(LSVN) - Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa nhận để dư luận bức xúc về một số điểm chưa phù hợp trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 có trách nhiệm của Bộ, Hội đồng thẩm định và tác giả. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu nhà Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP. HCM và tác giả khẩn trương xây dựng phương án chỉnh sửa, hiệu đính để kịp thời, thuận lợi cho giáo viên tổ chức các hoạt động dạy học. Tuy nhiên, trách nhiệm của Nhà xuất bản (NXB) đến đâu thì vẫn chưa được đề cập đến.
Khắc phục "sạn" bằng phát miễn phí tài liệu bổ sung
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu nhà NXB Đại học sư phạm TP. HCM và tác giả khẩn trương xây dựng phương án chỉnh sửa, hiệu đính để kịp thời, thuận lợi cho giáo viên tổ chức các hoạt động dạy học. Trước mắt, Bộ hướng dẫn, hỗ trợ giáo viên sử dụng các ngữ liệu được thay thế, bổ sung để dạy học trong học kỳ một; hoàn thiện việc điều chỉnh những chi tiết trên trước ngày 25/11.
Khẳng định về việc thực hiện chỉnh sửa các nội dung này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, sách Cánh Diều sẽ được chỉnh sửa lại sớm. Tinh thần là sẽ yêu cầu in bổ sung tài liệu chỉnh sửa, phát bổ sung miễn phí cho các thầy cô giáo. Cách làm này đã được thống nhất với tác giả để trên cơ sở đó NXB và các tác giả thực hiện.
Bàn về phương án thay đổi như này, bà Bùi Thị An, nguyên Đại biểu quốc hội cho rằng: “Theo tôi, về phương pháp sư phạm thì trong tài liệu học nên có một quyển mỏng, đủ kiến thức. Các em vẫn còn bé, mới có 6 tuổi, thể lực vẫn còn yếu mà một quyển sách kèm theo đó là một đống tài liệu, trang thứ nhất bỏ, trang thứ hai học, trang thứ ba sửa,… thì sẽ rất phức tạp cho tư duy trẻ em.
Đối với phương án bổ sung tài liệu kèm theo sách, và phát miễn phí, theo ý kiến của một số phụ huynh thì phương án này sẽ làm việc học tập của các em khó khăn hơn. Một số ý kiến thì cho rằng họ đang giống như đi xin tài liệu trong khi chưa nhận được thông tin từ NXB về trách nhiệm của mình.
Anh P.Đ.H. (Hà Nội) chia sẻ: "Chúng tôi phải bỏ tiền ra mua sách cho các con học, chứ không phải đi nhận sách miễn phí mà giờ khi có lỗi sai như này lại chẳng nhận được lời xin lỗi nào từ NXB hay tác giả. Mà việc phát tài liệu miễn phí đi kèm tôi thấy cũng sẽ làm các con khó học. Thêm cả khi đọc được tin tài liệu được phát miễn phí, tôi thấy giống như chúng tôi đang đi xin để được nhận vậy, chúng tôi là bỏ tiền ra mua, mà giá sách năm nay thì cao hơn mọi năm gấp hai lần. Vậy mà trong khi chưa nhận được tin đính chính, nhận lỗi gì cả mà lại đưa ra phương án phát miễn phí tài liệu, với tư cách là người mua hàng, tôi thấy rất bất bình. Vì vậy, các bên liên quan cần có có sự nhận lỗi chính chức chứ không phải chỉ khắc phục như hiện tại".
Chị P.M.H. (Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội) có con đang học lớp 1 cho rằng: “Nếu giờ phát tài liệu bổ sung cho trẻ mang theo song song với bộ sách giáo khoa thì chắc các cháu không đeo nổi cặp sách. Với nhiều sạn trong sách như vậy thì bao nhiêu tài liệu bổ sung cho vừa. Chưa kể, trẻ con thì hay bị phân tâm, trong quá trình học, các cháu tập trung vào sách giáo khoa để học đã khó, rồi giờ thêm tài liệu bổ sung, bỏ trang này, chỉnh sửa trang kia thì các cháu làm sao tập trung học được. Tôi thấy Bộ Giáo dục cần nhanh chóng khắc phục để các cháu có thể trở lại học tập như bình thường. Thêm nữa, trong khi các bên liên quan vẫn chưa lên tiếng nhận trách nhiệm gì ngoài Bộ Giáo dục và Đào tạo mà lại đưa ra phương án phát miễn phí, tôi cảm thấy rất bức xúc dưới góc độ là người mua hàng. Giống như phát gạo miễn phí, tôi giống như đi xin tài liệu đó về vậy trong khi tôi phải bỏ tiền ra để mua sách chứ có phải nhận sách miễn phí đâu mà giờ có sai sót thì phát tài liệu kèm theo sách miễn phí”.
