/ Đời sống - Xã hội
/ Sẽ tổ chức giám sát chính thức về đổi mới sách giáo khoa phổ thông

Sẽ tổ chức giám sát chính thức về đổi mới sách giáo khoa phổ thông

12/07/2023 11:31 |

(LSVN) - Việc giám sát về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông là vấn đề rất quan trọng, đến phiên họp thường kỳ tháng 8 của Quốc hội sẽ tổ chức giám sát chính thức đối với chuyên đề quan trọng này.

Ảnh minh họa.

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ tại Phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra ngày 12/7.

Theo đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, dự kiến trong 2,5 ngày làm việc, phiên họp thứ 24 sẽ xem xét cho ý kiến về các nội dung quan trọng.

Thứ nhất, về công tác xây dựng pháp luật, tại phiên họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Đây là 02 dự án luật đã được Quốc hội quyết định trong Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, bổ sung Chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2023.

Theo tiến độ, Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 6 và xem xét quyết định thông qua tại Kỳ họp thứ 7.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhận định, hai dự án Luật này đã được chuẩn bị khá lâu và cho đến nay, theo đề xuất của Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã đủ điều kiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến sớm. Từ đó, để các cơ quan, tổ chức hữu quan, nhất là các cơ quan chủ trì soạn thảo có thêm thời gian để nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện để có chất lượng tốt nhất.

Thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023–2030.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, giai đoạn trước việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã được làm rất tốt theo tinh thần Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có giám sát tối cao về kết quả thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, nếu dự thảo Nghị quyết được thông qua ở kỳ này sẽ có thời gian để tổ chức triển khai. Qua tiếp xúc cử tri, người dân mong muốn khi thông qua thì Chính phủ và các cơ quan tổ chức hữu quan, các địa phương để phục vụ kịp thời cho Đại hội Đảng bộ các cấp để tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14.

Do đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Định Huệ đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu kỹ lưỡng hồ sơ, xem xét để kịp thời thể chế hóa Kết luận 48-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về sắp xếp tinh giản bộ máy biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của quản lý nhà nước.

Thứ ba, về công tác giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe báo cáo về kết quả giám sát bước đầu về chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông”.

Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là vấn đề rất quan trọng, nhạy cảm được nhân dân và cử tri quan tâm. Đoàn giám sát đã tổ chức làm việc rất công phu về nội dung này.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, tại phiên họp này là cho ý kiến bước đầu và đến phiên họp thường kỳ tháng 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức giám sát chính thức đối với chuyên đề quan trọng này.

Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tiếp tục xem xét về kết quả công tác dân nguyện của tháng 7.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc tổng kết, rà soát việc thực hiện Nghị quyết liên tịch 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 27/9/2012 về việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trong 10 năm qua, phương thức hoạt động của Quốc hội có nhiều thay đổi. Thực tiễn yêu cầu chất lượng hoạt động Quốc hội ngày càng yêu cầu phải được nâng lên. Do đó, việc tổng kết Nghị quyết liên tịch 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN là rất cần thiết.

Ngoài ra, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổng kết Kỳ họp thứ 5 và cho ý kiến bước đầu về chương trình, nội dung, chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các cơ quan, tổ chức hữu quan, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu tài liệu, phát huy kết quả những phiên họp trước, phát biểu sâu và liên tục cho ý kiến để phiên họp thường kỳ tháng 7 có kết quả tốt nhất.

MINH TRẦN

Hôm nay Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến việc sắp xếp các đơn vị hành chính

Nguyễn Hoàng Lâm