/ Pháp luật - Đời sống
/ Sửa đổi quy định về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu bị hại

Sửa đổi quy định về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu bị hại

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật số 02/2021/QH15 ngày 12/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Ảnh minh họa.

Theo đó, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 trước đây quy định có 10 tội chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại.

Tuy nhiên, quy định mới tại Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự đã bãi bỏ trường hợp áp dụng khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại đối với khoản 1 Điều 226 Bộ luật Hình sự 2015 về tội "Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp".

Như vậy, theo quy định mới này chỉ còn 09 tội được khởi tố khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại, bao gồm các tội phạm quy định tại khoản 1 các Điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155 và 156 Bộ luật Hình sự 2015. Cụ thể: 

- Tội "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác" (Điều 134);

- Tội "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh" (Điều 135);

- Tội "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội" (Điều 136);

- Tội "Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác" (Điều 138);

- Tội "Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính" (Điều 139);

- Tội "Hiếp dâm" (Điều 141);

- Tội "Cưỡng dâm" (Điều 143);

- Tội "Làm nhục người khác" (Điều 155);

- Tội "Vu khống" (Điều 156).

Ngoài ra, Luật số 02/2021/QH15 cũng đã quy định rõ hơn về thẩm quyền của Công an xã.

Trước đó, tại khoản 3 Điều 146 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 chưa quy định Công an xã được kiểm tra, xác minh sơ bộ trong tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm như Công an phường, thị trấn, đồn Công an. Điều này dẫn đến việc Công an xã chưa phát huy tốt được vai trò chính quy, không kịp thời giảm tải khối lượng công việc rất lớn cho Cơ quan Điều tra Công an cấp huyện ở các địa phương trong tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. 

Theo đó, tại khoản 1, Điều 1, Luật số 02/2021/QH15 này đã sửa đổi, bổ sung khoản 3, Điều 146 như sau: "Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan Điều tra có thẩm quyền".

Bên cạnh đó, Luật số 02/2021/QH15 cũng đã sửa đổi, bổ sung Điều 44 của Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13. Cụ thể, Điều 44, quy định trách nhiệm của Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an. Trong đó, Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo các tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Trường hợp Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an phát hiện, bắt giữ, tiếp nhận người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã thì thu giữ, tạm giữ vũ khí, hung khí và bảo quản tài liệu, đồ vật có liên quan, lập biên bản bắt người, lấy lời khai ban đầu, bảo vệ hiện trường theo quy định của pháp luật; giải ngay người bị bắt lên cơ quan Công an cấp trên trực tiếp hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.

 Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi 2021 có hiệu lực từ 01/12/2021.

QUẾ VÕ

Đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, động viên công nghiệp

Lê Minh Hoàng