/ Luật sư - Bạn đọc
/ Sự điềm tĩnh

Sự điềm tĩnh

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Sự điềm tĩnh là điều rất cần thiết, chúng ta ai cũng dễ dàng nhận biết nếu như trong cuộc sống con người thiếu sự điềm tĩnh, thì sẽ nguy hại không chỉ với bản thân mà còn ảnh hưởng đến người khác, thậm chí đến cả cộng đồng, xã hội.

Ảnh minh họa.

Điềm tĩnh là một tính cách đáng quý mà con người cần phải có. Ông cha ta có câu “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”. “Cha mẹ” ở đây thể hiện yếu tố di truyền về mặt sinh học, đồng thời nó phản ánh cách giáo dục, dạy dỗ của cha mẹ đối với con cái. Nếu ngay từ nhỏ con người được hấp thu từ một nền tảng gia đình có giáo dục, thì lớn lên họ có nhiều cơ hội trở thành một người có những tính cách tốt. Còn “trời” ở đây là sự tác động của các mối quan hệ ngoài gia đình: trường học, bạn bè, môi trường sống, pháp luật, các chuẩn mực xã hội... là các yếu tố góp phần quan trọng chi phối tạo nên tính cách của con người.

Trong cuộc sống bận rộn, hối hả ngày nay, con người phải chịu nhiều áp lực về công việc, sinh hoạt, môi trường và những sự việc xảy ra hàng ngày ngoài ý muốn, nên nhiều khi người ta không kiểm soát được chính mình, những cơn nóng giận tức thời có thể gây ra những hành vi tiêu cực. Mặc dù ai cũng hiểu sự điềm tĩnh là cần thiết, song không phải ai cũng có được tính cách này. Để điềm tĩnh trở thành bản lĩnh thì con người phải trải qua quá trình học tập, rèn luyện, trải nghiệm trong thực tế. Sự điềm tĩnh là thước đo độ chín chắn, tự tin, bản lĩnh tự chủ, sức mạnh nội tâm của mỗi người. Điềm tĩnh không phải là nhu nhược hay cam chịu, mà chính là giữ được tâm trạng ổn định không để những cảm xúc tiêu cực bên ngoài điều khiển, chi phối. Sự điềm tĩnh giúp cho con người dù gặp hoàn cảnh khó khăn không bối rối, không sợ hãi, không bỏ cuộc mà bình tĩnh xem xét, đánh giá và xử lý tình huống, công việc một cách tích cực, hiệu quả.

Trong cuộc sống mỗi người mỗi tính, người điềm tĩnh, người nhanh nhẹn, người lại sôi nổi, nồng nhiệt, lại có người vội vàng hay nóng nảy..., các tính cách này hỗ trợ, bổ sung cho nhau, mỗi tính cách đều có giới hạn và các giới hạn đúng thời điểm đều có thể phát huy sức mạnh đầy đủ của nó trong từng môi trường, hoàn cảnh cụ thể. Tuy nhiên, trong sự cố bất ngờ hay các tình huống rối loạn thì rất cần người điềm tĩnh, sáng suốt để mọi người sẽ nhìn vào người đấy lấy lại sự cân bằng, ổn định cho mình và cho những người xung quanh. Cho dù tính cách có khác nhau, nhưng điều cần thiết nhất là mỗi người phải biết mình là ai, đang ở đâu, mặt mạnh, điểm yếu của mình là gì, những giới hạn nào không được vượt qua, những giới hạn nào có thể vượt qua được để có cách cư xử và thực hiện hành vi cho đúng mực, góp phần tạo ra một xã hội ổn định, trật tự.

