Ảnh minh hoạ.
Quý I/2023 cả nước sôi nổi đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Đất đai sửa đổi với rất nhiều hình thức, thông qua các hội nghị từ cơ sở của các cơ quan, tổ chức. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, từ ngày 03/01 đến hết 15/3, cơ quan này đã nhận được 8,36 triệu lượt đóng góp ý kiến của nhân dân cho dự thảo. Có ý kiến rất tâm huyết, dài hàng chục trang về tất cả nội dung. Một số tổ chức, cá nhân gửi góp ý nhiều lần. Tất cả đều thể hiện mong muốn dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cần minh định thật rõ ràng, cụ thể các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Theo kế hoạch, dự luật này sẽ được Chính phủ trình xin ý kiến Quốc hội lần 2 tại Kỳ họp thứ 5 vàxem xét thông qua tại kỳ họp cuối năm nay. Song, do tính chất đặc biệt quan trọng của sự kiện pháp lý này, nhiều người dân đề nghị Quốc hội cân nhắc chưa thông qua dự thảo Luật Đất đai sửa đổi vào kỳ họp cuối năm 2023, mà lùi lại để có thêm thời gian hoàn thiện. Nội dung trên được Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam nêu trong báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, ngày 20/3/2023. Theo đó, có ý kiến cho rằng việc sửa đổi Luật Đất đai lần này cần thêm thời gian. Quá trình tổ chức lấy ý kiến vừa qua còn gấp gáp, “không tránh khỏi tình trạng hình thức” ở nhiều địa phương, đơn vị. Khi có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện, luật sửa đổi “sẽ thực sự chất lượng, hiệu quả”. Hội đồng Tư vấn dân chủ pháp luật (MTTQ Việt Nam) thống kê, dự luật có hơn 50 điều ủy quyền cho Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết, trong đó có nội dung hạn chế quyền công dân bắt buộc phải quy định bằng luật. Đó là khoản 5 Điều 66 quy định về “tiêu chí và quyết định khoanh định khu vực hạn chế tiếp cận đất đai theo đối tượng sử dụng đất liên quan đến quốc phòng, an ninh”. Hội đồng đề nghị ban soạn thảo khắc phục tình trạng ủy quyền lập pháp quá nhiều trong một đạo luật. Việc ủy quyền chỉ giao quy định chi tiết một điểm hoặc một khoản trong một điều luật và phải xác định rõ phạm vi, nội dung. Bởi lẽ, đất đai là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, là thành phần quan trọng hàng đầu của môi trường sống, là địa bàn phân bố các khu dân cư, xây dựng các cơ sở kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Đất đai cũng là vấn đề rất phức tạp, nhạy cảm, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, liên quan đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội.
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 23/6/2023 đưa tin: Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân, Bộ đã rà soát 88 luật, bộ luật có chứa quy phạm pháp luật về đất đai, trong đó đã chỉ ra 22 luật, bộ luật có nội dung chưa thống nhất với Luật Đất đai; đối với 15 luật (Luật Đầu tư; Luật Đấu thầu; Luật Doanh nghiệp; Luật Công nghệ cao; Luật Quy hoạch đô thị; Luật Xây dựng; Bộ luật Dân sự; Luật Công chứng; Luật Đấu giá tài sản; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Giá; Luật Khoáng sản; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Tố tụng hành chính; Luật Khiếu nại) có nội dung chưa thống nhất với Luật Đất đai, đã được dự thảo Luật Đất đai trực tiếp sửa đổi để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các luật, bộ luật.
Luật mới phải góp phần chấm dứt bi kịch lâu nay từ đất đai
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý: “Tôi đã nhiều lần nhắc lại câu nói của Các Mác rằng: “Lao động là cha, đất đai là mẹ của của cải vật chất”; nhiều người giàu lên nhờ đất, nhưng cũng có không ít người nghèo đi vì đất, thậm chí bị đi tù cũng vì đất, mất cả tình nghĩa cha con, anh em vì đất... Không phải ngẫu nhiên mà trong thời gian qua có tới hơn 70% số vụ tố cáo, khiếu nại thuộc về lĩnh vực đất đai”.
