Ảnh minh họa.
Ngày 19/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 856/QĐ-TTg phê duyệt Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam được Đại hội Đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III thông qua. Nội dung Điều lệ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có nhiều điểm mới so với Điều lệ trước đây, từ đó dẫn đến một số quy định tại Quy chế 203 không còn phù hợp, cần phải sửa đổi bổ sung.
Để bảo đảm thống nhất, đồng bộ với Điều lệ, đồng thời khắc phục những bất cập, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Quy chế 203 trong thời gian qua, làm cơ sở nâng cao chất lượng, bảo đảm thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý kỷ luật của Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các Đoàn Luật sư tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của Luật sư trên toàn quốc.
Nhận thức tầm quan trọng, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Quy chế 203, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã giao các cơ quan chuyên môn rà soát, lấy ý kiến chuyên gia, các Đoàn Luật sư, tổ chức hội thảo… để xây dựng bộ quy chế mới phù hợp Điều lệ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Quá trình rà soát, trao đổi, lấy ý kiến đến nay đã cơ bản thống nhất các nội dung chính cần sửa đổi, bổ sung.
Trong đó nổi lên một số vấn đề như cần thiết phải bổ sung quy định về trách nhiệm của người khiếu nại, tố cáo. Theo đó, cần quy định người khiếu nại, tố cáo phải có trách nhiệm trình bày trung thực, cung cấp thông tin, tài liệu mà mình có được chứng minh cho nội dung khiếu nại, tố cáo; chịu trách nhiệm về nội dung khiếu nại, tố cáo; hợp tác với cơ quan xử lý, người xử lý khi có yêu cầu và chấp hành nội quy nơi làm việc của cơ quan xử lý, người xử lý; không được lợi dụng việc khiếu nại, tố cáo để xâm phạm danh dự, uy tín của người khác hoặc vi phạm pháp luật.
Về thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý kỷ luật của Đoàn Luật sư. Để đảm bảo tính thống nhất, dân chủ, tránh việc tùy nghi hoặc đùn đẩy trách nhiệm của thành viên Ban chủ nhiệm. Khoản 4 Điều 44 của Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhiệm kỳ III quy định: “4. Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với hành vi của Luật sư là thành viên Đoàn Luật sư, thành viên Ban Chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng, kỷ luật, cá nhân đảm nhiệm chức danh khác của Đoàn Luật sư, trừ Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam.”. Theo đó, cần sửa đổi theo hướng loại bỏ quy định về việc Ban Chủ nhiệm có thể ủy quyền hoặc giao cho một thành viên thay mặt để giải quyết mà việc giải quyết được quyết định trên tinh thần tập thể.
Về thẩm quyền, trách nhiệm tiếp nhận, thụ lý giải quyết khiếu nại, tố cáo, khiếu nại quyết định kỷ luật của Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Khoản 3 Điều 45 của Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhiệm kỳ III quy định: “3. Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam giải quyết tố cáo đối với Chủ nhiệm Đoàn Luật sư, Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư, các cơ quan, đơn vị trực thuộc Liên đoàn, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các Luật sư giữ các chức danh của Liên đoàn về những quyết định, hành vi liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, chức danh đó”. Vì vậy, Quy chế cần sửa đổi về thẩm quyền giải quyết cho phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 45 của Điều lệ.
Về thời hạn khiếu nại đến Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể đối tượng có quyền khiếu nại đối với quyết định, hành vi của Ban Chủ nhiệm.
Về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo tại Đoàn Luật sư, để phù hợp tình hình thực tiễn các ý kiến thống nhất bổ sung quy định về việc lấy ý kiến văn bản của Ban Chủ nhiệm khi Ban Chủ nhiệm không họp; nội dung bổ sung tương tự quy định tại khoản 3 Điều 45 của Quy chế 203 về việc lấy ý kiến văn bản của Ban Thường vụ Liên đoàn trong trường hợp Ban Thường vụ không họp.
Bổ sung nội dung quyền được giải thích việc được khiếu nại và cụ thể hóa thời hạn khiếu nại đến Liên đoàn. Các ý kiến cũng thống nhất Văn bản giải quyết khiếu nại, tố cáo cần bổ sung nội dung quyền được khiếu nại và thời hạn khiếu nại đến Liên đoàn Luật sư Việt Nam của người khiếu nại, tố cáo, người bị khiếu nại, tố cáo đối với nội dung giải quyết khiếu nại, tố cáo của Đoàn Luật sư.
Về thời hạn giải quyết việc khiếu nại, tố cáo tại Đoàn Luật sư các ý kiến thống nhất cần bổ sung quy định các trường hợp gián đoạn do người khiếu nại, người tố cáo, người bị tố cáo không hợp tác, do trở ngại khách quan hoặc do phải chờ kết quả trả lời của các cơ quan chức năng được trừ vào thời gian giải quyết khiếu nại, tố cáo để đảm bảo thời hạn giải quyết vụ việc.
Ngoài các nội dung nêu trên, hiện nay Ban soạn thảo của Liên đoàn đã tập hợp và thống nhất trình Hội đồng Luật sư toàn quốc văn bản sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng khác liên quan việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý kỷ luật Luật sư.
Luật sư TRẦN VĂN AN
Trưởng Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam