Tổng cục Thuế mới đây cho biết, sẽ xem xét các quy định về đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh và các quy định liên quan nhằm đảm bảo tính công bằng, hỗ trợ người nộp thuế khó khăn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, một trong những giải pháp được Tổng cục Thuế đưa ra là sẽ tập trung nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền về ngưỡng nợ thuế phù hợp đối với từng đối tượng nợ thuế trong việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh.
Trước đó, có nhiều ý kiến của doanh nghiệp và người nộp thuế cho rằng, đã có những bất cập khi triển khai biện pháp tạm hoãn xuất cảnh. Điển hình như:
Thứ nhất, khi tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện pháp luật, có những ý kiến trái chiều cho rằng người đại diện pháp luật có khi chỉ là người lao động làm thuê, không phải là chủ sở hữu hay người nắm giữ cổ phần của doanh nghiệp
Tuy nhiên, Tổng cục Thuế lập luận, theo quy định của Luật Doanh nghiệp hiện hành, người đại điện pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại điện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền, nghĩa vụ theo quy định.
Việc xem xét đối tượng nào thực sự là người chịu trách nhiệm với khoản nợ, là người đại diện pháp luật hay người chủ sở hữu hay người nắm giữ cổ phần... là nội dung cần được cân nhắc, nghiên cứu.
Thứ hai, theo quy định hiện hành thì chưa có quy định cụ thể về mức nợ thuế (ngưỡng) bị áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh trong quá trình thực hiện tạm hoãn xuất cảnh.
Dẫn quy định tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP cho phép thủ trưởng cơ quan quản lý thuế căn cứ tình hình thực tế và công tác quản lý thuế trên địa bàn để quyết định áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với từng trường hợp nợ thuế cụ thể, song Tổng cục Thuế cũng hứa sẽ tiếp thu và tập trung nghiên cứu, báo cáo các cấp có thẩm quyền về ngưỡng nợ thuế phù hợp đối với từng đối tượng nợ thuế trong việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh.
Thứ ba, doanh nghiệp và người nộp thuế cho rằng các quy định về đối tượng tạm hoãn xuất cảnh được đánh giá là chưa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người nộp thuế gặp khó khăn tài chính nhất thời. Đây chính là băn khoăn của không ít doanh nghiệp và người nộp thuế và mong muốn được Nhà nước xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.
Phản hồi ý kiến này, Tổng cục Thuế trả lời sẽ xem xét các quy định về đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh và các quy định liên quan để vừa đảm bảo tính công bằng, vừa đảm bảo hỗ trợ người nộp thuế khó khăn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 29/10, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 07 luật trong lĩnh vực tài chính, trong đó có Luật Quản lý thuế.
Theo quy định Luật Quản lý thuế hiện hành, người nộp thuế gồm tổ chức và cá nhân. Tuy nhiên, việc tạm hoãn xuất cảnh hiện chỉ áp dụng với cá nhân là người đại diện pháp luật của doanh nghiệp.
Chính phủ cho rằng quy định này không phù hợp thực tiễn và việc hoãn xuất cảnh cần được thực hiện với cả cá nhân người nộp thuế và các cá nhân khác là đại diện pháp luật của tổ chức nộp thuế.
Do đó, tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 07 luật liên quan tài chính, với Luật Quản lý thuế, Chính phủ đề xuất bổ sung cá nhân, chủ hộ kinh doanh, cá nhân đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã vào diện bị tạm hoãn xuất cảnh nếu nợ thuế.
Tuy nhiên, dự thảo Luật hiện chưa quy định ngưỡng nợ thuế cụ thể đối với các đối tượng tạm hoãn xuất cảnh. Theo đó, nếu thuộc diện bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính, đối tượng sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh, bất kể số thuế nợ lớn hay nhỏ.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, có nhiều ý kiến trái chiều về quy định tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện pháp luật của doanh nghiệp. Đồng thời, số lượng trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh tăng đáng kể thời gian gần đây.
Trong khi đó, tạm hoãn xuất cảnh chỉ là một biện pháp nhỏ và không phải là biện pháp mạnh nhất để xử lý vi phạm. Do vậy, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ bổ sung ngưỡng nợ thuế để giới hạn phạm vi áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh. Đồng thời, cần đánh giá kỹ hơn về tác động của biện pháp cưỡng chế thuế, để đảm bảo hiệu quả thực thi, tránh các phản ứng trái chiều không cần thiết, hoặc xem xét chưa sửa đổi nội dung này vào thời điểm hiện nay.
Trong trường hợp cần sửa đổi, đề nghị bổ sung quy định về ngưỡng nợ thuế để việc tạm hoãn xuất cảnh được áp dụng hợp lý hơn.
Phát biểu góp ý nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế, ông Phạm Trọng Nghĩa, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội cũng cho biết thực tế có trường hợp người đại diện pháp luật của doanh nghiệp là người làm thuê, chỉ đứng tên trên giấy tờ, không có quyền quyết định việc kinh doanh của doanh nghiệp. Từ đó, đề nghị cần quy định rõ cá nhân người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải là Chủ tịch HĐQT, chủ doanh nghiệp, chủ sở hữu công ty, phù hợp với Luật Doanh nghiệp.
Tạm hoãn xuất cảnh là một trong số những biện pháp cưỡng chế nợ được ngành thuế áp dụng với các trường hợp chây ì, có dấu hiệu tẩu tán tài sản, bỏ trốn.
Theo Luật Quản lý Thuế năm 2019 và Nghị định 126/2020/NĐ-CP, thủ trưởng các cơ quan thuế, hải quan có quyền ra quyết định hoãn xuất cảnh với cá nhân, đại diện doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế.
Các quy định hiện nay không nêu ngưỡng nợ cụ thể bị xem xét, áp dụng biện pháp cưỡng chế này, tức nợ thuế quá hạn 01 đồng cũng phải cưỡng chế thu hồi. Lãnh đạo cơ quan thuế từng khẳng định quyết định tạm hoãn xuất cảnh được đưa ra dựa trên quy trình chặt chẽ, cân nhắc hồ sơ từng cá nhân.