Ngày 11/6/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 121/2025/NĐ-CP về phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp (Nghị định 121/2025/NĐ-CP). Tại Điều 9 và Điều 10 Nghị định này quy định phân quyền cấp và thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh – thay vì Bộ trưởng Bộ Tư pháp theo Luật Luật sư năm 2006 được sửa đổi, bổ sung năm 2012, 2015 (Luật Luật sư).

Ảnh minh họa.
Ngoài ra, Nghị định 121/2025/NĐ-CP còn bao gồm một số quy định khác liên quan đến hành nghề luật sư như: Cấp lại Chứng chỉ hành nghề luật sư (Điều 11), công nhận đào tạo nghề luật sư ở nước ngoài (Điều 12) và giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi của Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư hoặc cơ quan thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam (Điều 13).
Mặc dù, không được phân tích trong khuôn khổ bài viết này, các quy định trên cũng góp phần hình thành bức tranh tổng thể về quản lý luật sư và hành nghề luật sư trong thời gian Nghị định 121/2025/NĐ-CP có hiệu lực. Tác giả lựa chọn tập trung vào quy định liên quan đến cấp và thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư vì đây là khâu có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền hành nghề, sự ổn định nghề nghiệp cũng như tính độc lập, chuyên nghiệp trong hoạt động hành nghề luật sư.
Các quy định pháp luật hiện hành liên quan đến thẩm quyền cấp và thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư
Luật Luật sư xác lập thẩm quyền tập trung của Bộ Tư pháp trong quản lý thống nhất hoạt động đào tạo, tập sự, cấp và thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư. Cụ thể:
- Về đào tạo nghề luật sư: Khoản 3 Điều 12 quy định Chính phủ quyết định về cơ sở đào tạo nghề luật sư. Theo khoản 1 Điều 2 Nghị định 123/2013/NĐ-CP [1], cơ sở đào tạo nghề luật sư bao gồm Học viện Tư pháp và cơ sở thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Trên thực tế, hiện nay chỉ có Học viện Tư pháp – đơn vị thuộc Bộ Tư pháp – đang thực hiện chức năng này.
- Về tập sự hành nghề luật sư: Khoản 4 Điều 14: Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định cụ thể về việc tập sự hành nghề luật sư; Khoản 3 Điều 15: Bộ Tư pháp có trách nhiệm hướng dẫn và giám sát việc tổ chức kiểm tra kết quả tập sự.
- Về cấp và thu hồi chứng chỉ hành nghề: Khoản 3 Điều 17: Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư; Khoản 2 Điều 18: Bộ trưởng Bộ Tư pháp có thẩm quyền thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư.
Cách xác lập thẩm quyền này phản ánh mô hình quản lý ngành đặc thù – thống nhất và xuyên suốt từ Trung ương – nhằm bảo đảm sự đồng bộ về chất lượng chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp và phù hợp với đặc thù của nghề luật sư - độc lập, có phạm vi trên toàn quốc – thay vì là một hoạt động hành chính mang tính địa phương.
Đồng thời, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2025 khẳng định rõ nguyên tắc quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực, theo đó khoản 1 Điều 22 quy định: “Bộ, cơ quan ngang bộ là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về một hoặc một số ngành, lĩnh vực và dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực được phân công trong phạm vi toàn quốc".
Tiếp đó, theo điểm a khoản 10 Điều 2 Nghị định 39/2025/NĐ-CP ngày 26/02/2025 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp, trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp có nhiệm vụ, quyền hạn: chỉ đạo, theo dõi, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, kiểm tra tổ chức và hoạt động luật sư.
Ngoài ra, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 cũng không trao thẩm quyền cấp và thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư cho chính quyền địa phương.
Như vậy, việc Bộ trưởng Bộ Tư pháp giữ thẩm quyền cấp và thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư là phù hợp với mô hình quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực được thực hiện thống nhất từ trung ương theo Luật Tổ chức Chính phủ năm 2025 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025.
