ChatGPT có thể là công nghệ có thể đảo ngược cách thức vận hành của các doanh nghiệp và xã hội. Nguồn: Getty Images.
Ngày 04/5, Cơ quan Quản lý Cạnh tranh Anh thông báo sẽ bắt đầu đánh giá tác động của trí tuệ nhân tạo (AI) với người tiêu dùng, doanh nghiệp và nền kinh tế, cũng như xem xét khả năng áp dụng các biện pháp mới nhằm kiểm soát các công nghệ như ChatGPT của công ty OpenAI.
Dù nghiên cứu về AI đã được thực hiện nhiều năm qua nhưng việc các ứng dụng AI tạo sinh như ChatGPT và Midjourney trở nên phổ biến nhanh chóng thời gian gần đây càng cho thấy đây là công nghệ có thể đảo ngược cách thức vận hành của các doanh nghiệp và xã hội.
Các chính phủ trên toàn thế giới đang nỗ lực tìm cách tiếp cận và hạn chế những tác hại tiềm ẩn từ AI mà không cản trở sáng tạo.
Hồi tháng Ba, Anh đã quyết định phân chia trách nhiệm quản lý AI trong nhóm các cơ quan giám sát về quyền con người, y tế và an ninh, cạnh tranh, mà không thiết lập một cơ quan mới chuyên giám sát công nghệ này.
Cơ quan Giám sát Cạnh tranh và Thị trường Anh (CMA) cho biết sẽ bắt đầu với việc tìm hiểu cách thức phát triển các mô hình AI sử dụng một lượng lớn các dữ liệu chưa được xác định và đánh giá việc ứng dụng các mô hình này trong tương lai.
Giám đốc điều hành (CEO) của CMA, Sarah Cardell, cho rằng AI đang ngày càng được biết đến nhiều hơn và đang phát triển rất nhanh.
Bà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo các doanh nghiệp và người tiêu dùng được hưởng những lợi ích tiềm năng từ công nghệ này đồng thời đảm bảo an toàn cho người dùng, tránh những thông tin sai lệch, giả mạo.
Động thái mới của giới chức quản lý Anh được đưa ra giữa lúc giới chức nhiều quốc gia trên thế giới mở các cuộc điều tra nhằm vào công nghệ này. Mỹ cũng đang xem xét các quy định để quản lý công nghệ AI.
Hồi tháng trước, các bộ trưởng phụ trách kỹ thuật số từ các nước Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) cũng nhất trí áp dụng cơ chế quản lý công nghệ AI dựa trên đánh giá rủi ro song song với việc đảm bảo môi trường thuận lợi cho việc phát triển những công nghệ này.
Italy, thành viên nhóm G7, gần đây đã cấm ChatGPT trong một thời gian ngắn để điều tra về nguy cơ ứng dụng này vi phạm các quy định về dữ liệu cá nhân.
Dù lệnh cấm sau đó đã được Italy dỡ bỏ nhưng động thái của Rome đã kích hoạt các hoạt động điều tra ở các nước khác trong Liên minh châu Âu (EU).
ChatGPT, viết tắt của Chat Generative Pre-training Transformer, là một chatbot do công ty OpenAI của Mỹ phát triển và ra mắt vào tháng 11/2022. ChatGPT được xây dựng dựa trên GPT-3.5 - một dòng mô hình ngôn ngữ lớn của OpenAI đồng thời được tinh chỉnh bằng cả hai kỹ thuật học tăng cường lẫn học có giám sát.
ChatGPT đã tạo ra một cơn sốt trên Internet chỉ sau một đêm khi ra mắt vào tháng 11/2022. Nó thu hút sự chú ý nhờ khả năng hồi đáp chi tiết và trả lời lưu loát các câu hỏi trên nhiều lĩnh vực kiến thức khác nhau. Kết quả là chatbot này đã thu hút hơn 01 triệu người dùng trong tuần đầu tiên kể từ khi ra mắt.
Giới phân tích chỉ ra rằng ChatGPT vẫn còn nhiều hạn chế như chất lượng câu trả lời phụ thuộc nguồn dữ liệu đã được học (bị hạn chế tới năm 2021), chưa cung cấp các nguồn tham chiếu của câu trả lời, chưa đáp ứng được tốt các câu hỏi yêu cầu chính xác và liên quan đến tương lai. Ngoài ra, chatbot này cũng bị chê vì mức độ cảm xúc và sáng tạo còn hạn chế.
Hạn chế lớn nhất của ChatGPT là nó có xu hướng tạo ra các nội dung văn bản nghe có vẻ hợp lý và có tính thuyết phục nhưng thực tế lại không chính xác hoặc vô nghĩa. Các chuyên gia cũng cảnh báo ChatGPT có thể được sử dụng trong các hoạt động tội phạm trên không gian mạng.
Bên cạnh đó, việc sử dụng ChatGPT có thể làm giảm sự sáng tạo và khả năng tư duy của con người, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình học tập. ChatGPT có thể tạo ra câu trả lời nhanh nhưng không giúp ích cho xây dựng các kỹ năng giải quyết vấn đề và tư duy phản biện.
Dù tồn tại những nhược điểm nêu trên, ChatGPT vẫn được ca ngợi là một sản phẩm AI đột phá, đe dọa phá vỡ các thị trường khác nhau, từ giáo dục và truyền thông cho đến công cụ tìm kiếm của Google.
LÊ ÁNH/TTXVN
Brazil yêu cầu Google chặn nội dung chống lại dự luật hạn chế tin giả