Sử dụng chứng cứ điện tử để chứng minh trong tố tụng hình sự

21/12/2023 22:47 | 4 tháng trước

(LSVN) - Chứng cứ là yếu tố quan trọng, có tính chất quyết định đối với các chủ thể tổ tụng khi trình bày, bảo vệ quan điểm của mình trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Chứng cử điện tử với ý nghĩa là chứng cử khai thác từ nguồn dữ liệu điện tử được thể hiện thông qua các thông điệp điện tử có khả năng truyền tải thông tin, được sử dụng chứng minh trong tố tụng hình sự ngày càng trở lên phổ biến, với nhiều hình thức khai thác khác nhau nên cần được nhận thức thống nhất và hoàn thiện chế định này trong các văn bản pháp luật, cũng như việc tổ chức thực hiện các quy định pháp luật có liên quan.

Ảnh minh họa.

1. Nhận thức về chứng cứ điện tử trong tố tụng hình sự

1.1. Khái niệm về chứng cứ và chứng cứ điện tử

Trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự, các chủ thể tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng phải dựa vào chứng cứ để bảo vệ quan điểm của mình hoặc căn cứ vào chứng cứ để quyết định, thực hiện hành vi tố tụng được chính xác, thuyết phục đối với các chủ thể tố tụng khác.

Về bản chất, để có thể sử dụng chứng cứ trong chứng minh, giải quyết vụ việc, vụ án hình sự thì chứng cứ bắt buộc phải có đầy đủ các thuộc tính sau:

- Chứng cứ phải có khả năng khiến bất cứ một người bình thường nào đều có thể nhận thức được thông qua năm giác quan chính là thị giác, thính giác, khứu giác, xúc giác, vị giác. Không những chỉ nhận thức được chứng cứ mà sau khi nhận thức được thì chủ thể đã nhận thức có thể chỉ ra cho các chủ thể khác cùng nhận thức một cách thống nhất. Về mặt hình thức chứng cứ phải được biểu hiện, thể hiện bằng những thông điệp giao tiếp mà một người bình thường có thể nhận biết được đó là chữ viết, chữ số, ký hiệu, ký tự, âm thanh, hình ảnh hoặc dạng tương tự. Hay nói cách khác chứng cứ chính là những thông tin phản ánh về sự kiện phạm tội đã xảy ra trong quá khứ, được biểu hiện dưới dạng thông điệp giao tiếp đang được các chủ thể tiến hành, tham gia tố tụng xem xét, đánh giá, giúp hình thành những quan điểm, kết luận, quyết định trong quá trình giải quyết vụ việc, vụ án hình sự. Tất cả những yếu tố chỉ một chủ thể hoặc một số chủ thể đặc biệt mới có khả năng nhận thức hoặc không thể chuyển tải dưới dạng thông điệp giao tiếp thông thường thì không phải là chứng cứ.

- Thông tin được thể hiện dưới dạng thông điệp giao tiếp nhất định là một trong những điều kiện cần để trở thành chứng cứ và nó chỉ trở thành chứng cứ khi có thêm các thuộc tính khác nữa và khách quan là một thuộc tính bắt buộc để thông tin trở thành chứng cứ. Thuộc tính khách quan của thông tin có nghĩa là thông tin phải phản ánh đúng bản chất về sự vật, hiện tượng như nó vốn có. Mọi thông tin mặc dù được thể hiện dưới một dạng thông điệp giao tiếp cụ thể nhưng được chuyền tải tới người khác theo ý chủ quan không phản ánh đúng với bản chất của sự vật, hiện tượng là các sự kiện phạm tội xảy ra trong quá khứ thì đều không trở thành chứng cứ.

- Thuộc tính bắt buộc khác của thông tin để có thể trở thành chứng cứ đó là những thông tin phải liên quan đến vụ việc, vụ án hình sự mà các chủ thể tố tụng đang xem xét, giải quyết có ý nghĩa trong việc giải quyết các vụ việc, vụ án hình sự và có khả năng làm sáng tỏ những vấn đề khác có liên quan, có khả năng giúp đưa ra kết luận, quan điểm và áp dụng pháp luật.