Nghị định 121/2025/NĐ-CP có nội dung khác với Luật Luật sư, nhưng không trái luật: Cơ sở pháp lý đặc biệt từ Nghị quyết 190/2025/QH15
Khoản 1 Điều 9 Nghị định 121/2025/NĐ-CP như sau: “Việc cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư được quy định tại khoản 3 Điều 17 của Luật Luật sư năm 2006 được sửa đổi, bổ sung năm 2012, 2015 (sau đây gọi là Luật Luật sư) thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh”.
Khoản 1 Điều 10 Nghị định 121/2025/NĐ-CP như sau: “Việc thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư được quy định tại khoản 2 Điều 18 của Luật Luật sư thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh”.
Rõ ràng, Nghị định 121/2025/NĐ-CP đã có sự điều chỉnh căn bản về thẩm quyền cấp và thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư, khi chuyển từ Bộ trưởng Bộ Tư pháp – người đứng đầu cơ quan quản lý ngành ở trung ương – sang Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh – người đứng đầu cơ quan hành chính địa phương. Sự thay đổi này có nội dung khác với Luật Luật sư cả về chủ thể thực hiện và mô hình quản lý ngành.
Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, sự thay đổi nêu trên được thực hiện trên cơ sở quy định tại khoản 1 Điều 13 và khoản 3 Điều 1 Nghị quyết số 190/2025/QH15 ngày 19/02/2025 của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước (Nghị quyết số 190/2025/QH15). Theo đó, Quốc hội cho phép Chính phủ được ban hành văn bản có nội dung khác với luật hiện hành (trừ Hiến pháp), nhằm xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước. Cụ thể:
- Khoản 3 Điều 1 Nghị quyết 190/2025/QH15 quy định: ”Các vấn đề được xử lý theo Nghị quyết này là vấn đề phát sinh trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước có nội dung khác hoặc chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật (trừ Hiến pháp), văn bản hành chính và các hình thức văn bản khác đang còn hiệu lực tại thời điểm thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước (sau đây gọi chung là văn bản)”.
- Khoản 1 Điều 13 Nghị quyết 190/2025/QH15 quy định: “Chính phủ, …. xem xét, ban hành văn bản giải quyết hoặc ủy quyền ban hành văn bản giải quyết các vấn đề phát sinh thuộc thẩm quyền của Quốc hội khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước,…”.
Như vậy, có thể khẳng định rằng việc Nghị định 121/2025/NĐ-CP quy định khác với Luật Luật sư về thẩm quyền cấp và thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư là có căn cứ pháp lý rõ ràng, cụ thể là dựa trên Nghị quyết 190/2025/QH15 của Quốc hội.
Nhận diện nguy cơ phát sinh từ việc phân quyền cấp và thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư
Việc phân quyền cấp và thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là một điều chỉnh đáng quan tâm, bởi lẽ nghề luật sư không chỉ đòi hỏi trình độ chuyên môn cao và tuân thủ nghiêm ngặt các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, mà còn hành nghề độc lập, có phạm vi trên toàn quốc, thay vì bị giới hạn trong địa bàn hành chính cấp tỉnh. Đây là điểm khác biệt căn bản so với nhiều lĩnh vực quản lý hành chính mang tính địa phương.
Do đó, trong thời gian 20 tháng Nghị định 121/2025/NĐ-CP có hiệu lực (từ 01/7/2025 đến hết ngày 28/02/2027), cần theo dõi và đánh giá các nguy cơ phát sinh từ thực tiễn triển khai nhằm kịp thời có những điều chỉnh phù hợp nếu xuất hiện bất cập. Một số vấn đề dưới đây cần được đặc biệt lưu tâm:
Thứ nhất, nguy cơ xung đột về lợi ích trong tố tụng hành chính kéo theo suy giảm tính độc lập trong hành nghề luật sư.
Trong các vụ án hành chính, luật sư thường đại diện hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người khởi kiện. Đáng lưu ý, ở phần lớn các vụ án này, người bị kiện lại là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh/huyện hoặc chính Ủy ban nhân dân cấp tỉnh/huyện – chiếm tới khoảng 86% tổng số vụ án hành chính trong năm 2024 [2].
Điều này đồng nghĩa với việc luật sư có thể tham gia tranh tụng trực tiếp với chính người đã cấp và đang có thẩm quyền thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư của mình.