Xã hội ngày càng phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của con người không ngừng được nâng lên. Tuy nhiên, những mặt trái tiêu cực của kinh tế thị trường cũng nảy sinh nhiều tội phạm, kích thích lối sống thực dụng, chủ nghĩa cá nhân. Đặc biệt với sự phát triển của khoa học kỹ thuật công nghệ thông tin đến chóng mặt đã ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ, hành vi của con người, nhất là với lớp trẻ. Người ta đánh nhau với rất nhiều lý do: Va chạm giao thông trên đường, một cái nhìn không thiện cảm, mời rượu không uống, thua cờ bạc, tranh giành thị trường, thậm chí chỉ vì xích mích ngay cả với anh em, bạn bè... Trong thời gian vừa qua dư luận hết sức bức xúc, đồng tình lên án các trường hợp cố tình không chấp hành các quy định phòng chống dịch, thậm chí còn có những hành vi chống trả người thi hành công vụ, đã có nhiều trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng.

Cùng với đó là đủ thứ tin đồn thất thiệt, tin giả lây lan nhanh chóng. Việc xuất hiện thông tin xấu cùng số lượng lớn các video “tự phát” được phát tán tràn lan trên không gian mạng đã làm ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào công tác phòng, chống dịch bệnh. Đây là thứ “virus” độc hại làm méo mó suy nghĩ và nhận thức, dẫn đến những hành động không đúng của nhiều người. Lợi dụng dịch tình hình dịch bệnh, các thế lực thù địch, phản động đã tìm đủ cách phát tán trên không gian mạng nhiều thông tin xuyên tạc tình hình dịch bệnh và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, kích động người dân tích trữ lương thực, thực phẩm, di chuyển tự phát từ nơi đang ở gây phát tán dịch bệnh ra nhiều địa phương... Mục đích của chúng không chỉ là trục lợi, mà còn gây hoang mang, lo sợ trong cộng đồng, tạo ra tình trạng bất ổn, chia rẽ nội bộ, làm mất ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; gây bức xúc trong dư luận xã hội và khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh của chúng ta.

Điều đáng tiếc là còn rất nhiều người do thiếu sự điềm tĩnh đã không xem xét, đánh giá thông tin và nhiều người khác do nhận thức kém, thiếu hiểu biết lại a dua, góp nhặt, chia sẻ những thông tin thiếu xác thực trên trang facebook cá nhân, vô tình tiếp tay cho việc lan truyền “virus” độc hại trên không gian mạng. Vào thời điểm nhạy cảm này, những vấn đề nóng cả xã hội đang quan tâm từng phút, từng giây, những tin độc hại nguy hiểm không kém gì dịch Covid-19 và đôi khi chính những dòng chữ vô cảm còn trở thành tội ác đối với đồng loại.

Hiện nay, trước tình hình loạn thông tin trên mạng, chúng ta vừa phải chống dịch, vừa phải chống tin giả độc hại, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm. Ngoài trách nhiệm của các cơ quan chức năng còn rất cần các cơ quan báo chí giữ vai trò truyền tải, định hướng dư luận qua những thông tin chuẩn xác, kịp thời để xây dựng niềm tin cho nhân dân, lan tỏa những giá trị tốt đẹp nhân văn của con người Việt Nam.

Nhớ lại trong những năm tháng chiến tranh, nhân dân Việt Nam với biết bao gian khó, thiếu thốn mọi thứ. Đêm về không điện, không đèn, nhưng khi đi ngủ không phải đóng cửa, thóc lúa, nông sản và các dụng cụ chỉ cần che đậy để ngoài đồng cả tháng mà không mất trộm; cần đi tàu xe, mua thực phẩm, lấy nước máy, tham gia giao thông... mọi người trật tự xếp hàng đợi đến lượt. Nhà nào có nồi khoai, bắp ngô, củ sắn, bát canh ngon gọi mời cả xóm, ai có công, có việc hay gặp chuyện vui buồn, bà con trong thôn, tổ dân phố xúm lại giúp đỡ vô điều kiện. Khi ấy đi ra đường người ta không nghe tiếng chửi tục, nói bậy và đặc biệt không có chuyện gây gổ đánh nhau hay trộm cướp. Thời kỳ đó nhân dân ta sống trong một môi trường lành mạnh, xã hội trật tự, con người điềm tĩnh, cư xử với nhau hài hòa, nhân ái; chính vì thế mà chúng ta mới tồn tại, mới chiến thắng được kẻ thù tàn bạo có tiềm lực kinh tế, sức mạnh vật chất hơn ta gấp nhiều lần.