- Một thuộc tính nữa để thông tin có thể trở thành chứng cứ đó là những thông tin phải được các chủ thể tố tụng thu thập đưa vào hồ sơ vụ việc, vụ án hình sự, theo đúng trình tự, thủ tục mà pháp luật quy định. Những thông tin cho dù phản ánh đúng bản chất sự vật hiện tượng, có liên quan đến vụ việc, vụ án hình sự nhưng không được ghi nhận, thu thập một cách hợp pháp thì cũng không trở thành chứng cứ.

Từ những phân tích, luận giải trên đây có thể đưa ra khái niệm về chứng cứ như sau: “Chứng cử là những thông tin được thể hiện dưới dạng một thông điệp cụ thể mà con người có thể nhận biết được như chữ viết, chữ số, ký hiệu, ký tự, âm thanh, hình ảnh hoặc dạng tương tự khác, được ghi nhận, thu thập được trong hồ sơ vụ việc, vụ án hình sự theo đúng trình tự, thủ tục do pháp luật quy định, phản ánh một cách khách quan, liên quan đến hành vi phạm tội trong quả khứ đang được các chủ thể tố tụng thu thập, xem xét, đánh giá và sử dụng để giải quyết đúng đắn vụ việc, vụ án hình sự”.

Với ý nghĩa là thông tin được thể hiện dưới dạng một thông điệp cụ thể như chữ viết, chữ số, ký hiệu, ký tự, âm thanh, hình ảnh hoặc dạng tương tự được hình thành trong cuộc sống tự nhiên và lao động của con người bằng các chất liệu truyền thống khác nhau, con người có thể truyền tải thông tin cho nhau như trực tiếp nói cho nhau nghe, vẽ cho nhau xem, gửi thư... Khi người ta phát hiện ra dòng điện và các thiết bị điện tử thì các thiết bị điện tử cũng có khả năng khởi tạo, truyền đi và tiếp nhận các tín hiệu mang thông điệp truyền tải thông tin, giúp con người có thể giao tiếp với nhau. Khi bước vào kỷ nguyên số, bằng các vi mạch đã định dạng và phát đi các tín hiệu được biểu hiện bằng số “0” và số “1” (dữ liệu điện tử kỹ thuật số) có khả năng tạo thành nhiều thông điệp điện tử kỹ thuật số khiến giác quan của con người nhận biết dưới dạng chữ viết, chữ số, ký hiệu, ký tự, âm thanh, hình ảnh hoặc dạng tương tự.

Với đặc tính của dữ liệu điện tử kỹ thuật số có khả năng chuyển hóa để mang lại cho giác quan của con người những thông điệp truyền tải thông tin như chữ viết, chữ số, âm thành, hình ảnh hoặc dạng tương tự đã giúp con người có thêm phương tiện giao tiếp mới trong cuộc sống thông qua các thiết bị, phương tiện điện tử nên trong việc giải quyết các vụ việc, vụ án hình sự dữ liệu có thể giúp khai thác thông tin nhằm xác định sự kiện phạm tội xảy ra trong quá khứ, chứng minh tội phạm, giúp giải quyết đúng đắn vụ án, với ý nghĩa đó dữ liệu điện tử đã trở thành một trong số bảy nguồn chứng cứ và được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015.

Mặc dù trong các văn bản pháp luật của Việt Nam hiện nay không sử dụng thuật ngữ “Chứng cử điện tử”, tuy nhiên trong thực tiễn đời sống pháp lý Việt Nam và các tài liệu nghiên cứu khoa học thì thuật ngữ này vẫn được sử dụng tương đối phổ biến với nghĩa đó là chứng cứ được khai thác từ nguồn dữ liệu điện tử. Trong tiếng Anh thuật ngữ “chứng cứ điện tử” (electronic evidence) bao gồm hai dạng là “chứng cử điện tử dạng analog” (analog evidence) và “chứng cử điện tử dạng kỹ thuật số” (digital evidence).

