Ảnh minh họa.
Nhà nước xây dựng các cơ sở bảo trợ xã hội công lập để chăm nuôi trẻ mồ côi từ tiền ngân sách nhà nước và từ các khoản hỗ trợ tự nguyện của các tổ chức, cá nhân. Ngoài ra, nhà nước cũng khuyến khích các cơ quan, tổ chức cá nhân thực hiện các chương trình thiện nguyện như đóng góp tiền của để nuôi dưỡng trẻ mồ côi, nhận trẻ mồ côi làm con nuôi, thậm chí tổ chức thành các đơn vị bảo trợ xã hội ngoài công lập để bảo vệ, chăm sóc, giáo dục các trẻ mồ côi bị cha mẹ bỏ rơi,...
Theo quy định tại khoản 2, Điều 2 Nghị định 103/2017/NĐ-CP, cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập là cơ sở do các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ của cơ sở trợ giúp xã hội. Như vậy, cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập sẽ do cá nhân, tổ chức không phải cơ quan nhà nước thành lập, đầu tư cơ sở vật chất và kinh phí cho hoạt động của cơ sở.
Điều 3, Nghị định 103/2017/NĐ-CP quy định, Nhà nước khuyến khích các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước thành lập cơ sở trợ giúp xã hội để chăm sóc, trợ giúp đối tượng có nhu cầu trợ giúp xã hội trên lãnh thổ Việt Nam. Cá nhân, tổ chức đầu tư xây dựng cơ sở được hưởng chính sách khuyến khích xã hội hóa theo quy định của pháp luật.
Theo Điều 7 của nghị định này, cơ sở có một số hoặc các nhiệm vụ sau:
- Cung cấp các dịch vụ khẩn cấp: Tiếp nhận đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp; Đánh giá các nhu cầu của đối tượng; sàng lọc và phân loại đối tượng. Trường hợp cần thiết thì chuyển gửi đối tượng tới các cơ sở y tế, giáo dục, cơ quan công an, tư pháp hoặc các cơ quan, tổ chức phù hợp khác. Bảo đảm sự an toàn và đáp ứng các nhu cầu khẩn cấp của đối tượng như: Nơi cư trú tạm thời, thức ăn, quần áo và đi lại.
- Tham vấn, trị liệu rối nhiễu tâm trí, khủng hoảng tâm lý và phục hồi thể chất cho đối tượng.
- Tư vấn và trợ giúp đối tượng thụ hưởng các chính sách trợ giúp xã hội; phối hợp với các cơ quan, tổ chức phù hợp khác để bảo vệ, trợ giúp đối tượng; tìm kiếm, sắp xếp các hình thức chăm sóc.
- Xây dựng kế hoạch can thiệp và trợ giúp đối tượng; giám sát và rà soát lại các hoạt động can thiệp, trợ giúp và điều chỉnh kế hoạch.
- Tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội thuộc diện đặc biệt khó khăn, không tự lo được cuộc sống và không có điều kiện sinh sống tại gia đình, cộng đồng.
- Cung cấp dịch vụ điều trị y tế ban đầu.
- Tổ chức hoạt động phục hồi chức năng, trợ giúp các đối tượng trong các hoạt động tự quản, văn hóa, thể thao, các hoạt động khác phù hợp với lứa tuổi và sức khỏe của từng nhóm đối tượng lao động sản xuất theo quy định của pháp luật.
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị, tổ chức để dạy văn hóa, dạy nghề, giáo dục hướng nghiệp nhằm giúp đối tượng phát triển về thể chất, trí tuệ, nhân cách và hòa nhập cộng đồng.
- Cung cấp các dịch vụ về giáo dục xã hội và nâng cao năng lực: Cung cấp các dịch vụ về giáo dục xã hội để giúp đối tượng phát triển khả năng tự giải quyết các vấn đề, bao gồm cả giáo dục kỹ năng làm cha mẹ cho những đối tượng có nhu cầu; đào tạo kỹ năng sống cho trẻ em và người chưa thành niên; Hợp tác với các cơ sở đào tạo tổ chức đào tạo, tập huấn về công tác xã hội cho đội ngũ nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội hoặc làm việc tại các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội; Tổ chức các khóa tập huấn, hội thảo cung cấp kiến thức, kỹ năng cho các nhóm đối tượng có nhu cầu…
Đối với cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập, thì nguồn kinh phí để hoạt động bao gồm: Nguồn tự có của chủ cơ sở trợ giúp xã hội; nguồn trợ giúp từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; nguồn thu phí dịch vụ từ đối tượng tự nguyện; nguồn thu khác theo quy định của pháp luật; hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội.
Về quản lý tài chính, tài sản của các cơ sở bảo trợ xã hội, Điều 10, Nghị định 103/2017/NĐ-CP nêu rõ, cơ sở thực hiện quản lý tài chính, tài sản theo các quy định của pháp luật. Việc sử dụng và quản lý các nguồn kinh phí phải thực hiện công khai, minh bạch và theo Quy chế hoạt động, Quy chế chi tiêu của cơ sở. Cơ sở có trách nhiệm báo cáo kết quả tài chính định kỳ và hàng năm theo quy định của pháp luật.
Trường hợp những người có chức vụ quyền hạn ở cơ sở bảo trợ mà lợi dụng danh nghĩa cơ sở bảo trợ để đưa ra những thông tin gian dối nhầm chiếm đoạt tài sản của người khác từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội thì sẽ bị xử lý hình sự về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo Điều 174 Bộ luật Hình sự, mức hình phạt cao nhất của tội danh này có thể đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.
Đối với những người có chức vụ quyền hạn trong các cơ sở bảo trợ xã hội mà lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản thì sẽ bị xử lý hình sự về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" hoặc tội "Tham ô tài" sản theo các quy định của Bộ luật Hình sự.
Đối với hành vi lợi dụng hoạt động thiện nguyện để trục lợi, đây là hành vi vi phạm pháp luật, người thực hiện hành vi sẽ bị xem xét xử lý hình sự với những chế tài nghiêm khắc về các tội danh như "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", "Tham ô tài sản",…
Thời gian qua, lợi dụng thiên tai, dịch bệnh, lợi dụng các hoàn cảnh khó khăn của nhiều người mà đã xuất hiện những trường hợp trục lợi từ hoạt động từ thiện như vụ án ở Tịnh Thất Bồng Lai. Cơ quan chức năng cũng đã phát hiện và xử lý hình sự nhiều trường hợp, tuy nhiên các đối tượng vẫn mang danh từ thiện, lợi dụng hoạt động từ thiện để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, lợi dụng danh nghĩa từ thiện để làm giàu bất chính. Đây là vấn đề nhức nhối trong xã hội thời gian qua. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng cần siết chặt hơn nữa công tác quản lý đối với các cơ sở bảo trợ xã hội để tránh trục lợi và bạo hành trẻ em.
Tiến sĩ, Luật sư ĐẶNG VĂN CƯỜNG
Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam