/ Luật sư - Bạn đọc
/ Sập cổng trường đè chết một học sinh: Ai là người phải chịu trách nhiệm?

Sập cổng trường đè chết một học sinh: Ai là người phải chịu trách nhiệm?

18/10/2021 08:08 |

(LSVN) - “Trách nhiệm chính phải thuộc về Nhà trường và trực tiếp là giáo viên quản lý lớp vì chưa sát sao trông nom trẻ, để xảy ra vụ việc đau lòng. Bởi, học sinh mẫu giáo còn quá nhỏ, chưa đủ kiến thức cũng như năng lực hành vi để tự bảo vệ chính mình. Do đó, vai trò của giáo viên quản lý lớp là cực kỳ quan trọng”.

Cổng sắt đè lên người khiến một cháu bé tử vong.

Ngày 16/10/2021, tại điểm trường Mang Dí thuộc Trường Mẫu giáo Trà Nam thuộc xã Trà Nam, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam đã xảy ra một vụ việc thương tâm. Theo đó, một cháu bé 4 tuổi đã tử nạn do bị cổng trường sập đè lên người. Vụ việc xảy ra trong thời gian sinh hoạt ngoài trời. Một lần nữa dư luận lại phải đặt ra câu hỏi ai là người phải chịu trách nhiệm về vấn đề này.

Trước sự việc trên, Luật sư, Thạc sĩ Nguyễn Thị Kiều Trang, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội nhận định: “Trách nhiệm chính phải thuộc về Nhà trường và trực tiếp là giáo viên quản lý lớp vì chưa sát sao trông nom trẻ, để xảy ra vụ việc đau lòng. Bởi, học sinh mẫu giáo còn quá nhỏ, chưa đủ kiến thức cũng như năng lực hành vi để tự bảo vệ chính mình. Do đó, vai trò của giáo viên quản lý lớp là cực kỳ quan trọng”.

Điều 27 Điều lệ Trường Mầm non ban hành kèm theo Thông tư số 52/2020/TT-BGDĐT ngày 21/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định về nhiệm vụ của giáo viên mầm non là: “Bảo vệ an toàn về thể chất, tinh thần và tính mạng của trẻ em trong thời gian trẻ em ở nhà trường”. Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Bộ luật Hình sự 2015, trong trường hợp, người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó” thì vẫn thỏa mãn lỗi vô ý trong mặt chủ quan.

Như vậy, việc để cháu nhỏ bị tai nạn dẫn tới hậu quả tử vong trong giờ học có dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội “Vô ý làm chết người” do vi phạm quy tắc nghề nghiệp được quy định tại Điều 129 Bộ luật Hình sự 2015. Theo đó, người nào vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp thì có thể bị phạt tù từ 01 đến 05 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt bổ sung bằng hình thức cẩm hành nghề từ 01 đến 05 năm.

Vụ việc được xử lý như thế nào, những người liên quan có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không thì còn phải đợi kết luận điều tra từ phía Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Ngoài ra, về trách nhiệm dân sự, tại Điều 605 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác. Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường”.

Có thể thấy, sự việc xảy ra nằm ngoài mong muốn của tất cả mọi người. Tuy nhiên, mỗi cá nhân, tổ chức khi được Nhà nước, xã hội giao thực hiện một công việc nhất định thì phải có trách nhiệm đối với những việc mình làm. Do đó, việc xử lý trách nhiệm của những người liên quan là cần thiết để tạo nên tính răn đe chung, đảm bảo hạn chế xảy ra những vụ việc tương tự về sau.

NGỌC ANH

Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh báo cáo việc thu phí xét nghiệm Covid-19 trước ngày 18/10

Lê Minh Hoàng