/ Góc nhìn
/ Suy nghĩ về dạy Sử và học Sử

Suy nghĩ về dạy Sử và học Sử

24/04/2022 17:37 |

(LSVN) - Một đất nước muốn phát triển, toàn dân đoàn kết xây dựng nước nhà, cùng nhau đứng lên chống giặc ngoại xâm bảo vệ biên cương phải biết nguồn gốc tổ tiên mình. Lịch sử phát triển qua từng thời kỳ, chống thiên tai địch họa, truyền thống tương thân, tượng trợ lẫn nhau, vượt qua hoạn nạn.

Ảnh minh họa.

Cách đây 05 năm tôi đi Giỗ tổ Hùng Vương, trong dòng người tấp nập đi về Đền thờ Quốc tổ, nghe một cháu gái chừng 13 - 14 tuổi hỏi bà: “Hùng Vương là ông nào mà người ta làm giỗ lớn vậy?”. Tôi ngạc nhiên về câu hỏi vô tư của cháu gái, đi chậm lại, tôi hỏi: “Ở trường có lần nào thầy, cô giáo dạy cháu về Vua Hùng dựng nước chưa?”. Cháu bảo: “Vua Hùng dựng nước thì cháu được cô nói nhiều rồi, còn Hùng Vương cháu chưa nghe”. Tôi nghĩ, đây không phải lỗi của cháu, mà lỗi của người dạy lịch sử. Hôm nay, cháu đi Giỗ tổ với bà chắc chắn sẽ hiểu thêm nhiều về Hùng Vương.

Hồi tôi học cấp 2, cô dạy Sử lớp chúng tôi tên là Mai, dẫu cô mới ra trường, nhưng mỗi tiết Sử cô dạy đều trở thành một câu chuyện, mỗi câu chuyện đều có đầu, có đuôi, có cốt truyện. Thời đó, chúng tôi mê lắm, cứ mong sao cho mỗi ngày đều có tiết Sử của cô. Cô dạy cả lớp chăm chú nghe, có những hôm vì chăm chú quá mà quên mất là đã hết giờ.

Môn Sử trong lớp ai cũng thích học, kiểm tra nhiều bạn được điểm cao, cũng nhờ cô mà chúng tôi mới hiểu về "Con Rồng, Cháu Tiên", về đoàn kết chống ngoại xâm của dân tộc ta, một dân tộc không chịu khuất phục bất kỳ một kẻ thù xâm lược nào. Chúng tôi vinh dự, tự hào khi được sinh ra và lớn lên trên đất nước Việt Nam giàu truyền thống văn hóa dân tộc. Bên cạnh đó, lớp chúng tôi cũng đã có nhiều bạn ra đi cầm súng bảo vệ Tổ quốc lập được nhiều chiến công.

Trên 70 tuổi, tôi suy ngẫm lại môn Lịch sử không những trang bị cho học sinh biết về cội nguồn của dân tộc, mà còn cho mọi người có vốn sống, cách sống, đạo lý làm người, ý thức đối với dân tộc, ý thức bảo vệ non sông, bờ cõi. Chính vì thế, ngày 01/8/1941, kỷ niệm 11 năm ngày thành lập Ban Tuyên truyền Bác Hồ đã viết tác phẩm: “Lịch sử nước ta”. Bác viết: “Dân ta phải biết sử ta; Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam…”.

Tác phẩm diễn ca: “Lịch sử nước ta” của Bác nhằm mục đích làm tài liệu học tập cho cán bộ Việt Minh, được phổ biến tuyên truyền rộng rãi trong quần chúng nhân dân. Tác phẩm “Lịch sử nước ta” của Bác làm cho cán bộ, nhân dân hiểu về hơn 4000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, đã tiếp thêm sức mạnh cho Đảng ta, nhân dân ta vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, khỏi ách đô hộ của thực dân, phong kiến. Chúng ta đã dành thắng lợi lịch sử, đóng góp một phần vô cùng quan trọng.

Nhiều nhà giáo lâu năm trao đổi với tôi, trong đó, có nhiều nhà giáo không dạy môn Lịch sử nhưng đều chung nhận xét: “Lịch sử là hồn cốt của dân tộc”. Các nhà giáo dẫn chứng một thực tế không thể phủ nhận, trong các nhà trường: Môn nào học chính, có thi cử nghiêm túc thì môn đó học sinh chăm chú học; còn môn nào học phụ không thi thì học sinh học đối phó. Mặc dù nhà trường có nhiều biện pháp, nhưng học sinh vẫn học cho qua, học lấy lễ.  

Học đối phó là không tốt, nhưng kể cả người lớn cũng học đối phó, bản thân tôi cũng học đối phó, cán bộ viên chức hiện nay không ít người học đối phó. Nghị quyết của Đảng vô cùng quan trọng đối với cán bộ, đảng viên, nhưng vẫn có cán bộ, đảng viên còn lơ là học Nghị quyết của Đảng.

Vừa rồi, Bộ GD&ĐT đưa ra môn Lịch sử vào môn học lựa chọn. Xã hội có nhiều ý kiến, Bộ GD&ĐT đăng đàn chính kiến của mình về môn Sử tự chọn, trích dẫn nhiều văn bản. Nhưng xem ra phần lớn người dân, nhiều nhà giáo nhiều năm trong ngành không thuận, quan điểm của họ nếu môn Sử tự chọn nhất định chất lượng học tập không cao.

Tôi không phải Nhà Sử học, không giỏi về Lịch sử, kiến thức lịch sử không nhiều, nhưng đồng quan điểm với nhiều nhà  giáo lâu năm. Một đất nước muốn phát triển, toàn dân đoàn kết xây dựng nước nhà, cùng nhau đứng lên chống giặc ngoại xâm bảo vệ biên cương phải biết nguồn gốc tổ tiên mình. Lịch sử phát triển qua từng thời kỳ, chống thiên tai địch họa, truyền thống tương thân, tượng trợ lẫn nhau, vượt qua hoạn nạn. Có như thế, dân tộc ta, đất nước ta mới phát triển vẻ vang như hôm may. Có học Sử nghiêm túc mới biết lịch sử phát triển của nhân loại, lịch sử phát triển của các châu lục, chúng ta học hỏi kinh nghiệm những tinh hoa các nước trên thế giới.

Điều mà Bộ GD&ĐT cần bàn, nên bàn là dạy Sử như thế nào để thu hút học sinh đam mê học tập. Điều cần thiết rút ra nguyên nhân môn Sử trong những năm tháng vừa qua là giáo viên dạy chưa thuyết phục được học sinh, lỗi ở đâu. Cải cách để phát triển, tránh cải cách tụt hậu, cải cách mắc sai lầm là điều ta không nên làm.

HẢI HƯNG

Giáo viên phải biết tự kiềm chế

Lê Minh Hoàng