Ảnh minh họa.
Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Diệp Năng Bình, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh cho biết, nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công được quy định cụ thể tại Điều 6 Luật Quản lý sử dụng tài sản công 2017. Theo đó, mọi tài sản công đều phải được Nhà nước giao quyền quản lý, quyền sử dụng và các hình thức trao quyền khác cho cơ quan, tổ chức, đơn vị và đối tượng khác theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 22 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, những xe sau đây được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới theo thứ tự: Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ; xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường; xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu; xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật; đoàn xe tang.
Những xe ưu tiên nêu trên (trừ đoàn xe tang) khi đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông. Khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên.
Về việc sử dụng thiết bị phát tín hiệu ưu tiên, Nghị định 109/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tín hiệu của xe được quyền ưu tiên thì thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên bao gồm: Còi phát tín hiệu ưu tiên; đèn phát tín hiệu ưu tiên; cờ hiệu ưu tiên. Đèn phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên gồm 02 loại: Đèn đơn (hình dạng: hình tròn hoặc hình trụ); đèn kép (hình dạng: dạng hình hộp chữ nhật loại 02 bóng đèn hoặc dạng hình hộp chữ nhật loại 04 bóng đèn).
Đồng thời, quy định các đối tượng được lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên như sau:
- Xe quân sự đi làm nhiệm vụ khẩn cấp (xe quân sự đi thực hiện nhiệm vụ chỉ huy chữa cháy, chỉ huy cứu hộ, cứu nạn, chỉ huy tác chiến, thông tin làm nhiệm vụ hỏa tốc, chỉ huy đoàn hành quân, xe làm nhiệm vụ kiểm soát quân sự, kiểm tra xe quân sự, bảo vệ đoàn; xe thực hiện nhiệm vụ bắt, khám xét hoặc thực hiện các hoạt động điều tra, dẫn giải tội phạm, tham gia phòng, chống khủng bố);
- Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ, xe Cảnh sát giao thông dẫn đường, xe Công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp (xe đi thực hiện nhiệm vụ bắt, khám xét hoặc tiến hành các hoạt động điều tra, dẫn giải người phạm tội, chống biểu tình, bạo loạn, giải tán đám đông gây rối trật tự công cộng, xe làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát giao thông, chỉ huy tác chiến chống khủng bố, thông tin làm nhiệm vụ hỏa tốc, chỉ huy đoàn hành quân);
- Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu (xe đang chở bệnh nhân cấp cứu hoặc đi đón bệnh nhân cấp cứu);
- Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh; xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp (xe đi thi hành các biện pháp đặc biệt khi có tình trạng đe dọa nghiêm trọng an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội hoặc khi có thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm).
Đối với những xe trên khi đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn ưu tiên theo quy định; không bị hạn chế tốc độ, được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông. Khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên.
Căn cứ quy định nêu trên thì những xe ưu tiên chỉ được bật tín hiệu còi ưu tiên khi đi làm nhiệm vụ. Trường hợp không đi làm nhiệm vụ mà vẫn cố tình bật tín hiệu còi để được quyền ưu tiên khi tham gia giao thông là trái quy định.
Theo Luật sư, mọi hành vi sử dụng xe công sai mục đích, chế độ, vượt tiêu chuẩn, địch mức sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định số 63/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước.
Cụ thể, điểm c Khoản 2 Điều 8 Nghị định này quy định hành vi giao, sử dụng tài sản công không đúng mục đích (sử dụng tài sản công không đúng với mục đích, công năng sử dụng của tài sản được đầu tư, trang bị, mua sắm; sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp làm nhà ở hoặc sử dụng vào mục đích cá nhân; sử dụng xe ô tô đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc đối với chức danh không có tiêu chuẩn; sử dụng xe ô tô phục vụ công tác cho các chức danh không có tiêu chuẩn sử dụng xe mà không được cấp có thẩm quyền phê duyệt; giao, sử dụng xe ô tô vào mục đích cá nhân; sử dụng máy móc, thiết bị, tài sản khác vào mục đích cá nhân) sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Mức phạt tiền nêu trên là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính; thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng một phần hai mức phạt tiền đối với tổ chức.
Ý NHƯ
Phê chuẩn Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa Việt Nam và Thái Lan