1.2. Quy định của pháp luật tố tụng hình sự năm 2015 liên quan đến chứng cứ điện tử và những hạn chế của quy định hiện tại

Điều 86 BLTTHS năm 2015 kế thừa quy định của BLTTHS năm 2003 trong việc đưa ra khái niệm chứng cứ. Theo đó, chứng cứ được xác hiểu là: “Những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”. So với khái niệm về chứng cứ điện tử nêu trên có thể thấy quy định của Điều 86 BLTTHS sử dụng thuật ngữ “những gì có thật” sẽ không tường minh bằng sử dụng thuật ngữ “những thông tin phản ánh về hành vi phạm tội”. Mặt khác, bên cạnh quy định về chứng cứ nếu BLTTHS bổ sung quy định về “Chứng cử điện tử là một loại chứng cứ đặc biệt được thu thập từ nguồn dữ liệu điện tử” sẽ giúp các cơ quan tó tụng dễ dàng nhận biết, thu thập, bảo quản, củng cố, đánh giá và sử dụng loại chứng cứ này trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.

Trước khi có BLTTHS năm 2015 thì dữ liệu điện tử không được xác định là một trong những nguồn chứng cứ, kể từ khi có BLTTHS năm 2015 thì dữ liệu điện tử đã được xác định là một trong bảy nguồn chứng cứ và được quy định tại Khoản 1 Điều 87 việc quy định bổ sung nguồn chứng cứ này giúp cho các cơ quan tố tụng khi thu thập được chứng cứ từ nguồn chặn thu, phục hồi từ dữ liệu bị xóa, thu trên không gian mạng, thu từ các phần mềm, khu vực lưu trữ đám mây (iCloud)... đảm bảo thuộc tính hợp pháp của chứng cứ.

Bên cạnh việc quy định dữ liệu điện tử là một trong các nguồn chứng cứ thì Điều 99 BLTTHS còn đưa ra khái niệm: “Dữ liệu điện tử là ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử” và xác định những nơi có thể thu thập dữ liệu điện tử “Dữ liệu điện tử được thu thập từ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông, trên đường truyền và các nguồn điện tử khác”. Với cách quy định như Điều 99 hiện tại còn có hạn chế, chưa đảm bảo tính khoa học bởi đã đồng nhất giữa dữ liệu điện tử và thông điệp truyền tải thông tin kỹ thuật số có nguồn gốc từ dữ liệu điện tử (ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự). Để thu thập dữ liệu điện tử sử dụng cho việc chứng minh trong tố tụng hình sự, Điều 107 BLTTHS xác định hai cách thức thu đó là thu giữ cùng phương tiện chứa đựng dữ liệu điện tử hoặc sao lưu dữ liệu điện tử vào phương tiện điện tử và bảo quản như đối với vật chứng (khi không thể thu giữ cùng phương tiện điện tử). Đồng thời khoản 4, khoản 5 Điều 107 BLTTHS quy định:

“Việc phục hồi, tìm kiếm, giảm định dữ liệu điện tử chỉ được thực hiện trên bản sao; kết quả phục hồi, tìm kiếm, giám định phải chuyển sang dạng có thể đọc, nghe hoặc nhìn được. ... Phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử được bảo quản như vật chứng theo quy định của Bộ luật này. Khi xuất trình chứng cử là dữ liệu điện tử phải kèm theo phương tiện lưu trữ dữ liệu hoặc bản sao dữ liệu điện tử.”

Với quy định của Điều 107 cho thấy dữ liệu điện tử thu được, muốn khai thác được chứng cứ từ nguồn này thì luôn luôn phải đảm bảo tính nguyên vẹn và có thể kiểm tra trong toàn bộ quá trình tố tụng, không được làm ảnh hưởng tính nguyên vẹn này khi áp dụng các biện pháp điều tra dưới dạng phục hồi dữ liệu đã bị xóa, tìm kiếm dữ liệu điện tử và giám định dữ liệu điện tử. Để dữ liệu điện tử có khả năng khai thác chứng cứ điện tử thì dữ liệu điện tử bắt buộc phải có khả năng chuyển hóa thành dạng thông điệp truyền tải thông tin.

Theo quy định, việc bảo quản nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử được thực hiện như các loại vật chứng thông thường để từ đó khai thác chứng cứ sử dụng chứng minh tội phạm trong tố tụng hình sự là chưa thực sự hợp lý bởi nếu vậy không thể áp dụng thành tựu khoa học trong bảo quản vật chứng như xác định giá trị hàm để chứng minh tính toàn vẹn của dữ liệu điện tử, sử dụng trí tuệ nhân tạo trong bảo quản dữ liệu điện tử...