Mặc dù, pháp luật quy định rõ về nguyên tắc công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền trong thi hành công vụ tại khoản 3 Điều 3 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), tuy nhiên việc cùng một cá nhân vừa là người có quyền quản lý hành chính, vừa là người bị luật sư phản biện tại tòa vẫn tiềm ẩn nguy cơ xung đột về lợi ích.
Xung đột này không nhất thiết xảy ra một cách rõ ràng, mà có thể diễn ra ở mức độ tâm lý, gián tiếp: luật sư có thể nể nang, né tránh va chạm, tự hạn chế quan điểm phản biện, hoặc cân nhắc khi nhận các vụ việc liên quan đến chính quyền địa phương. Điều đó khiến cho tính độc lập trong hành nghề luật sư – vốn là nguyên tắc cốt lõi được quy định tại khoản 3 Điều 5 Luật Luật sư – bị suy giảm trên thực tế.
Đây cũng là vấn đề đã được dự liệu trong Quy tắc 15.1 của Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam. Theo quy định này, luật sư không được nhận hoặc thực hiện vụ việc trong trường hợp có xung đột về lợi ích, trong đó xung đột về lợi ích được hiểu theo nghĩa rộng, như sau:
"Xung đột về lợi ích là trường hợp do ảnh hưởng từ quyền lợi của luật sư, nghĩa vụ của luật sư đối với khách hàng hiện tại, khách hàng cũ, bên thứ ba dẫn đến tình huống luật sư bị hạn chế hoặc có khả năng bị hạn chế trong việc thực hiện nghĩa vụ bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của khách hàng".
Như vậy, với nguy cơ xung đột lợi ích trong tố tụng hành chính kéo theo suy giảm tính độc lập trong hành nghề luật sư nêu trên, luật sư có thể buộc phải từ chối tham gia các vụ án hành chính tại chính địa phương nơi mình là thành viên của Đoàn Luật sư.
Thứ hai, nguy cơ thiếu thống nhất trong việc xét cấp chứng chỉ hành nghề luật sư.
Việc phân quyền cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư cho nhiều địa phương có thể dẫn đến sự khác biệt trong cách hiểu và áp dụng điều kiện hành nghề theo quy định pháp luật, đặc biệt khi xem xét các trường hợp thuộc diện không đủ điều kiện được cấp Chứng chỉ theo khoản 4 Điều 17 Luật Luật sư, như: Không đủ tiêu chuẩn luật sư, bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự, từng bị kết án...
Thứ ba, khoảng cách giữa yêu cầu triển khai và điều kiện bảo đảm thực hiện.
Với bối cảnh Nghị định 121/2025/NĐ-CP chỉ có hiệu lực trong 20 tháng (từ 01/7/2025 đến hết ngày 28/02/2027), trong khi việc triển khai phân quyền cần đi kèm với các điều kiện kỹ thuật, tổ chức và nhân sự tương ứng. Từ việc hướng dẫn, tập huấn cho các cơ quan chuyên môn ở địa phương – đặc biệt tại 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh mới được thành lập [3] – cho đến cơ chế phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, đều là những yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả thực hiện.
Thứ tư, nguy cơ về tính khách quan và minh bạch trong xử lý hồ sơ.
Khi cơ quan hành chính địa phương trực tiếp thực hiện thẩm quyền này, việc bảo đảm tính minh bạch và khách quan trong toàn bộ quy trình cấp, thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư là một yêu cầu quan trọng. Trong thực tế, có thể phát sinh những yếu tố tác động từ quan hệ quen biết, áp lực hành chính hoặc yếu tố “thiên vị địa phương”, nếu thiếu cơ chế giám sát hiệu quả.
Thứ năm, nguy cơ phát sinh độ trễ trong giải quyết thủ tục hành chính.
