/ Tin tức
/ Sẽ tiếp tục có chính sách tín dụng hỗ trợ nhà ở

Sẽ tiếp tục có chính sách tín dụng hỗ trợ nhà ở

19/01/2024 18:50 |

(LSVN) - Theo Bộ Xây dựng, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chính sách hỗ trợ tín dụng cho các đối tượng chính sách xã hội (trong đó có các đối tượng là người có công với cách mạng để mua, thuê mua, tự xây dựng nhà ở của mình), phù hợp với điều kiện kinh tế của đất nước trong từng thời kỳ.

Ảnh minh họa.

Mới đây, Bộ Xây dựng đã có công văn trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Vĩnh Long gửi tới trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Cụ thể, cử tri kiến nghị cần có chính sách hỗ trợ giảm lãi suất cho vay từ 4,8%/năm xuống 4%/năm đối với đối tượng người có công với cách mạng, thương bệnh binh được vay vốn ưu đãi.

Trả lời vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết, ngày 10/5/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 486/QĐ-TTg về mức lãi suất cho vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng đối với các khoản vay có dư nợ để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa nhà để ở.

Theo đó, mức lãi suất cho vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng đối với các khoản vay có dư nợ để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa nhà để ở theo quy định tại Điều 16 của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, khoản 10 Điều 1 của Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP là 4,8%/năm.

Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội: theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, đối với việc cho vay khách hàng cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ; Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ và các văn bản có liên quan (tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 15.000 tỷ đồng) thì đến hết tháng 12/2023, dư nợ NHCSXH đạt 9.800 tỷ đồng với 25.581 khách hàng thuộc đối tượng được vay.

Bên cạnh đó, ngày 27/11/2023, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.

Theo đó, tại khoản 1, Điều 76 có quy định đối tượng là người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ thuộc trường hợp được hỗ trợ cải thiện nhà ở theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội.

Tại khoản 5, Điều 77 có quy định thực hiện hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi của Nhà nước thông qua Ngân hàng chính sách xã hội, tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định để đối tượng quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 và 8, Điều 76 mua, thuê mua nhà ở xã hội hoặc tự xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở và giao Chính phủ quy định chi tiết.

Về mức lãi suất cho vay ưu đãi, tại khoản 1, Điều 117, Luật Nhà ở sửa đổi năm 2023 có quy định: “Ngân hàng chính sách xã hội cho vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp và thời hạn cho vay dài hạn thông qua việc cấp vốn từ ngân sách cho Ngân hàng chính sách xã hội để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình đầu tư công về nhà ở và xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong từng thời kỳ”.

Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chính sách hỗ trợ tín dụng cho các đối tượng chính sách xã hội (trong đó có các đối tượng là người có công với cách mạng để mua, thuê mua, tự xây dựng nhà ở của mình), phù hợp với điều kiện kinh tế của đất nước trong từng thời kỳ.

VŨ TRẦN

Doanh nghiệp phản đối đề xuất quy định về thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải

Nguyễn Hoàng Lâm