2. Một số khó khăn, hạn chế trong việc sử dụng chứng cứ điện tử để chứng minh trong tố tụng hình sự

Hiện nay dịch vụ Internet đã có khả năng hỗ trợ với các thiết bị di động nên việc sử dụng Internet không ngừng tăng lên và các đối tượng lợi dụng mạng máy tính, mạng viễn thông để thực hiện hành vi phạm tội khác cũng có xu hướng tăng rất nhanh. Tội phạm thực hiện trên không gian mạng không còn bị kiểm soát bởi biên giới quốc gia, các đối tượng phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng, trên phạm vi rộng, số lượng bị hại rất lớn và hành vi phạm tội liên quan đến một khối lượng khổng lồ các dữ liệu điện tử có khả năng thu giữ được, đòi hỏi các cơ quan tiến hành tố tụng phải có phương pháp, cách thức để chắt lọc, thu giữ, sử dụng dữ liệu điện tử, chứng cứ điện tử hợp lý mới có thể chứng minh tội phạm một cách đầy đủ, nhanh chóng, kịp thời.

Tội phạm được thực hiện trên không gian mạng thường khó bị phát hiện, ngăn cản hay bắt giữ hơn... với các thủ đoạn tinh vi có thể kể đến như: Sử dụng mạng thông tin truyền thông để xâm hại đối với bị hại trực tuyến với thời gian thực; sử dụng mạng thông tin truyền thông như là một phương tiện để hỗ trợ hoặc thực hiện hành vi phạm tội truyền thống; thông qua mạng thông tin truyền thông để phát hiện, tiếp cận, kết nối, dụ dỗ, lừa gạt để sau đó thực hiện hành vi phạm tội...

Hệ thống các khung pháp lý quy định về việc khai thác dữ liệu điện tử nhằm phục việc việc buộc tội, tranh tụng trong các vụ án hình sự chưa được ban hành một cách đầy đủ, thống nhất như chưa có một quy trình chuẩn để thực hiện việc ghi âm, ghi hình có âm thanh bằng kỹ thuật số khi hỏi cung bị can, lấy lời khai, thực nghiệm điều tra, đối chất, nhận dạng... Chưa có các văn bản quy định về cách thức, tiểu chuẩn khi khôi phục dữ liệu điện tử bị xóa từ các thiết bị điện tử, phương tiện điện tử; chưa có quy định về việc bảo quản, sao chép, lưu trữ các dữ liệu điện tử hình thành từ các hoạt động tố tụng hình sự...

Các Kiểm sát viên chưa được đào tạo một cách bài bản, đầy đủ để có hiểu biết sâu sắc về dữ liệu điện tử, thiết bị, phương tiện điện tử, phần mềm ứng dụng trên các thiết bị, phương tiện điện tử để có thể khai thác đầy đủ, triệt để các dữ liệu điện tử nhằm phục vụ việc buộc tội, tranh tụng tại phiên tòa xét xử hình sự nên gặp không ít thách thức trong sử dụng chứng cứ điện tử để chứng minh tội phạm.

Các điều kiện đảm bảo, hỗ trợ việc khai thác dữ liệu điện tử phục vụ việc giải quyết các vụ án theo quy định của tố tụng hình sự vẫn còn nhiều hạn chế, hầu hết các Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án chưa được trang bị các thiết bị, phương tiện điện tử và phần mềm tương thích phục vụ cho các hoạt động tố tụng hình sự.

Việc nhận thức và tổ chức thực hiện các quy định liên quan đến dữ liệu điện tử phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử đến nay vẫn chưa được các cấp, các ngành, các cơ quan tư pháp đánh giá cao và quan tâm một cách đúng mức, trong phạm vi cả nước, có nhiều vùng trình độ dân trí còn thấp, kém nên còn xa lạ với các thiết bị, phương tiện điện tử, kỹ thuật số.