Trong giai đoạn đầu thực hiện, một số địa phương có thể gặp khó khăn do chưa kịp kiện toàn bộ máy, quy trình nội bộ hoặc chưa được tập huấn đầy đủ. Bên cạnh đó, quá trình chuyển tiếp cũng có thể phát sinh những vướng mắc – chẳng hạn như việc xử lý các hồ sơ đang do Bộ Tư pháp giải quyết nhưng đến thời điểm Nghị định có hiệu lực lại thuộc thẩm quyền mới của địa phương, dẫn đến lúng túng trong xác định trách nhiệm giải quyết hoặc hướng dẫn thực hiện.
Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết hồ sơ cấp, thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư. Ngoài ra, nếu thiếu sự liên thông về dữ liệu và quy trình giữa các đơn vị liên quan, nguy cơ gia tăng thủ tục hoặc lúng túng trong vận hành cũng cần được lưu ý.
Thứ sáu, khó khăn trong việc đồng bộ và điều phối dữ liệu hành nghề luật sư.
Việc phân quyền cấp và thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư đặt ra yêu cầu về cơ chế báo cáo và liên thông dữ liệu giữa các địa phương và cơ quan trung ương. Trong trường hợp thiếu một hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, hoặc hệ thống này chưa vận hành hiệu quả, việc theo dõi biến động trong đội ngũ luật sư, phát hiện các xu hướng vi phạm đạo đức nghề nghiệp, hay đánh giá hiệu quả hoạt động quản lý trên phạm vi toàn quốc sẽ gặp khó khăn.

Luật sư Đặng Kim Chinh.
Kết luận và đề xuất
Việc phân quyền cấp và thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo Nghị định 121/2025/NĐ-CP là một giải pháp có tính đặc thù về pháp lý, được đặt trong bối cảnh sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước theo Nghị quyết 190/2025/QH15.
Mặc dù chỉ có hiệu lực trong 20 tháng (từ ngày 01/7/2025 đến hết ngày 28/2/2027), nhưng sự thay đổi này vẫn tiềm ẩn những nguy cơ cần được nhận diện và kiểm soát kịp thời.
Từ những phân tích nêu trên, tác giả đề xuất:
Một là, trong thời gian triển khai Nghị định 121/2025/NĐ-CP, cần thiết lập cơ chế triển khai chặt chẽ, đi kèm với các biện pháp bảo đảm tính công khai, minh bạch và nhất quán trong toàn hệ thống – đặc biệt trong công tác hướng dẫn chuyên môn, kiểm tra, giám sát và liên thông dữ liệu.
Hai là, khi tổng kết việc thực hiện Nghị định 121/2025/NĐ-CP, cần đánh giá toàn diện các tác động của việc phân quyền – không chỉ từ góc độ quản lý nhà nước, mà còn xét đến yêu cầu nội tại của nghề luật sư, vốn là một nghề mang tính đặc thù, đòi hỏi trình độ chuyên môn cao, sự tuân thủ nghiêm ngặt các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, tính độc lập, chuyên nghiệp và phạm vi hành nghề trên toàn quốc.
Trường hợp các bất cập được xác định rõ trong quá trình triển khai hoặc tổng kết việc thực hiện Nghị định 121/2025/NĐ-CP, cần cân nhắc điều chỉnh theo hướng thống nhất trở lại, theo đó, việc cấp và thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
1. Nghị định 123/2013/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn và biện pháp thi hành Luật luật sư (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 137/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 và Nghị định 112/2025/NĐ-CP ngày 29/05/2025 của Chính phủ).
2. Mục c Phần 1 Chương II Báo cáo tổng kết công tác năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2025 của các Tòa án do Tòa án nhân dân tối cao ban hành (dự thảo), truy cập tại: https://www.toaan.gov.vn/webcenter/portal/tatc/tailieuhoinghi2025; truy cập lúc 15h40 ngày 13/06/2025;
Số liệu tương đối: 86% được tính căn cứ vào số liệu tuyệt đối trong Báo cáo – cụ thể: “Năm 2024, Tòa án các cấp đã thụ lý 653.082 vụ việc… Tình hình thụ lý, giải quyết từng loại vụ việc cụ thể như sau:…Trong số 13.009 vụ án hành chính đã thụ lý, có 11.236 vụ án hành chính người bị kiện là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện”.
3. Nghị quyết 202/2025/QH15 ngày 12/6/2025 của Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.