Luật gia Đỗ Trọng Thắng, Chuyên viên pháp lý, Công Ty Luật TNHH TGS.
Ngày 27/06 vừa qua, vào khoảng 1 giờ sáng, người dân phát hiện một thanh niên đi xe máy bất ngờ bị ngã bất tỉnh trên đường Nguyễn Ái Quốc, hướng từ Quảng trường tỉnh về ngã tư Tân Phong. Ngay sau đó, nạn nhân được đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong do vết thương quá nặng.
Qua quá trình khám nghiệm bước đầu, công an xác định trong người nạn nhân có nhiều vết đạn bắn xuyên qua ngực, nghi đạn hoa cải. Hiện lực lượng công an đang tiếp tục khám nghiệm hiện trường, thu thập dấu vết để phục vụ công tác điều tra.
Vậy, hiện nay pháp luật quy định thế nào về loại súng này? Người sử dụng súng hoa cải làm chết người có thể bị xử lý về tội gì?
Về vấn đề này, Luật gia Đỗ Trọng Thắng, Chuyên viên pháp lý, Công Ty Luật TNHH TGS cho biết, súng hoa cải là một loại vũ khí nguy hiểm, có thể gây thương tích hoặc thậm chí tước đoạt mạng sống của người khác. Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 1 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017, sửa đổi 2019, vũ khí bao gồm: vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự. Trong đó, vũ khí có tính năng tác dụng tương tự súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao là “vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất tương tự như súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao.”
Theo đó, súng hoa cải là loại vũ khí được chế tạo thủ công, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp và có khả năng gây sát thương cho con người nên được coi là một loại vũ khí, xếp vào nhóm “vũ khí có tính năng tác dụng tương tự súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao”.
Việc sử dụng súng hoa cải làm chết người sẽ bị xử lý hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015. Cụ thể, Điều 306 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: “Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự như súng săn, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”
Theo đó, nếu hành vi này gây ra hậu quả nghiêm trọng như: Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng… thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Khoản 2 Điều 306 Bộ luật Hình sự với mức phạt cao nhất là 05 năm tù.
Như vậy, đối với hành vi sử dụng súng hoa cải làm chết người như trường hợp trên thì đối tượng vi phạm có thể bị xử phạt lên đến 5 năm tù. Bên cạnh đó, nếu xác định được hành vi phạm tội của đối tượng là lỗi cố ý thì còn bị xử phạt về tội "Giết người" theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Luật gia Đỗ Trọng Thắng cho biết thêm, hành vi cung cấp, mua bán súng hoa cải là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội. Điều 5 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017, sửa đổi 2019 quy định hành vi nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ hoặc chi tiết, cụm chi tiết để lắp ráp vũ khí, công cụ hỗ trợ.là các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng vũ khí theo quy định của pháp luật. Việc cung cấp, mua bán súng hoa cải có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 306 Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo đó, người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự như súng săn, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Bên cạnh đó, nếu người phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng và có các tình tiết tăng nặng được quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 306 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì có thể bị xử phạt với mức phạt tù cao nhất lên đến 07 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
Hiện nay tình trạng mua bán, sử dụng các loại súng hoa cải, súng săn… diễn ra ngày càng nhiều. Đây là một vấn đề đáng lo ngại khi hành vi này có thể xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của con người. Có thể thấy, Bộ luật Hình sự và các văn bản pháp luật có liên quan, nhất là Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017, sửa đổi 2019 và Nghị định số 144/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội đã có những quy định cụ thể, chặt chẽ với chế tài nghiêm khắc về vấn đề này.
Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật và hạn chế việc mua bán, sử dụng các loại súng nói trên, trước hết, các cơ quan chức năng liên quan cần chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác đấu tranh, điều tra xử lý các hành vi vi phạm; phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng, Hải quan có biện pháp ngăn chặn các loại vũ khí có nguồn gốc từ nước ngoài vào thị trường Việt Nam. Đồng thời, cũng cần tuyên truyền, vận động người dân thực hiện theo đúng chủ trương, chính sách của Nhà nước, tham gia đấu tranh với các hành vi buôn lậu, sử dụng trái phép các loại vũ khí. Bên cạnh đó, cần xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm để răn đe và cảnh cáo cho những đối tượng khác.
PV
Cần tăng cường các giải pháp để ngăn chặn tội phạm mua bán người