Thế giới không thể nào quên thảm họa kép xảy ra ngày 11/3/2011 tại Nhật Bản, một trận động đất chưa từng có làm hàng chục ngàn người chết, mất tích và bị thương, nhiều thị trấn bị xóa sổ; đồng thời sóng thần đã gây ra thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima khiến các vùng dân cư xung quanh bị nhiễm phóng xạ, hơn 10 năm qua con người vẫn chưa thể sinh sống trở lại. Cả thế giới kinh hoàng, nhưng điều làm người ta nhớ nhiều hơn lại chính là sự điềm tĩnh của người Nhật; mặc dù phải vượt qua thảm họa đau xót nhưng dường như người trong cuộc lại có thái độ bình tĩnh hơn người ngoài cuộc để cùng nhau vượt qua thảm họa khủng khiếp này. Thêm nữa, điều mà người ta phải học tập là thái độ tham gia giao thông của người Nhật. Giao lộ Shibuya đông nghẹt người ở Tokyo được xem là biểu tượng của Nhật Bản, du khách luôn phải ngỡ ngàng trước ngã tư nổi tiếng được mệnh danh là “Giao lộ bận rộn nhất thế giới”. Vào những thời điểm đông đúc cứ 2 phút lại có khoảng 1.500 đến 2.500 người băng qua đường, tương đương mỗi ngày có tới hơn 2,4 triệu khách bộ hành đi qua. Dòng người tiến ra từ bốn phía, tạo nên một khung cảnh vừa hỗn loạn vừa quy củ đến hoàn hảo mỗi khi đèn giao thông chuyển màu. Hỗn loạn mà lại vô cùng trật tự, tất cả đều được bắt đầu từ hành vi ứng xử điềm tĩnh của con người.

Đối với các nước phát triển, cách tổ chức xã hội khoa học, văn minh, dân trí cao, mỗi cá nhân khi thực hiện đúng nghĩa vụ, trách nhiệm họ sẽ nhận được quyền lợi tương xứng, mà không cần phải tranh cướp, chen lấn để có phần lợi hơn người. Còn đối với các nước nghèo lạc hậu, đang phát triển, dân trí còn thấp thì nhiều khi người cư xử đúng, chấp hành và thực hiện tốt nghĩa vụ lại bị thiệt thòi về quyền lợi do bị chen lấn, xô đẩy, thậm chí là chèn ép, tranh cướp. Sự thiếu công bằng là nguyên nhân tạo ra sự hỗn loạn và tiêu cực trong xã hội. Xã hội trật tự, nền nếp, công bằng là cơ hội cho những tính cách tốt đẹp của con người phát huy hết giá trị.

Sự điềm tĩnh chính là bản lĩnh của một người cần phải được rèn luyện, trải nghiệm qua thử thách trong cuộc sống, nó giúp chúng ta trong mọi hoàn cảnh luôn bình tĩnh, sáng suốt xử lý tình huống và thực hiện hành vi một cách tích cực, hiệu quả, không gây hậu quả xấu, bản thân không phải ân hận hay hối tiếc. Con người là hạt nhân của xã hội, nếu mỗi cá nhân luôn rèn luyện để có tính cách tốt thì sẽ có hành động đúng, bản thân và gia đình hạnh phúc, góp phần xây dựng xã hội công bằng, văn minh.

Luật sư TRẦN VĂN CHƯƠNG

Mừng, đau và vô cùng buồn

Lê Minh Hoàng