Ngoài những khó khăn trên còn có một số các thách thức, khó khăn mà nhiều nước trên thế giới cũng gặp phải khi khai thác nguồn dữ liệu điệu tử phục vụ việc điều tra, giải quyết vụ án như: Chưa có quy định và sự thống nhất trong việc quy định nghĩa vụ của các công ty viễn thông, các nhà cung cấp dịch vụ mạng máy tính, mạng viễn thông phải cung cấp cho các cơ quan thực thi pháp luật dữ liệu điện tử về người dùng bao gồm nội dung về hoạt động của họ và địa chỉ IP, các thông tin khác không thuộc nội dung sử dụng dịch vụ hoặc không có quy định thống nhất về trách nhiệm lưu giữ các dữ liệu này trong khoảng thời gian là bao lâu. Nên trong trường hợp tội phạm sử dụng các phần mềm, trang Web có máy chủ đặt bên ngoài quốc gia mà hành phạm tội được diễn ra sẽ khiến các cơ quan tó tụng càng khó thu thập được các dữ liệu điện tử từ nhà mạng. Việc quy định người dùng Internet bắt buộc phải thể hiện dõ danh tính không được sự thống nhất ở các quốc gia. Nhiều quốc gia cho phép người dùng có thể ẩn danh (không phải đăng ký tên khi sử dụng) cũng khiến công tác điều tra, phát hiện tội phạm và buộc tội gặp khó khăn hơn; khung pháp lý trong việc bảo quản, thu giữ giữ liệu điện tử theo yêu cầu của quốc gia khác vẫn còn là vấn đề nhạy cảm, hoạt động gián điệp thông qua hệ thống mạng máy tính chưa có những quy định thống nhất giữa các quốc gia. Chưa có những công ước quốc tế điều chỉnh cụ thể vấn đề này.

Việc tuần tra trên mạng để phát hiện các trang web được tổ chức với mục đích phạm tội của lực lượng điều tra còn hạn chế vì lực lượng phòng chống loại tội phạm này thường không phải là lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao, các dữ liệu điện tử thu được trong giai đoạn này khi chưa khởi tố vụ án hình sự thì chưa đảm bảo tính hợp pháp theo tố tụng nếu không được chuyển hóa sau đó. Biện pháp điều tra đưa ra tình huống tương tự để đối tượng thực hiện tội phạm trên mạng bộc lộ bản chất và danh tính chưa được luật hóa và coi đây là biện pháp điều tra theo tố tụng.

3. Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng của hoạt động sử dụng chứng cứ điện tử trong chứng minh tội phạm

Để có thể khai thác, sử dụng chứng cứ điện tử có hiệu quả trong chứng minh tội phạm giải quyết vụ án hình sự cần có một số giải pháp sau:

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến việc triển khai thực hiện, quản lý, khai thác dữ liệu điện tử phục vụ việc buộc tội, tranh tụng tại phiên tòa hình sự, khắc phục những hạn chế như trên đã phân tích.