Đúng như điều đã được Tổng Bí thư lưu ý, hiện nay nhiều nơi sử dụng tài nguyên đất lãng phí, hiệu quả thấp, vẫn còn đó các trường hợp câu kết “lợi ích nhóm”, phù phép biến hóa những “lô đất vàng, lô kim cương” của Nhà nước thành tài sản cá nhân. Trong khi Luật Đất đai năm 2013 chưa theo kịp tình hình phát triển, chưa có khả năng đi trước đón đầu, tạo hàng rào pháp lý chặt chẽ cho việc quản lý đất đai, dẫn đến số vụ khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực đất đai ngày nhiều, phức tạp. Công tác định giá, đền bù, giải phóng mặt bằng chưa bảo đảm khách quan, công bằng, dẫn đến sự búc xúc của người dân, việc kiện cáo, tranh chấp đất đai diễn ra từ gia đình cho đến các đơn vị, cơ quan. Các quy định, nghị định dưới luật kiểu “luật con” kèm quy định của chính quyền địa phương về đất đai gây hiểu nhầm, chồng chéo, mâu thuẫn, nảy sinh tình trạng “trung ương gật, địa phương lắc, cán bộ ậm ờ”.
Thông tin về hơn bốn chục vị cấp tướng, kể cả bên công an và bên quốc phòng, dính vào vòng lao lý thời gian qua mà chủ yếu liên quan đến chuyện đất đai gây bức xúc trong cộng đồng. Điều đó xuất phát từ những bất cập trong quy định tại Luật Đất đai hiện hành dẫn đến những điều kiện, cơ hội khiến họ “khó kiểm soát” được bản thân nên phải nhận hậu quả đáng tiếc như vậy.
Điều 197 Bộ luật Dân sự hiện hành quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Cá nhân và tổ chức chỉ có quyền sử dụng đất và quyền này được xác lập do Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc công nhận quyền sử dụng đất. Điều đó có nghĩa là họ không có quyền sở hữu mảnh đất họ đang sử dụng - bởi quyền sở hữu bao gồm 03 quyền: quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt.
Hàng triệu người dân đang sử dụng mảnh đất, mới được giao hoặc do gia tộc họ sinh cơ lập nghiệp ở đó đã hàng trăm năm, đã lầm tưởng rằng họ có quyền sở hữu. Từ đó dẫn đến vô vàn cuộc tranh chấp kéo dài, có khi cả hàng chục năm, dẫn tới những cuộc án mạng, tổn thương nghiêm trọng tình thân trong gia đình, dòng họ. Các vụ tranh chấp về nhà đất chiếm tới phân nửa trong tổng số các tranh chấp về dân sự do tòa án thụ lý.
Những vụ truy tố, xét xử các cán bộ sai phạm, đặc biệt là qua những vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, thấy rõ sai phạm trong lĩnh vực đất đai không đơn lẻ mà xảy ra trên diện rộng và liên quan đến nhiều địa phương và một số bộ, ngành. Trong sự “nhúng chàm” của những cán bộ có thẩm quyền, nhất là khi thâu tóm đất có giá trị thương mại cao, thấy bóng dáng của sự “cộng sinh” với tư nhân, doanh nghiệp. Đó là những sai phạm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện dự án đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm với nhiều cán bộ TP. Hồ Chí Minh bị xử lý. Hay như vụ nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam cùng hàng loạt cựu lãnh đạo tỉnh này có nhiều sai phạm để “đất vàng” rơi vào tay tư nhân, gây thiệt hại tài sản Nhà nước cả ngàn tỷ đồng... Bộ Công an khởi tố hàng loạt cựu lãnh đạo cấp cao Bộ Công thương liên quan sai phạm tại dự án ở khu đất có diện tích khoảng6.000 m2 số 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1, TP. Hồ Chí Minh). Một số “lỗ hổng” trong Luật Đất đai và các văn bản dưới luật đã để cho các nhóm lợi ích thao túng, lợi dụng để chiếm đoạt, làm giàu bất chính.
