(LSVN) - Năm học 2021-2022 bắt đầu với nhiều "sự kiện" đáng nhớ đối với ngành giáo dục, dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng khiến cho Bộ Giáo dục và Đào tạo loay hoay tìm phương án đối phó, vấn đề an toàn trường học chưa đảm bảo, đạo đức trong giáo dục đang có dấu hiệu đi xuống... Chưa dừng lại ở đó, mới đây những vấn đề về nội dung trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 lại nổi lên, gây hoang mang cho phụ huynh học sinh.
Thay vì chỉ có một bộ sách như trước, chương trình mới cho phép các trường chọn lựa các bộ sách như: Chân trời sáng tạo, Cánh diều, Cùng học để phát triển năng lực, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục, Kết nối tri thức với cuộc sống... Nhiều trường học đã lựa chọn bộ sách "Cánh diều" cho chương trình học, tuy nhiên, sau hơn một tháng triển khai dạy học, nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận, đặc biệt là phụ huynh có con đang học lớp một đã nổi lên đối với bộ sách này.
Tuy nhiên, những sai sót này được phát hiện không phải xuất phát từ các cơ quan quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các chuyên gia đầu ngành thẩm định công trình mà được các phụ huynh phản ánh.
Từ ngữ suồng sã
Nhiều phụ huynh ý kiến về nội dung của bộ sách này, họ cho rằng câu từ trong sách mặc dù đã được chỉnh sửa sao cho dễ hiểu với các bé, tuy nhiên, lại trở lên lủng củng, cộc lốc, thiếu tinh tế.
Chị Phạm Anh Thơ (Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội) có con mới vào lớp 1 chia sẻ: “Tôi thấy từ ngữ trong sách rất suồng sã, vô duyên, những câu chuyện trong sách thì tôi cũng phải ngẫm mãi mới hiểu ra ý nghĩa thì làm sao trẻ có thể hiểu được, chưa kể một số chuyện còn dạy hư trẻ. Hình ảnh minh họa thì không phù hợp. Vì vậy, bé nhà tôi không hình dung được”.
Chị Thơ dẫn chứng hàng loạt các ví dụ như: về từ ngữ, các từ được sử dụng trong sách còn mang phương ngữ, gây khó hiểu cho học sinh; thay vì viết “nhai” theo ngôn ngữ phổ thông, tác giả viết “nhá” cỏ, “nhá” dưa, “gà con” lại viết thành “gà nhiếp”, “gà nhí”; con thỏ thì “nhá” cỏ “nhá” dưa, con cò thì “chén” con cá; hoặc thay vì viết “không lo”, “không đem”…, để các em dễ hiểu, tác giả lại viết "chả lo", "chả đem"...
Hay chuyện Cua, cò và đàn cá cũng trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 tập 1 có nội dung cò kiếm ăn ở ven hồ. Cò gặp cá rô và cho biết vài hôm nữa hồ bị tát cạn thì cá tôm sẽ bị bắt hết. Đàn cá nhờ cò giúp. Cò hứa đưa đàn cá đến xóm bên, thế nhưng cò dần dần chén hết đàn cá. Nội dung này khiến không ít phụ huynh và giáo viên bức xúc với ngôn ngữ và ngụ ý câu chuyện...
Ngoài về từ ngữ, nội dung câu chuyên còn chưa phù hợp với trẻ thì trong bộ sách cũng sử dụng nhiều câu chuyện ngụ ngôn rất ít thơ, tục ngữ, ca dao, đồng dao Việt Nam.
Đánh giá vấn đề này, TS. Vũ Thu Hương, Chuyên gia giáo dục, Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng: “Với tư các là người làm về giáo dục tiểu học nhiều năm thì tôi thấy bộ sách không được phù hợp lắm với học sinh tiểu học… Thứ nhất, về câu chữ, không nói đến các câu chữ trong bộ sách mà đã được mọi người đưa ra như chả, chén, nhà nghỉ,… mà nói đến những chữ gây khó hiểu đổi với học sinh tiểu học. Như chữ 'giọt sương' đối với người lớn thì sẽ rất dễ để hình dung bởi người lớn đã được thấy. Tuy nhiên, hình minh họa trong sách lại là giọt nước rất to. Đối với đứa trẻ 6 tuổi sẽ không thể nào hiểu được giọt sương là như thế nào nếu chỉ nhìn vào hình minh họa trong sách. Chúng có thể hiểu đó là viên kim cương hay giọt nước cũng có thể là giọt sương. Điều này sẽ gây hiểu nhầm cho học sinh khi tưởng tượng".
