/ Góc nhìn
/ Sự ‘vô cảm’

Sự ‘vô cảm’

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Đứng trước những hoàn cảnh, những mảnh đời có thể làm “buốt tim” người khác, nhưng vẫn còn đó là sự thờ ơ, dửng dưng “xơ cứng cảm xúc” của rất nhiều kẻ khác. Đã vậy, còn có nhiều hành vi cản trở, gây khó, thậm chí còn chống đối không hợp tác với người thi hành công vụ - người đang làm nhiệm vụ vì xã hội, vì sức khỏe của cộng đồng. Đó chính xác là sự “vô cảm”.

Ảnh minh họa. 

Sáng nay, trên đường đi làm, tôi tranh thủ gọi điện hỏi thăm tình hình dịch bệnh Covid-19, sức khỏe gia đình một người anh hiện đang sinh sống và làm việc tại TP. HCM, đồng thời cũng là thân chủ của tôi trong một vụ án dân sự.

Trả lời tôi, anh nói với giọng mệt mỏi, lo âu: “TP. HCM lại tiếp tục giãn cách lần hai. Trong này F0, F1 đang tự cách ly tại nhà, từ ngày thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg về giãn cách xã hội, gia đình anh ở trong nhà. Thời điểm dịch bệnh hiện nay, mới thấy cuộc sống lúc này có nhiều tiền cũng vô nghĩa. Có tiền không biết tiêu gì ngoài việc mua thức ăn hàng ngày, có tiền không biết đi đâu chơi được, mà cũng không được đi đâu lúc này, không mua sắm gì. Chẳng nhẽ mua bộ quần áo hàng hiệu, đồ đẹp mặc trong nhà. Dịch Covid-19 mà kéo dài là mất vài năm cuộc đời không có ý nghĩa gì. Mà ngoài kia bao nhiêu người còn quá khổ, không có cả tiền mua thức ăn, chi tiêu hàng ngày. Họ phải “tháo chạy” về quê, chứ ở TP. HCM này không đủ tài chính mà cầm cự, chi tiêu cho sinh hoạt tối thiểu hàng ngày, thế mới thấy mình vẫn còn hạnh phúc chán. Ngẫm nghĩ lại cũng thấy đúng, lúc này cái quan trọng nhất vẫn là sức khỏe”.

Tôi ngẫm lại, thời gian gần đây, trên các trang báo, mạng xã hội, đăng tải những clip, hình ảnh chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống đời thường nhưng gây bao cảm xúc về tình người ngay trong mùa dịch.

Đứng trước những hoàn cảnh, những mảnh đời có thể làm “buốt tim” người khác, nhưng vẫn còn đó là sự thờ ơ, dửng dưng “xơ cứng cảm xúc” của rất nhiều kẻ khác. Bởi thế, bao nhiêu chuyện chướng tai, gai mắt đã xảy ra. Chẳng hạn, ngay trong lúc đại dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp, trong khi cả hệ thống từ y tế, quân đội, công an, chính quyền các cấp, lực lượng tình nguyện… không quản vất vả, ngày đêm thần tốc truy vết, lấy mẫu xét nghiệm thì nhiều người lại “lạnh lùng vô cảm” thậm chí “vô ý thức”. Đã vậy còn có nhiều hành vi cản trở, gây khó, thậm chí còn chống đối không hợp tác với người thi hành công vụ - người đang làm nhiệm vụ vì xã hội, vì sức khỏe của cộng đồng. Đó chính xác là sự “vô cảm”.

Vậy “vô cảm” là gì? Có người nói với tôi đó là căn bệnh xã hội, căn bệnh của cách hành xử, lối sống của một số người trong xã hội, mà không phân biệt tầng lớp, vị trí xã hội, trình độ văn hóa. Nó là sự trơ lì của cảm xúc, sự dửng dưng, thờ ơ với những hiện tượng đời sống xung quanh, chỉ biết mình, quan tâm đến mình nhưng thậm chí cũng “vô cảm với chính mình” của một số bộ phận người trong xã hội.

Vì vậy, vô cảm luôn xa lạ với câu “giữa đường gặp chuyện bất bình chẳng tha” như chí khí của cụ Nguyễn Đình Chiểu thuở nào. Họ là kẻ có thấy cũng như không, hoặc “cố tình không nghe, không thấy”, không dám lên án cái ác, ủng hộ cái tốt mà cứ lập lờ, “không thế này mà cũng chẳng thế kia”, an phận thủ thường, bạc nhược đến tàn nhẫn.

Cũng có người nói, vô cảm là căn bệnh của xã hội đương đại, của nền kinh tế thị trường và là sản phẩm của mặt trái nền kinh tế thị trường. Khi lối sống thực dụng, lối sống hưởng thụ đồng lõa, lên ngôi và cộng hưởng lại với nhau… làm cho bệnh vô cảm ngày một nặng thêm.

Đặc biệt, nguy hiểm hơn nữa là căn bệnh này đang len lỏi, ăn sâu vào mọi mặt của đời sống xã hội, nó không “từ chối” bất kỳ cá nhân nào, tổ chức nào.

Luật sư PHẠM TRUNG KIÊN

Doanh nghiệp vừa và nhỏ nhìn từ các nước Châu Âu trước đại dịch Covid-19

Nguyễn Mỹ Linh