Những hành vi tham nhũng trong thực thi pháp luật, chính sách đất đai thường dưới dạng: chuyển đất đai là tài nguyên, quyền sử dụng đất là tài sản công thành đất đai có quyền sử dụng đất là tài sản tư nhân thông qua việc thu hồi đất (diện tích đất thu hồi nhiều hơn quy hoạch, thu hồi đất không đúng quy định); giao đất và cho thuê đất không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng, xác định giá trị đất đai thấp hơn giá trị thị trường; hoặc xác định giá trị đất đai thấp hơn giá trị thị trường trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; gây khó khăn, nhũng nhiễu trong thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai...
Điểm nhấn cần chú trọng trong Luật Đất đai sửa đổi
Chính sách được ban hành không thể bao phủ toàn bộ các góc cạnh của cuộc sống nhưng cần tháo gỡ được những khó khăn, ách tắc trong thực tế cả về thể chế và khâu tổ chức thực hiện; tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý đất đai theo hướng ai làm tốt hơn thì giao nhiệm vụ, cá thể hóa trách nhiệm, phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao năng lực thực thi của các cấp và đội ngũ cán bộ, tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp...
Cái khó là, Luật Đất đai sửa đổi phải nhằm giải quyết các vướng mắc trong thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, tăng khả năng tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp, giải quyết những bất cập của giá đất, để hạn chế một cách tối đa lợi ích nhóm từ chênh lệch địa tô… đồng thời kiểm soát được quyền lực của Nhà nước trong giao đất, cho thuê đất và thu hồi đất, hoàn thiện chế định thu hồi đất, bảo vệ quyền lợi của người nông dân, những người dân có cuộc sống mưu sinh từ đất. Bởi vậy, cần chú trọng một số điểm nhấn khi sửa đổi quy định pháp luật liên quan đến đất đai như: quy định đấu thầu quyền sử dụng đất, tăng khả năng tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp, quy định chặt chẽ về việc hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất bắt buộc phải được công chứng tại các cơ quan có thẩm quyền, tạo sự đồng bộ giữa quy định của Luật Đất đai với Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản, sửa các khoản để làm rõ các thời điểm liên quan đến hợp đồng có đối tượng là quyền sử dụng đất và phù hợp Bộ luật Dân sự năm 2015.
Ngoài ra, Luật Đất đai sửa đổi phải có quy định rõ ràng, rạch ròi giữa đất công và đất tư, tạo tiền đề hình thành và thực hành chính sách về quản trị đất đai khoa học, phù hợp với thời đại công nghiệp 4.0 hiện nay.
Do chế độ sở hữu toàn dân về đất đai, mọi thửa đất đều là “đất công”, nhưng sự khác nhau ở đây là ai sử dụng, hay nói rõ hơn, sự phân biệt “công” và “tư” ở đây không gắn với quyền sở hữu đất mà phải là “sử dụng đất vào mục đích tư hay công”. Sự không mạch lạc trước đây về “sử dụng đất công” hay “sử dụng đất tư” chính là nội dung trọng tâm của tham nhũng đất đai. Bởi vậy, theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, Luật Đất đai sửa đổi phải quy định rành mạch đất “công” và “tư” - tức là phải có định nghĩa pháp lý rõ ràng. Theo đó, “đất sử dụng vào mục đích tư” là đất do các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân sử dụng khi được Nhà nước công nhận quyền sử dụng, Nhà nước giao đất, Nhà nước cho thuê đất. “Đất thuộc phạm vi công” là đất không sử dụng vào mục đích tư, bao gồm đất giao cho các cơ quan nhà nước, cộng đồng dân cư sử dụng hoặc quản lý; đất chưa sử dụng và đất Nhà nước chưa giao, chưa cho thuê.
Hy vọng việc sửa đổi Luật Đất đai sắp tới sẽ góp phần “bịt” các “lỗ hổng” trong quản lý đất đai để đất đai thực sự là nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển đất nước, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, nhất là góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Bởi vậy, toàn bộ quá trình vận động nhân dân và các cơ quan, tổ chức tham gia góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này cùng với sự nỗ lực hoàn thiện để có thể được Quốc hội thông qua - ban hành chính là sự kiện pháp lý đặc biệt quan trọng của năm nay.
Luật gia PHAN VĂN TÂN
Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, Hội Luật gia TP. Hà Nội