Đối với việc trong sách sử dụng nhiều truyện ngụ ngôn của nước ngoài, TS. Thu Hương cảm thấy rất tiếc vì kho tàng truyện dân gian Việt Nam rất nhiều truyện có thể dạy cho học sinh. Tuy nhiên, các truyện ngụ ngôn của nước ngoài thường là những truyện của người lớn. Vì nó là của người lớn nên cách viết sẽ sâu xa hơn và khó hiểu hơn cho học sinh tiểu học.
Tăng áp lực học tập cho học sinh
TS. Thu Hương cho rằng, cách chia đôi bài đọc, một bài đọc vì dài quá nên được chia làm hai phần, cũng sẽ gây khó hiểu cho học sinh. Vì trẻ con có trí nhớ ngắn hạn, những hành động mà người lớn vừa làm, trẻ con có thể học lại rất nhanh, nhưng trí nhớ dài hạn của trẻ kém hơn người lớn, do vậy, sẽ rất khó để trẻ nhớ được từ này hôm trước đến ngày hôm sau. Nên khi một bài đọc được cắt ra thành nhiều ngày thì sẽ gây khó khăn cho học sinh tiểu học.
Khi trẻ học những chữ đơn giản như “giỏ quà”, trẻ sẽ hình dung ra ngay “giỏ quà” là gì, nên chúng sẽ không cần cô giáo phải giải thích, miêu tả nhiều và trẻ chỉ cần đọc được là xong.
Về cách bố trí về số tiết học âm vần cũng gây ra sự tăng tải. Bộ Giáo dục quyết định 12 tiết Tiếng Việt trong một tuần, mỗi ngày sẽ học 2 tiết và sẽ có một ngày là 4 tiết. Nhiều cuốn sách sẽ chỉ dạy 2 âm cho 2 tiết, trong 10 tiết đầu tiên sẽ dạy trẻ âm, vần bài mới, 2 tiết cuối cùng của tuần người ta sẽ ôn tập. Như thế, học sinh sẽ không cảm thấy quá nặng. Tuy nhiên, có nhưng cuốn sách dạy cả 12 tiết là 12 âm nên ngày nào cũng học chữ mới thì học sinh sẽ cảm thấy bị quá tải.
“Về mặt khoa học giáo dục, cụ thể với đối tượng là học sinh lớp 1, tôi khẳng định cuốn sách này có rất nhiều điểm không phù hợp với tâm sinh lý của các con”, TS. Thu Hương nói.
Cần nghiêm túc xem xét trách nhiệm
Bộ sách có sự tham gia biên soạn của nhiều tác giả là thành viên của Ban Phát triển chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó có GS. Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới. Bộ sách mang triết lý “Mang cuộc sống vào bài học - đưa bài học vào cuộc sống”.
Nói về vấn đề này, bà Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội cho rằng: “Tôi rất hy vọng, tin tưởng các đồng chí trong ban soạn thảo, nhưng cuối cùng tôi lại thấy để sách ra nặng quá cho các em”.
Theo bà An, chương trình học của trẻ nên lược bớt để trẻ em song song với thời gian học tập thì có thời gian để nghỉ ngơi, vui chơi và hoàn thiện, phát triển đầy đủ cả trí lực - thể - mĩ. “Các đồng chí trong ban soạn thảo cần nghiêm túc xem xét lại, làm thế nào cho chuẩn nhất, phù hợp với học sinh tiểu học nhất bởi đã mất nhiều thời gian, tập trung rất nhiều người có trí tuệ nhưng không hiểu sao lại đưa ra một bộ sách như vậy”, bà An nhấn mạnh.
Ngoài ra, bà An còn cho ý kiến về trách nhiệm của Bộ Giáo dục trong công tác quản lý khi đã để xảy ra trường hợp này. "Bộ Giáo dục đã có thiếu sót trong công tác quản lý ngành. Đáng lẽ Bộ phải thẩm định rõ ràng để khi ra thị trường là những sản phẩm như mong muốn, như mục tiêu ban đầu và thích hợp với đối tượng mình cần truyền tải tới. Thế nhưng, sản phẩm ra chưa thích hợp với đối tượng mình cần truyền đạt thì chứng tỏ có vấn đề. Về mặt trách nhiệm quản lý thì Bộ Giáo dục đã có lỗi và cần xem xét lại, rút kinh nhiệm để cho sách ra chuẩn hơn”, nguyên Đại biểu Quốc hội nêu quan điểm.
PHẠM HƯƠNG