Biểu tượng Facebook, Instagram, Whatsapp trên một màn hình điện thoại ở Chennai, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN.
Trong nghiên cứu được công bố ngày 04/5, TSB cho biết đã có sự gia tăng lớn về số vụ lừa đảo bắt nguồn từ các trang web và ứng dụng do công ty Meta sở hữu. Nghiên cứu nêu rõ lừa đảo trực tuyến hiện chiếm tới 80% các trường hợp trong ba loại lừa đảo lớn nhất mà TSB ghi chép được, là mạo danh, mua hàng và đầu tư.
Giám đốc phòng chống gian lận của TSB, Paul Davis, nhấn mạnh các công ty truyền thông xã hội cần phải khẩn trương rà soát những nền tảng xã hội mà họ sở hữu, để bảo vệ những khách hàng đang sử dụng dịch vụ của họ hàng ngày. Ông Davis cũng lên tiếng kêu gọi mọi người nên nâng cao cảnh giác, thận trọng hơn với những nội dung lừa đảo được che đậy một cách tinh vi trên mạng Internet.
Theo TSB, các vụ lừa đảo mạo danh bắt nguồn từ những nền tảng mạng xã hội do Meta sở hữu chiếm tới 86% các trường hợp trong danh mục vi phạm mà ngân hàng này ghi chép được trong hai năm 2021 và 2022, với 2/3 trong số đó xuất phát từ mạng WhatsApp.
Phân tích dữ liệu gian lận của TSB chỉ ra rằng các vụ lừa đảo mạo danh “gia đình và bạn bè” thông qua nền tảng nhắn tin di động tăng vọt 300% và ngân hàng này đã phải thực hiện các thao tác kỹ thuật để có thể hoàn trả tiền cho hơn 550 nạn nhân.
Chiêu thức phổ biến nhất mà kẻ lừa đảo sử dụng là giả làm bạn bè hoặc người thân của nạn nhân. Chúng sử dụng phương thức liên lạc qua mạng WhatsApp hoặc nền tảng nhắn tin khác, tìm cách chiếm được lòng tin của mục tiêu, sau đó sẽ hỏi vay tiền và thực hiện hành vi chiếm dụng.
TSB cảnh báo người tiêu dùng nên cảnh giác với bất kỳ tin nhắn bất thường nào được gửi từ chính gia đình hoặc bạn bè của họ. Trước khi quyết định chuyển tiền, họ nên liên hệ trực tiếp với người nhận tiền để đảm bảo thông tin là chính xác.
Ngoài ra, TSB cũng phát hiện ra rằng 80% trường hợp gian lận mua hàng – vụ việc một người nào đó bị lừa mua sản phẩm hoặc dịch vụ không tồn tại – thông qua các nền tảng của Meta chủ yếu xuất hiện trên trang Facebook Marketplace (chợ mua bán trên mạng Internet). Nghiên cứu của TSB nêu rõ số vụ lừa đảo trên Facebook Marketplace đã tăng gần gấp đôi trong vòng một năm qua và ngân hàng này đã tiền hành xác minh, hoàn trả tiền cho 2.100 trường hợp là các nạn nhân bị lừa đảo.
Liên quan tới chiêu thức lừa đảo đầu tư, số vụ lừa đảo diễn ra thông qua các nền tảng của Meta chiếm gần 87% tổng số vụ lừa đảo mà TSB ghi nhận được, chủ yếu bắt nguồn trên nền tảng Instagram và Facebook. Các chuyên gia về gian lận của TSB kêu gọi người tiêu dùng nên lựa chọn các nền tảng đầu tư đã được xác minh và công nhận, thay vì tham gia vào các kế hoạch “làm giàu nhanh” trên mạng xã hội.
Người phát ngôn của công ty Meta chia sẻ lừa đảo trên không gian mạng luôn là một vấn đề “nóng” đối với ngành công nghệ. Những kẻ lừa đảo đang sử dụng các phương pháp ngày càng tinh vi hơn, để lừa gạt mọi người theo nhiều cách khác nhau, như gửi thư điện tử (email), tin nhắn (SMS) và thậm chí cả hình thức liên lạc ngoại tuyến (offline)…
Meta đang tăng cường hơn nữa các biện pháp chống gian lận, bao gồm chạy chiến dịch nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về cách phát hiện hành vi gian lận, phối hợp với các công ty quản lý dịch vụ tài chính chính quy và hợp tác với cảnh sát để hỗ trợ điều tra gian lận…
Ngày 03/5, Chính phủ Anh đã đưa ra tuyên bố sẽ hành động mạnh mẽ nhằm chống lại vấn nạn lừa đảo đang ngày càng gia tăng trên không gian mạng, có thể bao gồm cả lệnh cấm loại hình công nghệ cho phép nhắn tin hàng loạt cho nhiều điện thoại.
DIỆU LINH/TTXVN