vụ thay cho các đối tượng này. Điều đó có nghĩa là, ngoài việc phải tìm cách tồn tại, duy trì và phát triển doanh nghiệp, các đơn vị sàn còn phải bổ sung thêm nguồn lực (hệ thống, nhận sự, tài chính) để thực hiện thêm nghĩa vụ kê khai và nộp thuế thay cho người bán trên sàn của mình.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SB LAW.
Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SB Law cho biết, Thông tư 40/2021/TT-BTC (Thông tư 40) quy định việc thu thuế người kinh doanh online là cần thiết để ngăn chặn tình trạng thất thu thuế, trong bối cảnh ngành thuế ngày càng nhiều trường hợp thu nhập “khủng” nhờ kinh doanh online, nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ thuế. Tuy nhiên, quy định tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT thực hiện việc khai, nộp thuế thay cho cá nhân theo lộ trình của cơ quan thuế theo Thông tư 40, sẽ tạo nhiều rào cản, làm giảm sự phát triển của lĩnh vực TMĐT.
Chỉ là cầu nối trung gian
Luật sư Hà cho biê, về bản chất, các sàn TMĐT không phải người kinh doanh, chỉ là người cung cấp dịch vụ. Trách nhiệm của các sàn là đảm bảo tốt dịch vụ đưa ra và chịu trách nhiệm nộp thuế trên dịch vụ mình cung cấp. Do vậy, họ không là đối tượng có nghĩa vụ kê khai, khấu trừ thuế thu nhập của người bán theo quy định tại khoản 1 Điều 24 Luật Thuế thu nhập cá nhân. Nghị định 52/2013/NĐ-CP về TMĐT cũng đã quy định các sàn không có trách nhiệm kê khai và nộp thuế thay người bán.
Một số trường hợp sàn TMĐT không tham gia trực tiếp vào giao dịch mua bán, chỉ đóng vai trò trung gian là nơi mua bán hàng hóa và dịch vụ như các trang Chợ tốt, Bất động sản… Do vậy, họ không thể kiểm soát thông tin về doanh thu, tài khoản ngân hàng, căn cước công dân, mã số thuế, địa chỉ người bán.
Các sàn TMĐT không thể kiểm soát được hết lượng giao dịch trong 1 ngày trên các nền tảng này. Với khoảng 35 triệu giao dịch mỗi ngày, khối lượng công việc của các sàn rất lớn. Hơn nữa, các sàn giao dịch TMĐT cũng không có cơ sở dữ liệu để kiểm soát các cá nhân chưa đến ngưỡng chịu thuế dưới 100 triệu đồng/1 năm…
Bên cạnh đó, việc kê khai, thu thuế hộ cá nhân còn khiến các sàn lo ngại vì sẽ phải đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng, như xây dựng phần mềm hỗ trợ xác định doanh thu của nhà bán, phân loại doanh thu chịu thuế và thuế suất tương ứng với hoạt động kinh doanh, tính toán số thuế phải nộp… Ngoài ra, việc này còn làm tăng đội ngũ nhân sự có chuyên môn về thuế để thực hiện nhiều khâu liên quan. Các phát sinh này sẽ tạo gánh nặng tài chính, nhân sự và kỹ thuật lớn cho các sàn, dẫn đến khó khăn cho các sàn trong việc thực hiện các thủ tục và quản lý hoạt động kê khai, nộp thuế thay.
Thực tế, quy định này chưa có tiền lệ ở Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á, do vậy chưa có mô hình vận hành để tham khảo.
Tạo minh bạch trong giao dịch
Dưới góc độ cạnh tranh, điều đáng lo nhất của các sàn TMĐT là mất khách hàng. Để kê khai và khấu trừ thuế, khả năng các sàn buộc phải khấu trừ tiền thuế của người kinh doanh trước giao dịch. Ở vị trí người bán, họ có thể sẽ lựa chọn chuyển sang kinh doanh trên các mạng xã hội (MXH) khác hiện chưa được xem là sàn TMĐT, hoặc trở về hình thức truyền thống (offline) , thay vì mang hàng lên sàn TMĐT bán đắt và phức tạp.
Quy định này có hiệu lực vào ngày 01/8 tới nên khoảng thời gian thực hiện lộ trình không được đảm bảo. 2 tháng sau khi ban hành là quá ngắn để các sàn TMĐT có thể kịp chuẩn bị hệ thống cho việc thu thập dữ liệu và báo cáo theo yêu cầu của cơ quan thuế.
Bên cạnh đó, với các doanh nghiệp công nghệ xuyên quốc gia đang sở hữu các sàn TMĐT, việc điều chỉnh hệ thống hạ tầng để đáp ứng quy định riêng như Việt Nam không hề đơn giản.
Trên thực tế, các sàn TMĐT và các trang MXH là những nền tảng trực tuyến có bản chất khác nhau. Các sàn TMĐT ra đời nhằm phục vụ thúc đẩy việc phân phối sản phẩm, với đối tượng khách hàng có thể là doanh nghiệp lớn, hoạt động lâu năm, đến những khách hàng kinh doanh nhỏ lẻ. Việc hỗ trợ phân phối sản phẩm của họ không chỉ tạo một website tập trung để người bán trình bày sản phẩm của mình, người mua có thể dễ dàng tìm kiếm những sản phẩm mình cần, còn là việc đưa ra những giải pháp hiện đại, áp dụng công nghệ để hỗ trợ thương nhân trong việc mua bán sản phẩm như cập nhật, áp dụng các hình thức thanh toán, cải thiện quy trình giao hàng…
Đặc biệt, trong xu hướng người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm từ trực tiếp sang trực tuyến, họ càng quan tâm đến chất lượng, uy tín của sản phẩm. Sàn TMĐT không chỉ giúp công khai chất lượng sản phẩm của người bán, còn xây dựng cơ chế bảo vệ người tiêu dùng, như các chính sách khiếu nại, hoàn trả hàng… Trong khi đó, trang MXH là nơi các cá nhân tạo mạng lưới kết nối với cộng đồng mình mong muốn, với những cá nhân, tổ chức khác… Điều này vô tình có lợi cho hoạt động mua bán khi cho người bán cơ hội tạo kết nối với những khách hàng tiềm năng và có thể sử dụng chính sách quảng cáo của trang MXH đó. Tuy nhiên, việc người bán hàng qua MXH có thể dễ dàng bị giả mạo.
Các trang MXH chỉ phù hợp với những đối tượng kinh doanh nhỏ lẻ. Vì thế, muốn gia nhập TMĐT lâu dài, nghiêm túc, hay muốn có sự tăng trưởng nhanh chóng đối với việc kinh doanh nhỏ lẻ, người bán không thể chỉ phụ thuộc vào các trang MXH. Bởi vậy, việc áp thuế thông qua các nền tảng TMĐT sẽ khiến họ mất khách hàng. Ngoài ra, với xu thế mua bán qua MXH bùng nổ, cơ quan thuế đang có những nghiên cứu, tìm kiếm cách thức để thực hiện thu thuế tất cả hoạt động kinh doanh qua mạng, nên việc kinh doanh qua MXH cũng sẽ phải nộp thuế.
Nghị định 126/2020/NĐ-CP cho phép cơ quan thuế được nắm thông tin về số dư cũng như chi tiết giao dịch qua tài khoản ngân hàng của các cá nhân. Đây là cơ sở quan trọng để cơ quan thuế tiến hành truy thu thuế những cá nhân kiếm được nhiều tiền thông qua Facebook, Youtube… nhưng không kê khai, thực hiện nghĩa vụ nộp thuế.
LINH NHI