Sớm số hóa các tài liệu thông thường, các tàng thư tội phạm, thông tin về công dân Việt Nam, người không quốc tịch, công dân nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, các kết luận điều tra, cáo trạng, bản án... liên quan đến các tội xâm hại tình dục nói chung và xâm hại tình dục trẻ em nói riêng để hình thành những kho dữ liệu điện tử hỗ trợ việc khai thác phục vụ việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn để những người có thẩm quyền tố tụng đều hiểu biết sâu sắc các tội phạm trên môi trường mạng cùng với các kỹ năng, hiểu biết về dữ liệu điện tử, chứng cứ điện tử và việc khai thác trong buộc tội, tranh tụng. Đưa vào chương trình giảng dạy tại các cơ sở đào tạo về tư pháp hình sự chuyên đề chuyên sâu về tội phạm trên không gian mạng, dữ liệu điện tử, chứng cứ điện tử; triển khai bồi dưỡng, tập huấn cho lực lượng có thẩm quyền tố tụng đang thực thi pháp luật mà chưa được đào tạo về các tội phạm trên không gian mạng, dữ liệu điện tử, chứng cứ điện tử. Trang bị các cơ sở vật chất cho các cơ quan tiến hành tố tụng, trong đó có các phương tiện điện tử, thiết bị điện tử, phần mềm uy tín để hỗ trợ việc tìm kiếm, phát hiện, ghi nhận, thu thập, bảo quản, củng cố, đánh giá, sử dụng các dữ liệu điện tử, chứng cứ điện tử trong giải quyết vụ án hình sự. Đồng thời, củng cố các chứng cứ khác thông qua chứng cứ điện tử và ngược lại. Hình thành đội ngũ hỗ trợ và bổ trợ tư pháp có kiến thức chuyên môn sâu, có khả năng sử dụng các trang thiết bị điện tử, phương tiện điện tử, phần mềm để có thể phát hiện các dấu vết phi truyền thống, dấu vết điện tử... nhằm thu thập, bảo quản, giám định, khai thác tốt nhất nguồn chứng cứ điện tử phục vụ giải quyết vụ án. Hoàn thiện các quy định pháp lý liên quan khác đến quản lý, khai thác, sử dụng dữ liệu điện tử từ các thiết bị điện tử, phương tiện điện tử, phần mềm... để đảm bảo tính liên quan, khách quan, hợp pháp của chứng cứ điện tử trong những trường hợp dữ liệu điện tử được khôi phục sau khi bị xóa; phát hiện, bảo quản, sao lưu dữ liệu điện tử trước khi đưa đi giám định; thu giữ các dữ liệu điện tử đang truyền trong không gian... Hoàn thiện các quy định của tố tụng hình sự trong việc tìm kiếm, phát hiện, ghi nhận, thu thập, bảo quản, đánh giá, sử dụng chứng cứ điện tử bởi loại chứng cứ này có rất nhiều đặc điểm khác biệt so với chứng cứ truyền thống. Đặc biệt áp dụng biện pháp trinh sát trên mạng để phát hiện và ngăn ngừa hành vi phạm tội trên môi trường mạng. Luật hóa biện pháp điều tra theo tố tụng đối với việc tạo tình huống tư tự để đối tượng phạm tội bộc lộ bản chất, thể hiện danh tính và địa chỉ nhằm phát hiện, xử lý tội phạm. Tăng cường hợp tác quốc tế, chia sẻ thông tin, hiểu biết về việc dữ liệu điện tử, chứng cứ điện tử trong việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự; việc sử dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật hình sự đặc biệt là kỹ thuật số, kỹ thuật điện tử, trí tuệ nhân tạo trong  hiện và đấu tranh với các loại tội phạm.

Sử dụng các phương tiện điện tử, thiết bị điện tử để hỗ trợ việc tương trợ tư pháp hình sự và hợp tác quốc tế trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự có nhiều đối tượng phạm tội ở các quốc gia khác nhau, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm mạng, tội phạm công nghệ cao... nhằm giảm các chi phí tố tụng, rút ngắn thời gian giải quyết vụ án nhưng vẫn đạt được hiệu quả như mong muốn.

Các quốc gia trên thế giới cần thống nhất đối với quy định về việc lưu trữ thông tin của nhà cung cấp dịch vụ và kiểm soát thông tin về người dùng cụ thể: Quy định các nhà cung cấp dịch vụ có nghĩa vụ lưu giữ dữ liệu điện tử liên quan đến người dùng Internet trong thời gian tối thiểu nhất định; quy định việc yêu cầu xác định người truy cập Internet thông qua các thiết bị đầu cuối tại nơi công cộng thì buộc chủ sở hữu hoặc người phụ trách xác định những thông tin xác định các cá nhân này.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ luật Tố tụng dân sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2015.

2. Bộ luật Tố tụng Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2015.

3. Luật Tố tụng hành chính nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2015.

4. Tài liệu hội thảo “Tập huấn điều tra tội phạm trên không gian mạng”, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Đại sứ quán Hoa Kỳ, Hạ Long, 11-15/7/2022.

5. PGS.TS. Nguyễn Đức Hạnh, TS. Lại Viết Quang (Đồng chủ biên), “Tội phạm mạng máy tính và công nghệ thông tin, truyền thông”, NXB Thanh Niên (2021), Hà Nội.

6. TS. Bùi Thanh Thủy, Tạp chí Thư viện Việt Nam (2018).

ĐẶNG ĐÌNH THÁI

Tòa án quân sự khu vực Quân khu 4

Quyết liệt xử lý các tổ chức, cá nhân trá hình kinh doanh tiền tệ