/ Luật sư - Bạn đọc
/ Sửa biên lai chuyển tiền từ thiện, làm giả sao kê - Hành vi vi phạm đạo đức, pháp luật

Sửa biên lai chuyển tiền từ thiện, làm giả sao kê - Hành vi vi phạm đạo đức, pháp luật

14/09/2024 06:45 |

(LSVN) - Theo Luật sư, việc làm giả thông tin chuyển khoản tiền từ thiện và đăng lên mạng xã hội để khoe mẽ không chỉ là hành vi sai lệch đạo đức mà còn gây ảnh hưởng tới uy tín của cơ quan tiếp nhận tiền hỗ trợ.

Ảnh minh họa.

Thời gian vừa qua, lợi dụng tình hình bão lũ, có không ít người đã làm giả thông tin chuyển khoản tiền từ thiện nhằm mục đích cá nhân.

Một số người sử dụng hình ảnh đã qua chỉnh sửa để "thổi phồng" số tiền ủng hộ, nhằm đánh bóng tên tuổi trên mạng xã hội. Đến khi đơn vị nhận tiền từ thiện công bố bản sao kê, các trường hợp làm giả thông tin chuyển khoản tiền từ thiện ngay lập tức bị phát hiện và gây bức xúc trong dư luận. 

Theo Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, tấm lòng với bà con vùng lũ ít hay nhiều phụ thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện của mỗi người, không ai chê trách từ thiện nhiều hay ít. Nhưng nếu dùng các phần mềm chỉnh sửa biên lai chuyển tiền để thể hiện tăng số tiền từ thiện, thì đây không chỉ là hành vi vi phạm đạo đức xã hội mà còn là vi phạm pháp luật.

"Sẽ không ai nghĩ rằng người này góp nhiều thì có tấm lòng lớn hơn người góp ít, góp bao nhiêu phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của mỗi người. Không ai khuyến khích việc đóng góp quá với khả năng, điều kiện", Luật sư Cường cho hay. 

Đồng thời, Luật sư cũng nhấn mạnh, thời gian qua xuất hiện một số trường hợp đóng góp tiền từ thiện với giá trị nhỏ nhưng lại chỉnh sửa biên lai theo chuyển tiền bằng cách thêm các số không (0) phía sau để tăng giá trị tiền thiện nguyện.

Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc thống kê, phân phát, có thể gây ra những nghi ngờ lẫn nhau giữa những người đóng góp và người tiếp nhận quản lý tiền, gây ra dư luận xấu nên hành vi này rất đáng trách, rất đáng lên án. 

Hành vi sửa biên lai chuyển tiền của người đóng góp từ thiện không chỉ là hành vi vi phạm nghiêm trọng đại đức xã hội mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Đó là hành vi làm giả tài liệu và đưa tin sai sự thật.

Tùy thuộc vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm, hậu quả xảy ra mà người sửa biên lai chuyển tiền sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo Luật sư Cường, nếu kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy hành vi sửa biên lai chuyển tiền từ thiện đăng lên mạng xã hội gây khó khăn cho đơn vị tiếp nhận, ảnh hưởng đến hoạt động thống kê, phân phát tiền từ thiện, gây ra dư luận xấu thì người thực hiện hành vi làm giả, đưa tin sai sự thật lên không gian mạng sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng quyền tự do dân chủ theo quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự.

Còn trường hợp hành vi làm giả chuyển tiền rồi đăng công khai lên mạng xã hội chưa gây hậu quả xấu, chưa ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì người đưa thông tin sai sự thật về việc chuyển tiền từ thiện này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP với mức phạt từ 10-20 triệu đồng với tổ chức và phạt từ 5-10 triệu đồng với cá nhân.

MTTQ Việt Nam công bố thêm 2.009 trang sao kê tiền ủng hộ đồng bào bị bão lũ

Ngày 13/9, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tiếp tục công khai thêm 2.009 trang sao kê số tiền ủng hộ đồng bào vùng bão lũ qua số tài khoản Vietinbank CT1111 từ ngày 10/9/2024 đến ngày 12/9/2024. 

Trước đó, ngày 12/9, MTTQ Việt Nam đã công khai 12.028 trang sao kê tiền ủng hộ đồng bào vùng bão lũ qua số tài khoản Vietcombank 0011001932418 từ ngày 01-10/9.

Theo số liệu từ Ban Vận động Cứu trợ Trung ương, tính đến 17h00 ngày 13/9, các tổ chức, cá nhân đã chuyển về tài khoản của Ban Vận động cứu trợ Trung ương là 775,5 tỉ đồng.

MINH TRẦN

Trục lợi tiền từ thiện bị xử lý như thế nào?

Nguyễn Hoàng Lâm