NXB cần bồi thường cho phụ huynh học sinh
Trách nhiệm của NXB là đảm bảo chất lượng cho sách, tác phẩm mà mình xuất bản, tuy nhiên, khi sách giáo khoa lớp 1 bị phản ánh lại nhiều sạn trong quá trình sử dụng, một số lỗi biên tập cơ bản như nhầm số trang, hình ảnh không phù hợp,… thì việc lỗi từ NXB là không thể phủ nhận.
Một số phụ huynh đã lên tiếng về trách nhiệm của NXB, anh Đ.H.H. (Hoàng Mai, Hà Nội) có con đang học lớp 1 phản ánh: “Tôi vẫn chưa đọc được bất kì thông tin gì từ NXB. Giờ họ sản xuất, in ấn ra sách giáo khoa có nhiều lỗi như thế này, thì NXB cũng cần lên tiếng xin lỗi hay như thế nào chứ. Sách là chúng tôi mua của họ, với tư cách là người mua hàng, khi mua phải một sản phẩm có những lỗi rất ngớ ngẩn như thế này thì họ cũng cần có trách nhiệm bồi thường”.
Trao đổi vấn đề này với Luật sư Tiến sĩ, Luật sư Lê Ngọc Khánh - Hãng Luật TGS - (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng: “Sách giáo khoa thuộc danh mục hàng hóa do Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm quản lý về chất lượng theo quy định tại điểm i khoản 2 Điều 32 Nghị định 132/2008/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa 2007. Trong Thông tư 11/2018/TT-BGDĐT về việc Ban hành để xác định hàng hóa chuyên dùng phục vụ trực tiếp cho giáo dục nêu rõ hàng hóa phải đảm bảo tính sư phạm, phù hợp với mục tiêu, chương trình ở các cấp học, trình độ đào tạo; đảm bảo mục tiêu của nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phải tuân thủ theo quy định của pháp luật.
Đồng thời Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007 cũng quy định hoạt động sản xuất, kinh doanh và hoạt động liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa phải tuân theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan (Khoản 1 Điều 4). Như vậy, sách giáo khoa cần phải tuân thủ các quy định, quy chuẩn do Bộ giáo dục và Đào tạo đưa ra còn phải đáp ứng chung quy chuẩn của hàng hóa thông thường”.
Việc đưa bộ sách giáo khoa phổ thông ra bán và sử dụng rộng rãi trong các trường phổ thông, sau đó mới bị phát hiện ra sai sót đã gây tác hại không nhỏ kể cả vật chất lẫn tinh thần đối với học sinh và phụ huynh.
Do đó, Luật sư Khánh cho rằng: “Với tư cách là khách hàng, khi mua phải sản phẩm bị lỗi không đúng quy chuẩn thì khách hàng hoàn toàn có quyền yêu cầu bồi thường theo quy định tại khoản 6 Điều 8 Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2010”. Theo đó người tiêu dùng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.
Phụ huynh và học sinh khi sử dụng sản phẩm giáo dục cũng chỉ đơn thuần là người tiêu dùng sử dụng sản phẩm của nhà sản xuất. Vì vậy, quyền lợi của người tiêu dùng được tôn trọng và bảo vệ theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010. Trường hợp này, thiệt hại nằm trong mục “thiệt hại về lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác hàng hóa, tài sản” được quy định tại khoản 3 Điều 60 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007.
Luật sư Khánh nhấn mạnh rằng: “Phụ huynh học sinh có thể yêu cầu bồi thường từ các cơ quan chức năng theo quy định tại khoản 6 Điều 8 Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2010”.
PHẠM HƯƠNG